Phần I: 3.

101 15 3
                                    

"Cậu ơi, mì nở hết rồi kìa."

Tôi bị lôi ra khỏi giấc ngủ chập chờn. Đôi mắt lờ đờ nhìn bà chủ rồi gật đầu cảm ơn. Bát mì nghi ngút khói, xộc lên mặt tôi thay cho cái giá lạnh từ nãy giờ hành hạ thể xác. Nhìn quanh một vòng chỉ còn tôi, bà chủ cùng mấy cái ghế con thôi. Tôi xì xụp lấp đầy cái bao tử. Cái ấm của mì đi cùng cái no, cái thỏa mãn của bụng được lấp đầy làm cho cảm lan từ bao tử ra tất các đầu ngón tay ngón chân. Bà chủ biết ý đã cho thêm hành, hẹ, giá cùng vài miếng ớt mỏng. Tôi vốn là người ít ăn cay, thành ra những mảnh ớt như xé toạt mũi và lưỡi tôi. Hít hà xuýt xoa, tôi ráng ăn nhanh. Khốn khổ thay là môi tôi lúc nãy chảy máu, da non chưa lên nên cảm giác bờ môi như có lửa. Tôi tỉnh hoàn toàn khỏi cơn buồn ngủ. Mồ hôi ròng ròng ướt lưng áo, chân nhịp nhịp để giúp cơ thể bình tĩnh trở lại. Hình ảnh xung quanh trở nên nhòe đi bởi nước mắt. Cay! Cay quá! Cay thấu trời xanh! Tôi nhìn xung quanh, thấy ấm trà con chưa dọn của những người khách khác bèn dùng nó súc miệng, lấy cái chát lấn át cái cay. Thở hắt ra, tôi thấy thoải mái trở lại. Gió dịu dàng quạt cho tôi. Quay về chỗ ngồi, tôi lại lấy bao thuốc ra. Điếu cuối của bao thuốc nhàu nát bởi những cái xiết tay từ tôi. Tôi cần điếu thuốc đặt ngang tầm mắt mà quan sát: Điếu thuốc tròn tròn, nhỏ nhỏ, dài cỡ ngón trỏ. Đầu lọc làm từ một loại xơ rẻ tiền nào đấy. Thân điếu thuốc, nơi chứ khoái cảm và tử thần là những mẩu lá thuốc li ti nhồi trong một hình ống đường kính nửa ngón út bao quanh bởi giấy gói trắng. Ngắt một cái, điếu thuốc gãy nhẹ nhàng. Tôi nhìn chăm chăm vào điếu thuốc, tự hỏi bản thân mình tập hút thuốc từ khi nào. Mười tám. Tại sao mình lại tập hút từ lúc đó? Những phần kí ức chậm chạp trồi lên trước mắt: À, việc đó.

Năm ấy tôi mười tám, là một học sinh bình thường với những hoài bão tuổi trẻ. Muốn và mơ nhiều thứ với trái tim ngây thơ. Tính ra cũng thuộc hàng nổi tiếng trong trường vì biết vẽ kí họa, mỗi dịp hội trại là tôi đứng ra lãnh trách nhiệm cho lớp nổi bật nhất trường. Sự tự tin căng tràn trong tôi. Tôi biết là tôi muốn vẽ. Tôi chắc chắc là vẽ nó nằm trong máu tôi, chỉ cần cầm cọ lên là nó tuôn ra không ngừng như suối trào. Bạn bè cổ vũ tôi đi thi Đại Học Mỹ Thuật dữ dội lắm, thậm chí có đứa còn bảo rằng nếu tôi mà không đi thi làm họa sĩ hay cái gì đó tương tự thì "chặt mẹ nó tay cho tao xài đi"! Tôi vui lắm. Trái tim lấp lánh những hi vọng. Dĩ nhiên tôi biết bản thân không bao giờ trở một họa sĩ nổi tiếng được, nhưng chí ít tôi có thể chọn được một việc gì đó phù hợp với bản thân mình, tận dụng được cái thụ cảm mĩ thuật của mình: thiết kề, quảng cáo, trang trí,... Nhất định phải vậy!

Có điều bố tôi phản đối gay gắt khi ông biết ý định của tôi. Ông bảo rằng làm nghề đó cho mấy đứa nhà giàu làm, rằng nghề đó lông bông lắm, không ổn định được đâu, làm sao mà có vợ. Tôi bướng lên, bảo rằng thời đại này khác rồi, rằng tôi có thể làm được vì tôi có khả năng, rằng đâu nhất thiết phải làm họa sĩ đâu, còn những nghề khác có thể tận dụng tài của tôi mà.

Để tôi vẽ lại căn phòng khách nhà tôi nơi diễn ra cuộc cãi vã: Trước hết đó là một căn phòng khách nhỏ, cũ kĩ, ám màu thời gian. Bốn bức tường nhiều phần bong tróc sơn ra. Một màu xanh ngọc bích già nua, không được đánh bóng phủ lên không gian một sự u sầu khó giải thích. Bộ bàn ghế gỗ con màu đen màu đen dùng để tiếp khách pha trà. Ngoài ra còn có thêm một cái tủ ti vi. Sàn lót gạch đầy vết két vết dơ. Trong phòng có ba người: Tôi, Bố và Mẹ. Bố ngồi đối diện tôi, vẻ mặt hầm hầm với mái tóc bạc trên gương mặt bè ngang của ông. Đôi mắt ông dấu sau cặp mắt kính nâu gọng vuông như thể muốn dấu tâm tư thật của mình. Gương mặt nhiều cạnh với xương gò má lồi hẳn lên. Mẹ tôi ngồi cạnh bên bị phủ trong cái bóng của bố, lờ mờ, đờ đẫn, bố bảo là vâng vâng dạ dạ. Cảm tưởng mẹ tôi là một phần của bố nối dài. Còn về phần tôi đang đứng, khoanh hai tay lại. Tôi nhìn thẳng vào mắt bố nhưng không thể nào đoán được ông có nhìn tôi hay không bởi vết lóa từ bóng đèn điện trên cặp mắt kiếng. Tất cả im lặng để cho nhịp thể đều đều mà nặng nhọc của cả ba người lan khắp căn phòng, làm đầy không gian. Tiếng quạt trần quay ở trên đầu chỉ làm bầu không khí thêm ngột ngạt. Đây là lúc chúng tôi đã to tiếng với nhau, lí do với nhau, kể công với nhau xong. Bây giờ ai cũng mệt mỏi với những tâm sự của riêng mình. Tôi đang suy tính rằng phải có cách nào đó để thuyết phục bố, rằng phải có bằng chứng nào đấy để chứng minh khả năng của mình! Tôi hít một hơi thật sâu rồi nói:

Bốn Ngày Ở DalaNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ