Năm 656 sau công nguyên, vương triều nhà Triệu kết thúc. Triệu Văn vương không có con nối dõi, phiên vương các nơi nổi dậy, lục địa Thành Nguyên chia năm xẻ bảy. Cuối cùng, năm gia tộc lớn nhất là Tề, Nguyên, Trần, Tô, Văn nắm quyền, mở đầu thời kỳ Ngũ Quốc phân tranh, chiến sự liên miên, trăm dân đói khổ.
Lịch sử thời này ghi lại, trong năm gia tộc, nhà Nguyên là gia tộc chính tông, trọng thi thư nhân nghĩa. Nguyên vương Nguyên Anh thụ ân dạy dỗ của nhà chính trị học nổi tiếng thời bấy giờ, Trịnh Tư, nên học theo thánh hiền, lấy pháp* trị quốc, lấy nhân an dân.
*Pháp: Thể chế và pháp luật
"Thiên Nam, trời sắp tối rồi, phía trước có thôn làng, ta dừng ở đó đi" Trịnh Tư vén màn xe ngựa, quan sát bầu trời nói.
"Dạ, công tử" Thiên Nam là hầu cận của Trịnh Tư, đã đi theo Trịnh Tư từ hồi còn để chỏm đến khi Trịnh Tư đỗ đạt công danh vào triều làm quan.
Trịnh Tư xuất thân từ Trịnh gia, là dòng dõi thư hương lâu đời, tổ tông trọng sách thánh hiền, y noi gương các lão nhân trong tộc, nghe theo lời thánh nhân mà xử thế, giải quyết việc triều chính nên rất được lòng dân.
Từ nhỏ, y đã bộc lộ tài năng thiên phú, mười bốn tuổi đỗ trạng nguyên, hai mươi tuổi được tấn phong thành thái phó, dạy dỗ vương trữ Anh.
Năm thứ hai sau khi vào triều làm quan, Trịnh Tư thành hôn với Thẩm gia đại tiểu thư, Thẩm Thanh Du. Thẩm gia là danh gia vọng tộc, Thẩm Thanh Du nổi tiếng mỹ mạo đoan trang, tri thư đạt lễ, thùy mị nết na. Đáng tiếc trời phụ hồng nhan, nàng bệnh nặng qua đời khi con trai duy nhất của hai người là Trịnh Tại Hiền mới lên bốn.
Trước khi mất, phu nhân có di nguyện được chôn cất ở Liễn Nam, nàng muốn ngày ngày được nhìn ngắm non xanh nước biếc quê nhà. Cha con Trịnh Tại Hiền chính là đang trên đường hồi kinh sau khi lo xong hậu sự cho Trịnh phu nhân.
Đường dài xóc nảy, cả ba người đều thấm mệt, tưởng gặp được thôn làng xin nghỉ nhờ, không ngờ cả thôn toàn thi thể người chết.
Là chết đói.
Chiến sự liên miên hơn ba mươi năm, dân chúng các vùng biên giới giữa năm nước không ngày nào không chịu cảnh cướp bóc, chém giết. Nào nói đến chuyện cày cấy, buôn bán, không cày cấy, không buôn bán đồng nghĩa với việc không có lương thực, chết đói là kết cục duy nhất của họ.
Trịnh Tư thở dài vuốt mắt một người dân trong thôn. Y tự hiểu muốn thay đổi thời thế, thống nhất thiên hạ, mang lại thái bình cho trăm họ không phải là chuyện một sớm một chiều. Tuy thế, nhìn cảnh tang thương trước mắt, y không khỏi tự trách bản thân mình tài thô học thiển, không thể ngay lập tức cứu vớt chúng sinh đang chịu khổ.
Hiện tại, Trịnh Tư gửi gắm hết kỳ vọng vào vương trữ Nguyên Anh. Tuy Nguyên Anh còn nhỏ tuổi nhưng đã tỏ rõ sự thông minh, quảng đại, y tin hắn có thể dẫn dắt Nguyên quốc thống nhất ngũ quốc, mở ra thịnh thế.
Trịnh Tại Hiền lần đầu thấy cảnh xác người chồng lên xác người, run sợ nép mình vào chân cha.
"Tại Hiền" Trịnh Tư xoa đầu con trai. "Hôm nay vô tình tao ngộ* cảnh này thì hãy nhớ rõ, bách tính đói khổ, con thân là trưởng tử Trịnh gia phải gắng học Tứ thư ngũ kinh, lòng phải mang thiên hạ thương sinh, lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ"
BẠN ĐANG ĐỌC
Quân Lâm Thiên Hạ [JohnJae]
Подростковая литература"Đợi ta quân lâm thiên hạ, ta nhất định sẽ dâng hiến giang sơn cho em" "Đợi người quân lâm thiên hạ Ta chết dần trong ngục tù gấm hoa"