Tôi sửng sốt!
Có lẽ nguyên do bắt đầu từ ngày thứ hai tôi đi theo bọn họ. Trước đây, tôi đều cùng đám binh sĩ ăn cơm, nhưng sau đó, Kumalajibo đã nói với mẹ rằng muốn tôi đuợc dùng cơm trưa cùng bà. Lều trại của Jibo rất đẹp, ngoài việc có đầy đủ đồ dùng hàng ngày, bà còn có cả 2 thị nữ riêng hầu hạ bên mình.
Bởi vì mẹ con họ không ăn tối, cho nên buổi trưa được chuẩn bị vô cùng long trọng. Bánh naan, rau cải luộc, thịt khô, nho, một vài lát dưa hấu đều được trình bày một cách tỉ mỉ và được đặt trên một tấm thảm nhỏ ngay trước mặt.
Thịt khô sao?
Đúng vậy, là thịt. Họ là những tăng sĩ theo giáo phái Phật pháp Tiểu Thừa, chỉ cần đó là tam tịnh nhục (ba loại thịt thanh tịnh) thì họ có thể ăn. Sau này, khi Phật giáo truyền đến Trung Nguyên, các giới luật lại có phần nghiêm khắc hơn. Phật giáo Đại Thừa nghiêm cấm việc sát sanh, vì vậy, việc ăn thịt cũng bị cấm đoán. Huyền Trang từng viết về vấn đề ăn thịt trong cuốn "Đại Đường Tây Vực ký". Khi vừa đến Tây Vực, nhìn cảnh các tăng sĩ ăn thịt, ngài cảm thấy không quen. Nhưng việc này lại là một việc tốt đối với tôi. Mỗi ngày đã phải cực khổ đi cả một quãng đường dài, nếu còn không được ăn thịt, tôi thật sự không thể nào đi tiếp được nữa.
(Chú thích: về vấn đề ăn thịt, đối với các tăng nhân theo Tiểu Thừa Phật Giáo, chỉ cần đây là thịt theo quy định của tam tịnh nhục – 1. Mắt chẳng ngó thấy người ta giết; 2. Tai chẳng nghe thấy người ta giết; 3. Chẳng nghi là giết vì mình; thì họ có thể ăn. Mãi cho đến ngày nay, các tăng sĩ theo giáo phái Phật giáo Tiểu Thừa tại các nước Đông Nam Á đều vẫn còn ăn thịt. Thưở ban đầu khi Phật Giáo du nhập vào Trung Nguyên, cũng không có điều luật cấm ăn thịt. Người đời đồn rằng giới luật cấm ăn thịt xuất phát từ Lương Vũ Đế - một vị hoàng đế sùng đạo Phật của Nam Triều)
Tuy nhiên nhìn thấy cách ăn mặc, ăn uống của mẹ con họ vẫn khiến tôi khó mà có thể diễn đạt bằng lời. Trong ấn tượng của mình, các tăng nhân đều rất nghèo khổ. Mặc dù mẹ con tiểu hòa thượng không mặc trên người những bộ lụa là gấm vóc, nhưng mọi hành động cũng như vật dụng bên mình đều rất cầu kỳ, tinh xảo. Hơn nữa, động tác khi ăn cũng rất từ tốn và đẹp mắt. Mẹ con họ trước và sau khi ăn đều súc miệng, rửa tay sạch sẽ. Tôi cùng bọn họ dùng cơm luôn phải cố gắng tránh sai sót để không bị chê cười, cứ như dáng vẻ của Lâm Đại Ngọc lần đầu tiên đến Giả phủ.
Mặc dù đã hết sức cẩn thận, nhưng khi nghe Jibo ra lệnh cho thị nữ bỏ đi cái bát vỡ, tôi không nhịn được bèn cất tiếng nói:
- Vứt đi thì tiếc quá, có thể cho tôi không?
Mẹ con họ nhìn tôi một cách kỳ quái rồi đồng thanh hỏi:
- Cô cần để làm gì? Một cái bát đã vỡ thì có ích gì?
Tôi cầm lấy cái bát từ tay của thị nữ, chẳng qua chỉ mới nứt một đường nhỏ mà thôi. Vừa nhìn những họa tiết Tây Vực trang trí trên cái bát, vừa cười nói:
- Không, không, có ích, tất nhiên là có ích chứ.
Kể từ đó, tôi không bỏ qua bất cứ một cơ hội nào để thu thập những cổ vật. Người thị nữ ngủ cùng lều với tôi muốn bỏ một chiếc lược gỗ đã gãy, liền bị tôi giữ lại và xem như là báu vật. Lại có người bỏ quần áo rách, cũng bị tôi gom về cất làm của riêng. Phàm là những đồ vật bọn họ không cần, tôi đều giữ lại và cất vào trong balo. Tôi cũng đã từng lén vào nhà bếp lúc nửa đêm để trộm một ít gia vị. Nhưng ngay lúc một tay đổ các loại gia vị vào trong hộp nhựa của mình, tay kia cầm đèn pin được ngụy trang như ngọn đèn dầu thì người đầu bếp lại phát hiện ra tôi.
Anh ta dẫn tôi đến trước mặt Kumalajibo và cứ một mực nói rằng không hiểu tại sao tôi lại ăn trộm gia vị. Tôi chỉ còn cách nói dối rằng do tôi đói.
- Nhưng cô mỗi lần chỉ lấy có một ít, căn bản không đủ để no.
Tôi cười nói:
- Đây đều là những món đồ có giá trị, cần phải học hỏi.
Có lẽ, Kumalajibo cũng không hiểu những điều tôi đang nói. Tôi chỉ còn cách cúi thấp đầu và cười trừ cho qua chuyện mà thôi. Chẳng mấy chốc tôi đã trở thành quái vật trong mắt mọi người, đi đến đâu cũng nghe tiếng thì thầm to nhỏ, lại bị chỉ chỉ trỏ trỏ. Tôi không quan tâm lắm, bị xem là kỳ quái thì có làm sao chứ? Miễn là balo của tôi có thể chứa đầy những văn vật của 2000 năm trước, đây mới là diều quan trọng nhất.
Bây giờ khi nghe những lời Kumalajibo nói, tôi mới chợt hiểu ra. Chẳng trách mấy ngày nay, khi tôi đi đến bên cạnh bất cứ ai, bọn họ đều ôm đồ đạc của mình mà bỏ chạy, cứ như là sợ bị tôi lấy mất.
Tôi than thở:
- Tôi đâu có ý định lấy đồ của họ đâu...
BẠN ĐANG ĐỌC
Bất phụ như lai - Bất phụ khanh (Tân bản)
RomanceĐây là bản truyện mới do Chương Xuân Di viết lại vào năm 2015 Bộ phim cùng tên được chuyển thể dựa trên cốt truyện mới Mình lại quay trở lại và tiếp tục hành trình còn dang dở của mình trước đó. Mình không hứa mỗi tuần sẽ đăng bao nhiêu chương như...