Nhiều bạn trẻ, khi còn ngồi trên ghế nhà trường luôn mơ mộng về một ngày mình sẽ được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, lương cao, công việc nhẹ nhàng, sếp dễ tính, đồng nghiệp thân thiện, nói chung tất tần tật từ A-Z phải chiều theo ý của mình. Và rồi họ cũng hơi chút ảo tưởng về năng lực thực sự cũng như bằng cấp của mình. Thời nay, tấm bằng không đo được năng lực cũng như kinh nghiệm và đẳng cấp của bạn. Kết quả bạn thể hiện trong công việc, thái độ bạn thể hiện với mọi người mới nói lên bạn là ai. Theo thống kê hơn 300,000 cử nhân thạc sỹ thất nghiệp sau khi ra trường. Con số ấy ngày nay vẫn tiếp tục tăng cao. Và rồi những bạn trẻ ấy quay sang đổ lỗi, than phiền. Họ kêu ca công ty thiếu chuyên nghiệp, sếp bóc lột, đây không phải là công việc theo đúng sứ mệnh mình sinh ra để làm. Theo phản ứng thông thường, nhóm người này bỏ cuộc quá sớm để tìm một công việc mới, hoặc tự tay "làm nên nghiệp lớn". Và rồi sự thật phũ phàng là việc nào thì cũng khó khăn hết, công việc nào họ cũng chỉ cố làm ở mức hời hợt, theo kiểu làm cho có kinh nghiệm chứ cũng chẳng định gắn bó lâu dài gì cả. Còn chuyện khởi nghiệp, thì 90% doanh nghiệp "chết" tươi ngay sau 1 năm đầu, đó là thống kê. Để rồi khi ra trường vài năm, họ vẫn cứ loanh quanh, luẩn quẩn ở mức lương ba cọc ba đồng, sự nghiệp thì chưa có, kinh nghiệm cũng không, kỹ năng thì hổng chỗ nọ, kém chỗ kia.
KHỦNG HOẢNG TUỔI TRUNG NIÊN Theo thời gian, họ phải đối mặt thêm với nhiều trách nhiệm và áp lực. Nếu lập gia đình là trách nhiệm với gia đình, nuôi con, mối quan hệ với họ hàng. Kéo theo là áp lực tài chính, áp lực công việc, áp lực với mối quan hệ. Chưa kể áp lực khi đồng trang lứa bạn bè thành công, mà mình nhìn đi nhìn lại vẫn đang chỉ là con số 0. Khi bước qua tuổi 30, có một hiện tượng tâm lý nhóm người này rất dễ mắc vào, đó là "khủng hoảng tuổi trung niên" – tức đánh mất niềm tin vào bản thân. Họ không còn tin mình có thể thành công. Và rồi họ buông xuôi tất cả. Lúc này cuộc sống với họ chỉ đơn thuần là lo chuyện cơm áo gạo tiền, giải quyết mớ trách nhiệm: nào hóa đơn tiền điện, nào hóa đơn tiền nước, nào tiền học phí cho con, sự nghiệp không thể tiến triển, cứ dậm chân tại chỗ, đầu tư cho bản thân cũng chẳng có cơ hội. Và rồi một ngày nào đó, họ chỉ còn biết "Giá như ngày xưa, mình đã làm gì đó khác đi." Đây là kịch bản của rất rất nhiều người ngoài kia. Ngày còn trẻ, ai cũng sung sức, ai cũng đầy nhiệt huyết hết. Nhưng khi còn trẻ mà không có nền tảng vững vàng, không làm đúng những bước đầu thì sau này sẽ rất khó, thậm chí là không thể thành công. Giống như trồng cây, bạn không thể nào gieo hạt bưởi mà lại mong khi lớn nên nó sẽ mọc thành cây xoài. Tương tự như vậy, tuổi ngoài 30 là kết quả của 10 năm đầu đời – những gì bạn làm ở tuổi 20s. Cho nên, hóa ra lúc bạn phải nỗ lực nhất, lúc bạn phải làm đúng nhất, lúc bạn phải cày cuốc, khổ ải nhiều nhất, lúc bạn phải học nhiều nhất lại là những năm tháng tuổi 20s – lúc bạn vẫn nghĩ mình là tỉ phú thời gian. HỌC, LÀM THÌ ÍT – CHƠI THÌ NHIỀU – ĐI LÊN BẰNG CHIÊU TRÒ Tỉ phú thời gian là câu nói cửa miệng của sinh viên, và cả những người mới đi làm. Nhưng thực sự mọi chuyện không đơn giản như vậy. Giống như cơn sóng thần, nó ập đến một cách rất bất ngờ, và trước đó trời thường quang, mây thường tạnh. Khi ra trường, cùng một lúc đủ mọi áp lực ập đến, là công việc, là gia đình, là môi trường mới,.. Hóa ra, các bạn sinh viên chỉ có một vài năm ngắn ngủi để chuẩn bị cho ti tỉ việc họ sẽ phải làm. Thế nhưng, họ chuẩn bị bằng cách nào? Học, làm thì ít – chơi thì nhiều. Nói đến học, là kêu chán. Than phiền phòng đào tạo, than phiền cơ chế, giờ học thì ngồi ngủ. Lỗi một phần có thể do giảng viên, nhưng phần còn lại là do các bạn trẻ. Thời gian rảnh họ làm gì? Là con sâu cày phim, cày game, cày youtube. Buổi tối thì là chuyên gia đi nhậu. Mỗi khi sinh nhật, đâu chỉ đi một tăng. Phải đi tăng hai, tăng ba, tăng tư. Mà sinh viên tiền đâu ra, là trợ cấp của cha mẹ chứ đâu, hay đi làm thêm kiếm ít tiền mà đổi lại những cuộc vui chơi tốn kém như thế liệu có đáng? Chưa kể, họ cũng là vua đi chơi. Nay phải đi phượt cung này, mai lại đi phượt cung kia. Nói thẳng ra, thi thoảng đi thì có trải nghiệm sẽ rất vui. Nhưng mà đi liên tục, sinh viên vừa ít tiền, lại ít lựa chọn, chưa kể rủi ro nhiều. Trong khi thời gian đó, cân bằng lại, trải nghiệm vừa phải, đi chơi vừa phải; tập trung sức mạnh cho việc học, học chuyên ngành, học ngoại ngữ, phát triển bản thân, rèn luyện thể chất để đến khi đi làm ngay lập tức tạo ra sự khác biệt. Chưa kể, có nhiều bạn trẻ hay thích dùng thủ đoạn khôn lỏi, luồn lách, lươn lẹo, tìm kiếm kẽ hở để ăn chặn, làm trò gian dối. Tuy nhiên, sự thật là cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Không có sự giả dối nào sống mãi với thời gian, và không sự thật nào không lớn lên cùng năm tháng. Với những chiêu trò, thủ đoạn thì đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma, sớm muộn gì cũng bị phát hiện. Khi ấy tiền mất, tật mang, ảnh hưởng danh dự, mất hết mối quan hệ, mất công việc, nhìn đi nhìn lại thiệt hại đủ mọi đường. Cho nên, bạn trẻ làm ơn đừng vội nghĩ đến thủ đoạn, bởi có thể bạn thông minh, khôn lỏi nhưng hãy nhớ núi cao còn có núi cao hơn. Đó là chân lí. Sẽ có người nhìn thấy những điều đó, vấn đề chỉ là thời gian. Ví dụ, Edward có một đứa em sinh viên trường Ngoại thương ngoài Hà Nội đi phỏng vấn ở một tập đoàn lớn đa quốc gia, vào vòng trong câu hỏi cuối cùng họ hỏi là "What's your MBTI? Tell us about you?" Câu này làm gì có giáo trình Mác Lênin nào dạy, phần nhiều các bạn ú ớ nó là cái gì thế? Trong khi phân loại tính cách là công cụ mà Top Fortune 500 (500 công ty hàng đầu thế giới) họ đều xài. Con nhỏ thấy trúng tủ, vì hóa ra thời gian rảnh rỗi tìm hiểu sâu về tâm lý, phân loại tính cách, ứng dụng hiểu bản thân biết tất tần tật; lại thêm việc cũng chịu khó học Tiếng Anh mỗi ngày, trả lời vanh vách tính cách của mình, lại nói rõ điểm yếu, điểm mạnh phù hợp công việc. Nhà tuyển dụng thích quá, họ chốt luôn. Vừa thực tập một thời gian, quản lý đã đề xuất em nên vào trong Sài Gòn – trụ sở chính tập đoàn mình để học hỏi được nhiều kinh nghiệm trước khi quay trở lại trường học. Cho nên, bớt chơi bời, bớt lười nhác, bớt thời gian vô bổ, lo mà rèn luyện, mà học cho sau này.