Con bé nhìn cậu trân trân. Nó làm thinh một lúc rồi mới nức nở đáp:
– U tôi đang bệnh nặng. Hai ngày u chưa được hột cơm bỏ bụng, tôi đang chờ bà tiên ở dưới nước hiện lên cho gạo. Nhưng chờ lâu quá mà chẳng thấy bà tiên đâu.
Quê hương cậu Nguyên vốn lưu truyền câu chuyện về bà tiên phúc hậu hiền từ ẩn nấp dưới ruộng, ai nghèo khó sẽ được bà cho gạo. Cậu tin sái cổ, ngây thơ an ủi đứa bé gái chờ thêm lúc nữa. Cuối cùng mất hết kiên nhẫn, cậu Nguyên về nhà xúc trộm ít gạo đem cho con bé. Nó nhìn cậu đầy vẻ biết ơn. Cậu có một người bạn thân từ lúc nào không hay. Hai đứa dính nhau như hình với bóng, thỏa thuê chơi nhảy lò cò, ô ăn quan... Biết mấy con cá ranh mà thầy con bé bắt được chẳng đủ trang trải cuộc sống, bao nhiêu gánh nặng đổ dồn lên u nó, cậu xin ông Hào cho thầy Phương giữ một chân kiểm tra vải vóc của tiệm vải giữa làng. Ông Hòe biết dăm ba chữ thánh hiền nên chẳng mấy chốc lên chức quản lí cửa tiệm.
Từ đấy nhà Nguyễn Phương không phải trải qua bữa đói bữa no như trước nữa. Đôi bạn đã thân càng thêm thân. Năm lên sáu, Phương thèm đi học chữ mà chẳng thể đi, vì thầy đồ duy nhất trong làng không bao giờ nhận dạy con gái. Cậu Nguyên bày cách cho cô bạn để tóc trái đào giả làm con trai. Năm lên mười hai, Nguyễn Phương phải nghỉ học để tập làm ruộng, dệt vải. Cô bạn thân bận tối tăm mặt mũi, không còn thời gian chơi với cậu Nguyên. Nhưng cậu không bận tâm, thỉnh thoảng cậu làm như vô tình đi ngang qua nhà Phương, đắm đuối nhìn cô dệt vải thoăn thoắt. Cậu quyết rồi, duyên cầm cờ chẳng chóng thì chầy sẽ đổi thành duyên cầm sắt¹. Cậu quyết rồi, cầu Lam cần cậu sửa soạn đủ tam thư lục lễ hay bắt cậu tìm chày Ngọc Sương làm sính nghi², cậu cũng chẳng từ nan. Lý Minh Nguyên, trưởng nam nhà phú ông giàu nứt đố đổ vách, không bao giờ nghĩ rằng với tiền ấy, của ấy, hồng quân³ dám to gan xoay vần đời cậu đến nỗi nực cười như bây giờ.
Muốn trị thói ngang ngạnh của con trai, nhân việc triều đình tuyển quân đi đánh một bọn giặc cỏ hoành hành nơi biên giới, phú ông trong cơn nóng giận đã lỡ ghi tên cậu Nguyên. Ban đầu, cậu khăng khăng không chịu, phú ông đành ngọt nhạt bảo con gái chỉ ham cái áo gấm của đấng tài hoa bẻ cành quế⁴, ai động rồ mê luyến kẻ ngang ngược không làm nên trò trống gì. Tuy nhiên cậu phải bỏ thói ương ngạnh trước khi bẻ cành cung quế thì người ta mới phục. Ngẫm thấy đúng, Minh Nguyên bằng lòng nhập ngũ, định bụng khi quay lại cố hương sẽ dạm hỏi Phương. Ác thay, khi khách biên đình⁵ tìm đến, ngọc đã không cánh mà bay! Chim vào lồng, cá cắn câu mất rồi, thao lược⁶, kinh luân⁷ phỏng giúp được chăng? Giúp sao mà giúp, thôi thì mình đừng làm càn kẻo ảnh hưởng đến người khác. Nghĩ đến đó, ruột gan cậu như bị hàng vạn mũi kim nhọn hoắt liên tục châm chích, đau thấu xương tủy. Cậu Nguyên mệt mỏi chìm sâu vào giấc ngủ.
Sáng sớm tinh mơ, cậu đã tức tốc quay về dinh, nét mặt lạnh tanh không chút cảm xúc. Dường như kẻ say xỉn hôm qua là ai chứ chẳng phải cậu. Đợi cậu Nguyên đi rồi, ông Hào mới chất vấn bọn đầy tớ, hỏi thử xem có đứa nào rõ nguyên nhân khiến đêm hôm qua cậu uống rượu điên cuồng bất chấp không. Cả lũ nhìn nhau lắc đầu, chỉ có thằng Tèo ghé sát tai ông nói nhỏ gì đó. Phú ông thở dài, lệnh cho gia nhân lui. Cô gái đó đã trở thành vợ bé huyện Tửu năm ngoái. Ván đã đóng thuyền, đâu cứu vãn được nữa. Giá mà cậu nói sớm cho ông thì tốt hơn bao nhiêu. Chết nỗi, lúc nào ông Hào cũng nghĩ thằng Nguyên nhà ông chỉ coi con bé Phương như bạn. Ai ngờ đâu...
BẠN ĐANG ĐỌC
[Full] Tạc Tình
RomantizmPhủ Thanh Giang có lưu truyền một tục lệ thú vị: Vào ngày lễ Thành hôn chính thức, trước mặt quan viên hai họ, cô dâu và chú rể sẽ cùng nhau cầm cây trâm được chạm trổ tinh xảo, dùng đầu nhọn của nó khắc chữ "Tình" hoặc chữ "Duyên" vào một khối đá ó...