Phần I: 5.

87 10 4
                                    

Theo tôi biết, các trạm xăng mở cửa tầm năm hoặc sáu giờ sáng. Hiện tại thì đồng hồ điện thoại tôi báo thời gian "4:15". Vậy là dù nếu may mắn tôi dắt xe nổi trên cái cung đường lên dốc xuống đồi này thì tôi cũng phải chờ. Chờ kha khá lâu. Cái lạnh bắt đầu luồn qua những chỗ rách trên quần tôi, lan đều ra bề mặt da. Không đi tiếp đồng nghĩa với cóng nên tôi đứng dậy mà bắt đầu dắt xe. Đã từng dắt xe ở Sago nhiều lần rồi: Tôi cùng xe chậm chạp bên lề nhìn dòng giao thông đông đúc di chuyển trên đường nhanh và nhiều như thể sóng trào cơn lũ, nắng từ trên cao rọi xuống cần cổ như thể đang nướng nó lên. May mắn những lúc đấy tôi chỉ thủng bánh chứ chẳng bao giờ hết xăng nên có động cơ nổ bùng bục cổ vũ tôi tìm tiệm sửa: Trong căn nhà ọp ẹp, bức tường dơ bẩn bắn đầy dầu nhớt, ông bác ngồi trong cười hiền hút điếu thuốc; Ở góc ngã tư hay dưới tán cây với độc một chiếc bình bơm hơi và bộ dụng cụ đặc gọn gàng kế bên, khách vào thì chủ từ quán cóc gần đó chạy ra niềm nở; Lớn với đông nhân viên, ai cũng mỉm cười, đồng phục đàng hoàng với trang thiết bị, phụ tùng đầy đủ. Nếu cái dắt xe nóng, nực và mồ hôi nhiều bao nhiêu thì ở cái chốn này nó cũng lạnh, cóng mà mồ hôi cũng đổ ra bấy nhiêu. Con đường hiện tại vẫn rất phẳng nhưng nó bắt đầu cong lên ở phía chân trời. Xa mà, tôi nghĩ, đi một hồi tới tính tiếp. Những tiếng bước chân thế chỗ tiếng động cơ cho việc phá hoại sự im lặng. Có vài nhà bật điện. Xe đã lác đác chạy trên đường. Một, hai hàng quán được dọn ra. Người ta dù vụt qua tôi một cách chậm rãi hay ở trong quán đều dõi theo tôi bằng đôi mắt buồn tẻ, lờ đờ. Mà ngẫm kĩ thì cuộc sống thôn quê không cần phải vội. Chậm rãi và từ tốn, họ bước đi trên đường đời của họ. Có phải bỏ lại gì không, tôi tự hỏi. Có phải hi sinh ước mơ, hoài bão hay sở thích không? Có phải rút dao mà rạch một lỗ lớn trên ngực rồi móc tim ra, còn đập thình thịnh, đỏ máu tươi, trưng cho người khác xem xong rồi dùng con dao kia đậm cật lực xuyên tâm nhĩ lẫn tâm thất xong rồi lại gắn các bộ phận nhân tạo cho nó đập một cách máy móc nhằm hài lòng người khác?

Dừng lại một chút vì mệt và vì cơn thèm thuốc lại đến, tôi chống thắng xuống rồi cứ ngồi trên yên, lặng nhìn không gian xung quanh, rít thuốc. Nhà còn khuất trong sương mỏng, giống như nhìn qua tấm lụa trắng có độ dày cỡ tờ giấy. Người qua đường như thể những con rối của kịch bóng, cứng đờ và giật cục chạy xe. Có người vác cuốc, có người chở hàng. Họ vội nhưng không gấp. Những chiếc áo bạc phết và sần, bong chỉ bởi sương gió, bởi nắng, bởi mồ hôi và nước mắt, có khi là cả máu nữa không biết chừng. So với hồi nãy chẳng ai thèm chú ý đến tôi như thể tôi đã trở thành một cái bóng như họ, hòa vào cảnh vật mà sương làm đạo diễn. Không hiểu sao tôi lại thoải mái hút dù các chỗ trầy xước va đập bắt đầu gởi tín hiệu đau về não bởi adrenaline đã dịu xuống. Làn khói tan vào sương, chìm vào cái không khí se lạnh. Đóm tàn cháy bị ánh đèn đường lấn áp. Cảm tưởng tôi bị nuốt chửng bởi không gian, bị nó đồng hóa làm một. Nhưng cảm giác ấy không kéo dài lâu vì điếu thuốc đã tắt, xe vẫn hết xăng và tôi cần đến Dala.

Tôi lại dắt xe. Le lói hiện lên ánh sáng đầu tiên của ngày. Không rõ hiện tại là mấy giờ. Có một cái chợ nhỏ sau đỉnh dốc, nó đã bắt đầu họp từ bao giờ và sự ồn ào vỡ ra sau hàng tiếng đồng hồ bị giam hãm. Xe ra đường càng lúc càng đông hơn, các quán xá cũng đã có người ra vào, nhưng những người ấy chỉ ngồi xuống ăn lặng lẽ, nhát gừng và buồn ngủ. Tôi chợt thấy đói bụng dù đã ăn tô mì cách đó tầm hai hay ba tiếng gì đó. Có lẽ tại vẫn hoảng hốt bởi kinh nghiệm giáp mặt thần chết, hoặc là sự chán nản bởi xe hết xăng, hoặc là cái mệt do phải dắt xe một đoạn đường dài. Dù gì đi chăng nữa thì những mùi hương quyến rũ của đồ ăn, cái rộn ràng ngày mới quả thật vô cùng chèo kéo. Bao tử tôi bắt đầu sôi. Nó kêu gào được lắp đầy bằng bất cứ cách gì: Bún bò Huế, mì Quảng, phở xào, bánh mì... Có điều tôi cương quyết bước đi vì tôi hiểu trong những lúc thế này mà nghỉ ngơi để ăn sáng thì chắc chắn tôi sẽ ù lì đi bởi sự no, phủ phê và cảm giác thỏa mãn. Tôi sẽ mất động lực dắt xe đi tìm trạm xăng trong mòn mỏi hi vọng. Sẽ buồn chán hút thuốc trong một quán cà phê nào đó rồi nghĩ: "Thôi Dala xa quá, mình nên về." xong ngủ một giấc, sau đó sẽ bắt một chuyến xe chạy xuôi về Sago, gởi chiếc Sirius trong hầm xe với cái giá đắt đỏ và bỏ ước mơ vĩ cuồng đi thăm Dala. Nàng đẹp, nàng bí ẩn, nàng quyến rũ. Nhưng hãy thực tế như trước giờ tôi ép phải thực tế: Nàng chỉ là giấc mộng dang dở của một người đã bỏ rơi quá nhiều thứ của mình cho người khác và vì người khác yêu cầu; Là cái phao để tôi bấu víu vào trong những đêm khó ngủ tự hỏi mình là ai như một sự ăn mày dĩ vãng. Những cái đẹp nhất của tuổi trẻ tôi đã ở lại Dala hết rồi, chúng có lẽ đang sống hạnh phúc trên ấy: Tôi Lớp Tám đang say đắm trong cái sự ngất ngây của tình đầu - Tình cảm dành cho cái đẹp, cái say với một địa điểm; Tôi Hai Mươi lại khoái cảm với những buổi chạy xe lang thang khắp Dala trong gió lạnh mát mẻ dưới những con đường ngợp dưới bóng thông; Tôi Hiện Tại, Tôi Hai Lăm lại chỉ còn biết bấu víu vào quá khứ cũ kĩ mà hút lấy chút sống động ít ỏi còn lại trong những mẩu kí ức đã bị vắt kiệt bởi sự hồi tưởng chẳng bao giờ ngừng. Nhưng hiện tôi không hề thực tế chút nào cả. Việc nói dối để lần đầu lấy cớ nghỉ việc đi chơi trong suốt ba năm kể từ lúc vào công ty đã là một trong những lần tôi phạm tội lớn nhất rồi, và tôi không hối tiếc. Đó là lý do tại sao phải bước tiếp, phải đổ được xăng và phải tiếp tục đi, đi đến Dala!

Bốn Ngày Ở DalaNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ