Chương 63 - Chùa Tước Li (Tiếp theo)

66 3 0
                                    

Thọ đại giới tức là thọ giới Cụ Túc (Upasambada)! Chẳng khác nào nhận bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành Phật học dành cho các đệ tử nhà Phật! Chỉ khi đã thọ giới Cụ Túc, mới được xem là đủ tư cách và điều kiện để trở thành một Tỷ khâu (Bhikkhu).
Có khoảng 250 giới luật dành cho người xuất gia, một số đã được quy định từ thời Đức Phật. Đức Phật yêu cần các đệ tử của mình 'lấy giới luật làm thầy'. Một số giới luật còn rất nghiêm khắc, buộc các tăng nhân phải tuân thủ nghiêm ngặt. Rajiva nổi danh khi còn rất trẻ, những tri thức Phật học và sự giác ngộ Phật pháp của cậu, giới tăng sĩ đương thời, không ai bì kịp. Nhưng, cho dù đạt được cảnh giới cao đến đâu về kiến thức Phật học, cậu vẫn phải tuân thủ những quy định của giới tu hành trong các thiền viện. Vậy nên, mặc dù Rajiva đã thông tỏ chân lý của Phật giáo Đại Thừa từ lâu, nhưng cậu vẫn phải thọ giới Cụ Túc giống như những tăng sĩ bình thường khác khi đến tuổi hai mươi.

Tôi đã từng nhìn thấy khu vực thọ đại giới của tăng sĩ tại chùa Long Hưng, thuộc huyện Chính Định, gần Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, một ngôi chùa được xây dựng từ thời nhà Tùy. Nhưng ở đó không có hành lang dài và u ám như thế này. Những ngôi chùa đủ tư cách truyền giới Cụ Túc không nhiều, đó phải là những ngôi chùa quy mô lớn. Chùa Tước Li là ngôi chùa duy nhất ở Khâu Từ đủ tư cách truyền đại giới.

Bước chân vào dãy hành lang ảm đạm, hun hút ấy, hẳn trong lòng mỗi Sa di không khỏi dâng lên những suy cảm. Vậy là ta đã quyết, cả đời này sẽ gắn bó với kinh kệ, khói hương. Cả đời này sẽ từ bỏ mọi tình ái và dục vọng. Cả đời này, sẽ gánh vác trách nhiệm truyền bá giáo lý Phật pháp. Những suy cảm đó sẽ theo các Sa di chầm chậm bước đến điểm tận cùng của con đường – giới đàn (nơi tăng sĩ thọ giới). Ba vị pháp sư, bảy người làm chứng, hình ảnh chiếc dao cạo sáng lấp lóa, những tiếng tụng kinh lầm rầm trang nghiêm. Kể từ giây phút này, bước ra khỏi sự sống chết, thoát ly khỏi tham lam, dục vọng, đoạn tuyệt với thế tục...

Tôi quay đầu nhìn Rajiva đang yên lặng ngóng về dãy hành lang ảm đạm ấy, vẻ mặt chất đầy suy tư. Có lẽ cậu cũng đang nghĩ về ngày trọng đại ấy. Rồi đây, trần ai, thế tục sẽ không còn duyên nợ gì với cậu ư, Rajiva?

Buổi chiều, chúng tôi tiếp tục tham quan ngọn đồi phía bắc, nơi đây có một quần thể hang đá, gồm rất nhiều căn phòng tọa thiền của tăng sĩ. Nói là phòng tọa thiền nhưng thực chất chỉ là một hốc đá nhỏ, đủ chỗ cho một người ngồi lọt vào trong. Rajiva chỉ cho tôi thấy trên vách tường phía sau có dấu vết in đậm hình hài một con người. Cậu nói rằng, rất nhiều vị cao tăng theo trường phái tu khổ hạnh đã từng ngồi thiền ở đây, lâu dần, hình hài của các vị đã in tạc vào vách đá.

Phật giáo Tiểu Thừa coi trọng việc tu hành. Công việc hàng ngày của tăng sĩ chủ yếu là ngồi thiền trong căn phòng trống không, tĩnh tâm lĩnh hội Phật pháp. Phương pháp tu hành này xuất phát từ phép thiền Yoga của Ấn Độ. Trước khi giác ngộ, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng đã trải qua sáu năm tu hành khổ hạnh. Ngài ngồi thiền hết ngày này qua tháng khác, ăn uống rất ít, thân xác héo hon. Sau khi đắc đạo, ngài ăn uống bình thường trở lại và không khoác lên mình chiếc áo cà sa chắp vá rách rưới nữa. Tuy nhiên, ngài vẫn duy trì thói quen tĩnh tâm tọa thiền. Điều này đã trở thành một trong những đặc trưng nổi bật của Phật giáo Tiểu Thừa. Và cũng bởi vậy, trong cấu trúc của các ngôi chùa Phật giáo Tiểu Thừa, ít hay nhiều đều có những phòng đá tọa thiền dành cho các tăng sĩ.

Bất phụ như lai - Bất phụ khanh (Tân bản)Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ