Chung quy lại, em muốn mình là gì giữa cuộc đời này?

102 0 0
                                    

Chiều hôm qua, ngay khi đang mệt nhoài với đống bài vở ở trường và ở công ty, tôi đến TEE Cafe - một nơi có không gian rất thoáng đãng và mát mẻ. Tôi mở laptop ra viết truyện, online Facebook và tình cờ nhận được tin nhắn của một đứa em: "Chị ơi, em thật sự mệt mỏi quá! Chẳng biết mình đang muốn làm cái gì nữa?"

Thế là, câu hỏi đó đã bắt đầu cho một chuỗi những suy nghĩ trong tôi. Tôi dành hơn nửa thời gian ở quán cà phê chị để cùng em giải quyết vấn đề khó khăn mà em đang gặp phải, quên béng mất cả bạn thảo đang dang dở của mình. Chuyện là, hết năm học này, em sẽ thi chuyển cấp và đang đau đầu với việc chọn trường trung học phổ thông tốt nhất cho chính mình. Trò chuyện với em một hồi, tôi nhận ra rằng, vấn đề của em, chính là em suy nghĩ quá nhiều và lo lắng về việc người khác suy nghĩ về mình như thế nào.

Chắc hẳn, bạn đã từng nghe đến câu: "You think too much, and that's your trouble"? Tôi chắc rằng, bất kỳ ai trong chúng ta cũng đã từng như thế. Có thể vì ta đã đánh giá quá cao những nhận xét của người khác, ta luôn bị "hiệu ứng đám đông" làm lu mờ ý chí. Và cũng vì, bên trong mỗi con người luôn tồn tại một nỗi sợ hãi vô hình nào đó, mà đôi khi bản thân cũng khó có thể nhận ra được: Sợ thất bại, sợ bị kỳ thị, sợ bị những lời cay độc "trù dập". Tôi bất chợt tự hỏi, tại sao ta phải sống theo tiêu chuẩn của người khác, mà không phải là tiêu chuẩn của chính mình, khi cuộc đời này vốn dĩ thuộc về riêng ta?

Cuối cùng, kết thúc câu chuyện, tôi đã hỏi em: "Chung quy lại, em muốn mình là gì giữa cuộc đời rộng lớn này?" Và, sau khi đã suy nghĩ một lúc lâu, em nói rằng, em...chẳng biết thực sự mình muốn gì. Ngoài việc em muốn trở thành một nhà báo - giống ông nội của em. Em rất khâm phục ông, bởi sự hài hước, thông minh, khéo léo, bởi sự tích cực, đầy cảm hứng mà ông mang lại cho em. Thế nhưng, sau khi tôi hỏi lại "Vì sao?"một lần nữa, thì câu trả lời của em chỉ là sự im lặng, không hơn không kém.

Bởi trong cuộc sống hiện tại, vì bố mẹ quá yêu thương em, quá lo lắng và nuông chiều em, cho phép em làm mọi thứ mình muốn: Em được tự do chọn trường, tự do học tập, tự do theo đuổi sở thích. Nhưng cũng chính vì thế mà em không thể nào thoát ra khỏi cái bóng của tình thương yêu ấy. Em luôn muốn làm bố mẹ hài lòng, được "nở mặt nở mày" vì em. Chính vì thế, em quyết tâm theo đuổi những lựa chọn, những ước mơ thật cao, mà đôi khi chính em cũng chẳng biết liệu bản thân mình có thực sự muốn điều đó hay không. Cuộc đời đúng là "hai mặt", em quá áp lực vì bố mẹ "quá dễ", trong khi tôi lại mệt nhoài vì chẳng hề tồn tại bất cứ một điều gì mang tên "ủng hộ" trong cuộc sống của mình. Tôi tự đi, tự gồng gánh lấy những áp lực vô hình, mà chỉ có chính tôi mới hiểu được.

Đôi lúc tôi tự hỏi, tại sao ta cứ dậm chân tại chỗ, cho rằng những cái mà ta đam mê, ta ước mơ ở một nơi nào đó quá xa, để rồi, có khi phải đứng chôn chân một cách vô vọng khi chưa thể đạt được điều đó? Làm đi rồi sẽ tìm thấy đam mê, sống đi rồi mới biết đời là gì. Đời người chỉ sống có một lần, sao cứ phải có khuôn để vẽ mẫu cho thẳng tắp, cho đẹp đẽ, để rồi không cảm nhận được bất cứ điều gì? Sao không để đời vẽ những nét cong uốn lượn ngây ngô, tuy không theo bất kỳ một hình dáng nào, nhưng chẳng phải ta sẽ rất hạnh phúc nếu được đi như thế? Lấy một ví dụ đơn giản, nếu ngày nào bạn cũng biết rõ mình sẽ làm việc gì, thì còn gì gọi là tận hưởng? Cao hơn cả công việc là đam mê, cao hơn cả đam mê là trái tim, cao hơn cả trái tim là giá trị, mà cao hơn cả giá trị chính là sự tận hưởng.

Thế mới nói, sống ở đời khó lắm, khổ lắm, vậy mà sống sao cho xứng đáng và thật hạnh phúc với món quà cuộc sống mà Thượng đế trao tặng lại còn khó gấp vạn lần.

Vỡ Vụn Tuổi 20 - GariNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ