Chương 14: Kẻ nào dưới kia dám tố cáo bản quan?

2.1K 137 6
                                    


Tuần này chỉ còn hai ngày nữa là kết thúc. Chiều thứ Sáu, sau khi giao bài tập về nhà, Hứa Nam Hành cùng các giáo viên bộ môn và hiệu trưởng tổ chức một cuộc họp.

Do trường học không có máy chiếu, Hứa Nam Hành chỉ có thể để các giáo viên truyền tay nhau xem máy tính xách tay của anh, để mọi người nắm được đề kiểm tra khảo sát năng lực của học sinh do trường chính ở Bắc Kinh gửi đến.

Lúc đầu, các giáo viên thấy đề kiểm tra hơi khó, nhưng sau khi thảo luận, họ vẫn quyết định sử dụng bộ đề này. Tiếp theo, Hứa Nam Hành truyền đạt lại một số nội dung đã thảo luận với các giáo viên ở các điểm hỗ trợ giảng dạy khác.

Cuộc họp được tổ chức tại văn phòng giáo viên, hai chiếc bàn làm việc được ghép lại với nhau để các giáo viên có thể ngồi quây thành một vòng tròn.

Hứa Nam Hành nói: "Cuối cùng, giáo viên ở các điểm hỗ trợ giảng dạy tình nguyện đều phản hồi một vấn đề chung, đó là nền tảng kiến thức của học sinh quá yếu. Vậy nên, việc bổ sung kiến thức cơ bản ở giai đoạn lớp 9 sẽ cần rất nhiều thời gian, cần một lượng lớn bài tập và học thuộc lòng. Nhưng chúng tôi đều nhất trí rằng, có thể sử dụng phương pháp bổ trợ môn văn hóa cho học sinh trung học phổ thông thi khối nghệ thuật để dạy lớp 9 ở các điểm hỗ trợ giảng dạy."

Thầy Thứ Nhân nhìn anh: "Bổ trợ môn văn hóa cho học sinh trung học phổ thông thi khối nghệ thuật? Ý của thầy là trong năm lớp 9 này, sẽ dạy kèm cả kiến thức lớp 7, lớp 8 luôn sao?"

"Học sinh nghệ thuật học các môn văn hóa," Hứa Nam Hành nhìn anh ta với vẻ quyết tâm, "chỉ nhằm mục đích vượt qua kỳ thi đại học. Vì vậy, không phải dạy lại toàn bộ kiến thức từ đầu, mà là tập trung vào những nội dung trọng tâm để đối phó với kỳ thi."

Những lời này thực sự có hơi quá đáng. Bởi vì sách giáo khoa cấp hai không chỉ có mỗi kiến thức, mà còn có nhiều nội dung giúp hình thành quan điểm sống cho học sinh, thậm chí cả những bài học về sinh lý và vệ sinh cơ thể cũng rất cần thiết.

Hứa Nam Hành nói vậy, vì anh có mục đích rõ ràng. Hơn ba nghìn năm trăm cây số đường đi, một mình anh và một chiếc xe đi đến đây trong vòng bốn năm ngày. Hơn ba nghìn năm trăm cây số đường đi, phải học đến mức nào, để trẻ em miền núi có thể đến được Bắc Kinh?

Hiệu trưởng Tác Lãng Thố Mỗ có hơi do dự: "Làm như vậy có khiến học sinh phải chịu áp lực quá lớn không?"

Hứa Nam Hành buột miệng: "Hiện tại áp lực học tập của các em ấy cũng không lớn mà."

"Sau khi tan học về nhà các em ấy còn phải làm rất nhiều việc." Tác Lãng Thố Mỗ kiên nhẫn nói, "Làm nông, làm việc nhà. Như Đạt Tang Khúc Trân, sau khi ăn cơm ở trường xong, về nhà còn phải nấu ăn cho ông nội ốm bệnh của em ấy, còn phải nấu cám lợn, vắt sữa bò. Hiện tại đã sắp sang tháng Chín rồi, lại sắp đến một mùa thu hoạch nữa, các em ấy..."

"Xin lỗi, thưa hiệu trưởng." Hứa Nam Hành ngắt lời cô, "Tôi hiểu bọn trẻ ở đây phải phải san sẻ công việc nhà và làm nông. Nhưng bây giờ các em đã là học sinh lớp 9 rồi, điều này liên quan đến tương lai của các em."

[EDIT/FULL/Đang Beta] Sao Hôm Nam Tây Tạng - Cảnh PhongNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ