Theo TS. Travis Bradberry - Chủ tịch TalentSmart, đồng tác giả cuốn Emotional Intelligence 2.0 (tạm dịch Trí tuệ xúc cảm 2.0), điểm chung của những người xấu tính là luôn hành động một cách vô lý. Một số người xấu tính cảm thấy hạnh phúc từ những tác động tiêu cực mà họ gây ra cho người xung quanh, số khác tìm kiếm cảm giác hài lòng từ việc gây rối để có thể dễ dàng điều khiển người khác. Dù bằng cách nào, họ cũng tạo ra sự phức tạp, xung đột, căng thẳng tồi tệ không cần thiết.
Từ lâu, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự căng thẳng (stress) có tác động tiêu cực lâu dài đến não bộ. Ngay cả việc chịu stress trong vài ngày cũng đủ làm giảm hiệu quả hoạt động của các tế bào thần kinh quanh vùng hippocampus - một vùng não quan trọng đảm nhiệm vai trò suy luận và ghi nhớ. Nhiều tuần sống trong căng thẳng sẽ làm đảo lộn, gây hại các nhánh dây thần kinh - vốn là những "cánh tay" nhỏ giúp các tế bào não giao tiếp với nhau. Và việc bị stress trong nhiều tháng liền sẽ phá hủy hoàn toàn các tế bào thần kinh.
Stress là một mối đe dọa với thành công của bạn, vì khi rơi vào tình trạng mất kiểm soát, não bộ và hiệu suất làm việc của bạn sẽ bị ảnh hưởng xấu.
Một nghiên cứu mới đây từ Khoa Sinh học và Tâm lý học lâm sàng thuộc Đại học Friedrich Schiller (Đức) phát hiện ra, việc tiếp xúc với những tác nhân kích thích sẽ gây ra những cảm giác tiêu cực mạnh mẽ - cùng loại tiếp xúc mà bạn có khi đối phó với người xấu tính - khiến bộ não đưa ra những phản ứng căng thẳng nghiêm trọng. Cho dù đó có là những câu nói tiêu cực, độc địa, điên khùng,... thì mục đích của những kẻ xấu tính vẫn là khiến bạn rơi vào trạng thái căng thẳng quá mức - thứ mà bạn phải tránh bằng mọi giá.
TS. Travis Bradberry chỉ ra, khả năng quản lý cảm xúc và giữ bình tĩnh trước áp lực có mối liên kết trực tiếp đến hiệu suất làm việc của một người. Theo một nghiên cứu được tiến hành bởi TalenSmart, 90% những người có hiệu suất làm việc hàng đầu tham gia khảo sát có kỹ năng quản lý cảm xúc trong những thời điểm căng thẳng, có thể giữ được bình tĩnh và sự kiểm soát. Một trong những món quà tuyệt nhất của họ là khả năng "miễn dịch" với người xấu tính. Họ được rèn luyện để đối phó và vạch ra chiến lược giao tiếp phù hợp để tránh chịu những tác động xấu từ những người này.
Dưới đây là 10 bí quyết tốt nhất mà người thông minh dùng để giải quyết rắc rối khi làm việc với những người xấu tính, được Bradberry rút ra trong quá trình làm việc, huấn luyện. Theo ông, để làm việc hiệu quả với kiểu người xấu tính, bạn cần có cách tiếp cận riêng để kiểm soát những điều có thể làm và không thể làm. Điều quan trọng cần nhớ là bạn có thể kiểm soát được nhiều thứ hơn những gì bạn nghĩ.
1. Tự đặt ra giới hạn
Những người tiêu cực, hay phàn nàn thường mang đến tin xấu vì họ luôn đắm chìm trong rắc rối của chính mình và thất bại trong việc tập trung vào giải pháp. Họ muốn mọi người cùng tham gia "bữa tiệc" tiếc nuối để bản thân cảm thấy dễ chịu hơn.
Và vì không muốn tỏ ra thô lỗ hay tàn nhẫn với những người thích phàn nàn, chúng ta ngồi im lắng nghe họ dù biết làm vậy sẽ khiến bản thân căng thẳng. Nhưng theo Bradberry, có một ranh giới giữa việc cho mượn một đôi tai đồng cảm với việc bị cuốn vào dòng xoáy cảm xúc tiêu cực của người khác.