Bạn có thể theo dõi quá trình biến chuyển từ một bộ não "cá vàng" trở thành bộ não nhà vô địch.
Một vận động viên thi đấu trong cuộc thi trông chẳng khác gì người bình thường. Họ thậm chí gầy gò hơn bạn, chạy chậm hơn và không chơi bóng rổ giỏi bằng bạn. Thế nhưng, khi bước vào những cuộc cạnh tranh , ví dụ như ghi nhớ 500 chuỗi ký tự trong vòng 5 phút, họ mới lộ diện ra mình là những người có bộ não siêu phàm.
Những câu hỏi từng làm đau đầu các nhà khoa học: Liệu trí nhớ của những nhà vô địch này là bẩm sinh hay do luyện tập? Và liệu cấu trúc não bộ của những vận động viên trí nhớ có khác người bình thường? Hóa ra, các nhà khoa học từng kết luận, bất kể ai cũng đều có thể sở hữu bộ não của những nhà vô địch.
Nhưng bằng cách nào? Mới đây, một nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Neuron đã chứng minh chắc chắn: Việc học theo và áp dụng thành công kỹ thuật của các vận động viên trí nhớ sẽ tạo ra những thay đổi quy mô lớn trong não bộ. Bởi vậy, nếu kiên trì thì những người "não cá vàng" cũng có thể trở thành nhà vô địch.
Một vận động viên trí nhớ đang chuẩn bị xếp những lá bài của anh
Nhóm nghiên cứu được dẫn dắt bởi Phó giáo sư Martin Dresler, một nhà khoa học thần kinh và nhận thức tại Đại học Radboud, Hà Lan. Ông và nhóm của mình đã sử dụng những bài kiểm tra, kết hợp với hình ảnh quét sâu vào bên trong não bộ của những nhà vô địch trí nhớ, để so sánh họ với một nhóm người bình thường khác.
Kết quả cho thấy những vận động viên trí nhớ có một số mô hình kết nối rất đặc biệt trong não bộ. Đó là thứ mà nhóm người bình thường không hề có. Tuy nhiên, khi những người bình thường được đưa vào một chương trình huyến luyện trí nhớ trong vài tuần, họ đã cải thiện được đáng kể kỹ năng ghi nhớ.
Đồng thời với đó, các mô hình kết nối đặc biệt trong não, tương tự như ở những vận động viên, cũng bắt đầu xuất hiện. Đáng chú ý, đó là kết quả của một đợt huyến luyện chỉ vài tuần, chứ không phải hàng năm.
Thực tế, rất nhiều người trong số chúng ta luôn luôn học hỏi và trau dồi những kỹ năng mới, trong suốt cuộc đời chứ không phải chỉ dừng lại khi kết thúc những năm học đại học. Các nhà khoa học vẫn thường tự hỏi rằng: Liệu não bộ của chúng ta có thay đổi gì không nếu trải qua những quá trình học tập khi đã trưởng thành như vậy?
Một số nghiên cứu trước đây đã chỉ ra, việc học thêm một vài kỹ năng thực sự đã gây thay đổi đến não bộ. Chẳng hạn như nghiên cứu chứng minh những người lái xe taxi ở London đã cải thiện được lượng chất xám trong vùng hồi hải mã (một vùng não bộ liên quan đến trí nhớ), khi họ học được những kỹ năng để không bao giờ mất phương hướng trong mê cung những giao lộ của thành phố.