Đau Khổ Là Một Phần Của Quá Trình
Vào những năm 1950, một nhà tâm lý học người Ba Lan có tên Kazimierz Dabrowski[1] đã tiến hành nghiên cứu về những người sống sót sau Thế Chiến II và việc họ đã làm thế nào để vượt qua những trải nghiệm đau đớn trong chiến tranh. Vì đó là đất nước Ba Lan[2], nên mọi việc cũng khá là khủng khiếp. Những con người này đã phải trải qua hay chứng kiến những trận chết đói tập thể, những cuộc đánh bom biến các thành phố thành những đống đổ nát, cuộc diệt chủng tàn sát người Do Thái, sự tra tấn các tù nhân trong chiến tranh, việc cưỡng hiếp và/hay sát hại các thành viên trong gia đình, nếu không phải bởi quân đội Đức Quốc xã, thì vào những năm sau này là bởi quân đội Xô Viết.
Khi Dabrowski nghiên cứu về những người còn sống sót này, ông nhận ra có điều gì đó thật đặc biệt và đáng kinh ngạc. Một tỷ lệ đáng kể những người đó tin rằng điều mà họ từng trải qua trong quãng thời gian chiến tranh, dù cho có đau đớn và khủng khiếp tới đâu, thì thực ra cũng khiến cho họ trở nên tốt đẹp hơn, sống có trách nhiệm hơn, và đúng thật là, trở thành những con người hạnh phúc hơn. Rất nhiều người miêu tả phần đời của họ trước chiến tranh như thể họ là những con người hoàn toàn khác so với sau này: không biết ơn và không trân trọng những người thân yêu của họ, lười biếng và chỉ biết quan tâm tới những vấn đề vụn vặt, tự ban cho mình đặc quyền trước những gì mà họ có được. Sau cuộc chiến họ cảm thấy tự tin hơn, chắc chắn hơn về bản thân mình, biết ơn hơn, và không còn bối rối trước những vấn đề tầm thường của cuộc sống và những phiền phức vặt vãnh.
Hiển nhiên, những gì họ đã trải qua thật kinh khủng, và những con người này chẳng vui vẻ gì khi phải nếm trải chúng hết. Rất nhiều người trong số họ vẫn còn phải chịu đựng những vết thương tinh thần do sự đả kích mà chiến tranh mang lại. Nhưng một số người đã cố gắng lợi dụng những vết thương này và biến đổi bản thân họ theo chiều hướng tích cực và mạnh mẽ.
Và họ không phải là những người duy nhất trải qua sự thay đổi hoàn toàn ấy. Với rất nhiều người trong số chúng ta, thành tựu đáng tự hào nhất của chúng ta đến từ những nghịch cảnh lớn nhất. Nỗi đau của ta thường khiến cho ta trở nên mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn, vững vàng hơn. Những người chiến thắng căn bệnh ung thư, là một ví dụ, cho biết rằng họ cảm thấy mạnh mẽ hơn và thấy biết ơn cuộc sống hơn sau khi giành chiến thắng trong cuộc chiến giành giật sự sống. Các quân nhân cho rằng họ có được sự kiên cường về mặt tinh thần nhờ vào việc trải qua những hoàn cảnh hiểm nguy khi có mặt trong vùng chiến.
Dabrowski biện luận rằng nỗi sợ hãi và lo lắng và buồn bã không phải lúc nào cũng nhất thiết là trạng thái tinh thần không đáng mong đợi và vô ích; thay vì thế, chúng thường đại diện cho sự đau đớn cần thiết dẫn tới sự phát triển về mặt tinh thần. Và chối bỏ nỗi đau đó thì cũng có nghĩa là ta đã chối bỏ những tiềm năng của mình. Giống như việc một người cần phải trải qua những đau đớn thân thể mới mong có được cơ bắp và xương cốt rắn chắc, một người cũng cần phải vượt qua những đau đớn về mặt tinh thần thì mới mong có được kiên sự cường hơn trong tinh thần, sự chắc chắn hơn về bản thân, tăng cường lòng trắc ẩn, và nói chung là một cuộc sống hạnh phúc hơn.