Anh Hoàng thấy tôi trở lại thì đưa tôi một củ khoai bọc trong lá cây rừng. Tôi khá là e ngại nhìn anh rồi lại nhìn củ khoai lang cháy cháy đen đen. Tôi được nuôi dạy trong một gia đình khá giả, từ bé đến giờ chưa từng chịu khổ, nên hoàn toàn không biết được có món ăn nào lại bị cháy thế này mà vẫn ăn được.
Hiếu nhận lấy củ khoai đưa vào tay tôi, thứ này đã nguội ngắt rồi, có chắc là ăn vào sẽ ổn không? Dường như thấy được sự nghi hoặc trong mắt tôi, anh liền bẻ củ khoai ra và đưa cho tôi một nửa. Hiếu ngồi xuống, bóc vỏ và cắn một miếng rồi lại nhìn tôi. Tôi chăm chú nhìn nửa củ khoai trong tay, thấy ruột bên trong có màu vàng thơm, tôi bắt chước cắn một miếng, tiếng ưm trong cổ họng đã vang lên lúc nào, thực sự ngon quá, tôi tròn mắt nhìn Hiếu gật đầu. Anh Hoàng cười ngồi xuống bên cạnh tôi,
"Khoai lang mật đấy, ngọt lắm. Lúc bọn anh đi qua bản được các mế cho nhiều, anh nướng rồi bọc trong lá cây đấy. À, còn bánh nếp nữa, em có muốn thử không?"
Tôi nuốt miếng khoai rồi mới hỏi lại, "Mế có nghĩa là gì hả anh?"
Hoàng nhìn tôi im lặng một lát rồi bảo, "Mế có nghĩa là mẹ đấy em ạ, ở trên vùng này, mọi người gọi mẹ là mế."
Tôi cười, cái đầu lắc lư, vừa ăn khoai vừa uống nước, điệu bộ còn lạc quan, nhưng bây giờ bất cứ thứ gì cũng có thể làm tôi giật mình và theo phản xạ thì tôi sẽ bám chặt vào ống quần của Hiếu, anh cũng sẽ thuận thế mà bảo vệ tôi đề phòng xung quanh. Hoàng nhìn ra được điều ấy, anh liền để đồng chí Hiếu bên cạnh tôi.
Mặt trời đã lên cao, anh Hoàng cho toàn đội xếp hàng ngay ngắn lên đường, ông chú Khiêm kèm phía sau, tôi đi theo Hiếu ở giữa. Nhìn các anh cùng khiêng hành lý đi qua những viên sỏi đá mà thương, đường gồ ghề, cỏ dại thì gai, đi nhiều cũng bị xước da xước thịt, mà nghĩ lại các anh là chiến sĩ nên tuyệt nhiên mấy thứ này đã xi nhê gì. Đi được một đoạn nhưng tôi cảm giác đã đi mấy chục ki-lô-mét của cả quãng đời, mệt muốn xỉu, tôi càng ngày càng thụt lùi, trời lạnh mà mồ hôi cứ túa ra như suối. Tóc tôi dài quá chỉ đành vén lên cho gáy nó mát một tí, tôi dừng lại thở không ra hơi, giờ tôi muốn ói đến mức muốn cho hết mọi thứ trong bụng ra ngoài.
"Cô Quỳnh...!"
Tôi nghe thấy ông chú Khiêm đang gọi mình, thế là không kìm nổi nữa xả hết ra gốc cây ngay đấy, lúc tôi ngẩng mặt lên nhìn thì ông chú đã đứng đợi. Tôi thẫn thờ ngồi thụp xuống đất.
"Khăn tay."- Hiếu ra hiệu bảo tôi chùi miệng, anh vẫn đứng trước tôi, che lấp đi ánh sáng chói lọi của mặt trời, tôi miên man nghĩ, anh chắc phải cao tầm hơn mét tám nhỉ.
Ông chú Khiêm lại tới càm ràm, thúc giục tôi nhanh chóng ổn định còn đuổi theo đồng đội,
"Cô Quỳnh ạ, tôi biết cô không phải bộ đội, nhưng một khi đã vào đoàn thì phải tuân thủ quy tắc, sức cô yếu thế này thì làm sao học hỏi, làm sao làm cách mạng được? Cứ đi được một tí lại đòi nghỉ, cô đang gián tiếp làm chậm tiến độ hành quân của chúng tôi đấy. Nếu cô còn không cố gắng thì tôi sẽ mặc kệ đồng chí Hoàng, để cô lại đây đấy!"
Tôi lườm ông chú đã quay lưng đi xa, bình thường nếu bị ức hiếp, tôi sẽ mách bố mẹ để họ đòi lại công bằng cho tôi, trước giờ cậu ấm cô chiêu nào được nuông chiều mà chẳng vậy. Tôi đi theo Hiếu, đoạn đến một con suối, đáy sông mà trong vắt, Hiếu không ngần ngại cứ vậy lội qua, giống như nước không phải vật cản gì xa lạ, thế mà với tôi thì khác, tôi ngồi xuống nhìn dòng nước chảy rồi lại nhìn bờ bên kia. Anh không thấy tôi đâu nên quay lại nhìn, anh không thúc giục, nhẹ nhàng bước đến. Dường như Hiếu cũng biết tôi không muốn làm ướt giày, anh chìa tay dìu tôi đứng dậy, hình như đây đã là lần thứ hai anh cho tôi dựa nhờ sức lực của mình.
BẠN ĐANG ĐỌC
Một chờ- Hai đợi- Ba Trông
Historical Fiction*Lưu ý: Lấy cảm hứng từ bộ phim "Đường lên Điện Biên" và trận Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu năm 1954. Truyện được lấy cảm hứng từ lịch sử nhưng không mang yếu tố mô phỏng hoặc kể lại về cuộc đời của bất cứ ai, hầu hết các tình t...