tiếp

12 1 0
                                    

Gian ngủ của tôi nằm bên trái nhà, bên phải chếch lên chút xíu, là một gian thờ Phật. Cuối gian ngủ cũng là một bàn thờ Phật được thắp sáng bởi ánh đèn led. Gian ngủ nền lát gạch men, có tám cái võng mắc trong đấy dành cho khách ngủ. Gian ngủ không có cửa, thoáng gió, chỉ có mái che bằng tole nhìn khá cũ, vì mỗi khi gió lên tôi lại nghe những tiếng kêu răng rắc. Nhìn chung chỗ ngủ cũng tươm tất và sạch sẽ. Tranh thủ tắm rửa, tôi dựng ngay cái bếp nướng dã chiến lên nướng thịt. Qua làn khói và hơi ấm, tôi và chú chủ nhà có cuộc nói chuyện với nhau. Chú ăn chay, độ ba mươi lăm tuổi, dáng người mảnh khảnh, nói chuyện rất thoải mái. Sau một số câu chào hỏi đơn thuần, tôi có hỏi về những cái miễu nằm rải rác khắp núi. Chú trả lời là không phải có cái miễu trước đâu. Ngày xưa nơi này còn nhiều đá hơn, những vị đạo sĩ đầu tiên lên đây tu hành họ cũng đã phát hiện những hốc đá hoặc chỗ thích hợp để tọa thiền. Qua quá trình sống ở đây, họ đi và để lại những lư hương, có chỗ lư hương tượng trưng cho chỗ họ từng ngồi, có chỗ người đời sau đặt lư hương vì thấy có cặp rắn thần, ông Hổ hay đi lại chẳng hạn. Càng về sau thì họ thấy linh thiêng, nên không để lư hương riêng nữa mà mới xây miễu, hình thành nên một quần thể những miễu nhỏ như bây giờ. Khách hành hương lên núi để trải nghiệm tâm linh, họ thường thắp nhang trên các miếu đó, lúc tôi leo lên tầm sáu giờ thì lượt khách cuối cùng vừa về, có thể nhang đó do họ đốt.
"Ủa sao con thấy có một chỗ có lư hương mà không có miểu vậy chú?", tôi hỏi về chỗ bức tượng.
"Chỗ nào con?"
"Chỗ cái tượng nữ du kích, đường quẹo lên chỗ này nè chú." Tôi chỉ tay ra lối lên ước chừng.
"Ý con là cái tượng hổ dưới chân núi hả?"
"Dạ không, cái tượng nữ du kích cầm súng, đặt ngay khúc quẹo cuối cùng để lên điện thờ Quan m đó chú."
Chú ra vẻ đăm chiêu. Rồi mặt chú cũng đỡ căng thẳng, giãn ra, và chú nở nụ cười:
"À, nhớ rồi, không sao đâu con."
Bỗng nhiên chú đứng dậy, bảo là để tôi tự nhiên nên đi vào trong tụng kinh, dặn tôi trên đây nhiều muỗi, nhớ đi ngủ sớm và tắt đèn, vì vấn đề an ninh trên núi không cho mở đèn khuya. “Không sao đâu con?”, ý chú nói thế là gì, tôi suy nghĩ mà không hiểu.
.
Tôi ăn uống xong xuôi cũng chỉ mới hơn chín giờ. Đi dạo một vòng rồi quay về võng ngủ, phần vì mệt phần vì ngà say nên tôi nằm chỗ lạ nhưng cũng cảm thấy rất thoải mái. Tôi tắt đèn. Cả ngọn núi chìm vào màn đêm như nút. Gió nổi ầm ầm, cây quệt vào mái tole ầm ĩ, ngoài khoảng sân trống thỉnh thoảng vang lên tiếng bịch bịch, tôi nghĩ là của bọn khỉ núi, nãy chú chủ nhà cũng bảo khỉ trên đây nhiều lắm.
.
Sáng hôm sau tôi thức khá sớm để đi ngắm mặt trời mọc. Cảnh thật hùng vĩ với những dãy núi chạy dài, trời trong vắt, cao thật cao, xa xa thì mây như một bức tường thành bằng tuyết trắng tinh. Những cành cây đã thấy lũ khỉ chuyền qua lại. Khung cảnh đó với tôi thật thanh tịnh, như gột rửa tâm hồn mệt mỏi, hữu hiệu, hữu hiệu!
.
Quay vào thu dọn nhanh đồ đạc rồi khởi hành đến điểm tiếp theo cho kịp lộ trình, tôi đi ngang khoảnh sân gần chỗ tôi nằm ngủ tối qua, ngăn bởi tấm vách tole hoen gỉ. Chỗ đó nền lót đá thềm mỗi viên hình vuông nhìn rất đẹp, phía trên có ít bùn do cây cỏ mục và nước mưa tạo nên, nhờ có bùn nên tôi thấy được có vết gì đó như vết giày in trên đó, mà vết giày đó không giống đôi giày nào tôi từng tưởng tượng. Nhiều vết giống vậy lắm, chỉ xuất hiện xung quanh khu vực có bùn đó. Kiểu như tối qua có ai đứng ngoài này vậy!
.
Tôi xuống núi, nhanh chóng lên xe, vỗ về chiếc xe thân yêu và nhắm hướng Tịnh Biên, mục đích ra biên giới chơi. Chạy được một quãng, tôi cảm giác như mình vừa quên quên một cái gì đó. Thì ra là cũng như lần đi tìm vách núi lúc quay lên tôi không để ý ba ngôi nhà, lần này lúc leo xuống cũng không thấy bức tượng nữ du kích, như kiểu tôi bỏ quên một tảng đá sặc sỡ mà chỉ có mù mới không thấy vậy, bực lắm, hoặc như nó có chân chạy đi chỗ khác vậy, tượng có chân mà, tôi nghĩ rồi cười.
.
Xe chạy về hướng Tịnh Biên được một quãng nữa, có chạy ngang một chùa Khmer khác, ngoài chùa có một cái tháp, trên một mặt của nó mà tôi thấy, có đắp một bức tượng Phật đang tọa thiền. Tôi nhớ rồi, tôi nhớ tôi gặp bức tượng còn lại ở đâu rồi. Ngày trước khi tôi đi thi đại học, tôi có xin ở “ké” một ngôi chùa Khmer. Chính điện nằm ở tầng hai với một cầu thang dẫn thẳng lên đó, tầng một được bố trí như chỗ đậu xe, khu ăn uống của các sư và ở đó cũng có một cái tượng một vị sư già đang tọa thiền. Tôi ấn tượng với bức tượng đó bởi vì nó được khoác áo cà sa, kiểu như bức tượng đó đứng dậy, mặc áo vào đầy đủ rồi mới toạ thiền. Tượng làm bằng xi măng, cũng tô khuôn mặt một lớp sơn hồng, ngũ quan vẽ màu đen, ánh đèn chiếu lên lớp xi măng bóng nhẵn như thoa dầu.
.
Hai bức tượng tạo cho tôi cảm giác chúng giống nhau. Mãi sau này, lúc học đại học rồi, tôi có lui tới chùa đó một vài lần nữa thì mới nghe nói rằng bức tượng đó chính là vị trụ trì chùa trước đây, khi viên tịch thì thân thể không hoại, người sau cho rằng ông đã hoá Phật, nên đắp xi măng lên thành tượng. Tôi chỉ nghe vậy thôi.

SUỴT NGHE KỂ TRUYỆN MA NÈNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ