Chương 71: Dời mộ 4

193 8 2
                                    

Nắp quan tài gần như dung hợp vào quan tài bằng đồng, dùng búa và ống sắt cũng đục không ra. Trần Dương đề nghị: "Hay là chúng ta dùng cưa điện hoặc máy cắt kim loại?"

Khấu gia có mời người khác họ đến hỗ trợ dời mộ, lúc này có người nhỏ giọng nói: "Sẽ không mạo phạm thứ trong quan tài chứ?"

Cha Khấu phất tay: "Chính nó chạy vào phạm vi mộ tổ nhà chúng ta, chứng tỏ muốn chúng ta mở ra. Mở thế nào đương nhiên do chúng ta quyết định. Tuyên Linh, đi lấy máy cắt kim loại."

Khấu Tuyên Linh nghe vậy không thể làm gì khác hơn là chạy xuống núi lấy máy cắt lên. Cuối cùng dùng hai máy cùng lúc mới mở được nắp quan tài, lúc này mọi người đều đeo khẩu trang. Một mùi gay mũi khó chịu xộc lên, một lúc lâu mới giảm bớt. Mọi người tiến lên nhìn vào, trong quan tài là một thi thể ướt đẫm nằm trong nước đen.

Hẳn là thứ nước đen này là vật liệu dùng để chống phân hủy. Hỗn hợp thi thể cộng nước đen sinh ra mùi gay mũi khó chịu. Không nhìn rõ ngũ quan thi thể nhưng tổng thể bảo toàn hoàn hảo, làn da tựa hồ còn đàn hồi, tóc và móng tay vẫn còn, thậm chỉ còn có khả năng tiếp tục mọc dài.

Trần Dương bẻ một cành cây quấy nước đen trong quan tài hai cái, khóe mắt thoáng nhìn một bóng đen dưới quần áo thi thể. Cậu vừa định nhìn kỹ hơn thì bóng đen đột nhiên vọt lên, cậu phản ứng cực nhanh, vội giơ cành cây ngăn cản con rắn đen nhảy ra. Rắn đen bị quật xuống đất giãy dụa hai cái, rất nhanh có người cầm xẻng chém nó thành hai đoạn.

Khấu Tuyên Linh nói: "Lại là rắn đen. Có liên quan đến oán uế không? Hay là liên quan đến núi Thiết Vi?"

Cha Khấu nói: "Khởi đàn thỉnh linh." Ý ông là muốn lập đàn thỉnh tổ tiên về hỏi rõ.

"Quan tài đồng và thi thể làm sao đây?" Trần Dương nhìn quan tài, ướt thi và chữ viết trên nắp quan tài mà suy đoán: "Hẳn là có từ thời Chiến Quốc. Quan tài đồng chứng tỏ thân phận người này không thấp, ít nhất là một công chúa. Có điều tại sao lại đột ngột xuất hiện trong phạm vi phần mộ tổ tiên Khấu gia, đây đúng là vấn đề khó giải."

Thời cổ đại, kích thước quan tài bằng đồng không nhỏ, người được chôn cất bên trong tuyệt đối có thân phận không thấp. Mà thân phận không thấp thì sẽ được xây lăng mộ. Thế nên có thể khẳng định quan tài này bị đào lên rồi mang đến đây.

Cha Khấu trầm ngâm một lúc rồi nói: "Báo cảnh sát đi. Thông báo cho chính quyền về quan tài đồng và nữ thi này, không chừng có thể nghiên cứu được gì đó."

Trần Dương gật đầu phụ họa: "Cháu cũng có ý này, để lại cũng không có ích gì, không thể mang đi bán mà đốt một ướt thi có khả năng từ thời Chiến Quốc thì rất đáng tiếc. Thông báo cho chính quyền còn có tác dụng nghiên cứu. Nhưng phải phân công người canh gác, tránh gây họa."

Cha Khấu rất thưởng thức Trần Dương: "Cục trưởng Trần không hổ là cục trưởng, ánh mắt cao, lòng dạ phóng khoáng." Ông lại căn dặn Khấu Tuyên Linh phải học hỏi Trần Dương nhiều hơn. Hắn im lặng, thầm nghĩ Trần Dương tán thành đề nghị của cha hắn là do quan tài đồng và ướt thi không có giá trị gì mà thôi.

Chuyện quan tài bằng đồng được quyết định như vậy, đêm đó có rất nhiều chuyên gia đến, sau đó mang quan tài đi, chờ nghiên cứu xong sẽ công bố. Còn về Khấu gia, sau khi xác định sẽ nhận được tiền thưởng của nhà nước thì tiếp tục công việc dời mộ, mang hài cốt tổ tiên về tổ đình. Tạm thời thờ cúng thi cốt tổ tiên trong Đạo quan, cuối cùng cha Khấu bảo Khấu Tuyên Linh bắt đầu lập đàn.

Đạo gia lập đàn thỉnh linh là thỉnh tổ tiên nhập vào người, có vấn đề gì cứ hỏi, sau đó đối phương sẽ viết chữ trên giấy. Người được nhập không thể nói chuyện vì khi xuất khí sẽ khiến tổ tiên rời đi. Đầu tiên Khấu Tuyên Linh cầm ba nén nhang, nhang không cần đốt mà tự cháy. Hắn ba quỳ chín lạy sau đó cắm nhang vào lư hương rồi lùi ra sau hai bước, chắp tay trước ngực làm phép, mắt nhắm chặt, miệng thì thầm: "Con cháu Khấu thị đời thứ 31 thỉnh tổ tiên nhập thân, thỉnh tổ tiên giải nạn đáp hoặc."

Hắn vừa dứt lời, cả căn phòng bỗng im lặng như tờ. Khấu Tuyên Linh bất động một lúc, ba nén nhang trong lư hương rơi xuống một đoạn tàn nhang. Cha Khấu lấy tàn tro bỏ vào chu ra, quấy hai cái rồi dùng bút lông chấm chu sa, điểm lên trán Khấu Tuyên Linh một "nốt ruồi chu sa".

Sau đó, Khấu Tuyên Linh vẫn nhắm mắt nhưng chuẩn xác cầm bút lông chấm chu sa, viết lên tờ giấy trước mặt một chữ: Hỏi.

Tờ giấy được lấy đi, thay thế một tờ mới tinh. Cha Khấu hỏi: "Kính hỏi tổ tiên, tao ngộ bất thường trong phần mộ tổ tiên Khấu gia có liên quan đến cổ mộ ở núi Thiết Vi không?"

Khấu Tuyên Linh viết lên tờ giấy trắng: Có.

Cha Khấu hỏi tiếp: "Cổ mộ ở núi Thiết Vi chôn cất ai?"

Khấu Tuyên Linh lại viết: Chu Vu, trớ Tấn.

Cha Khấu cau mày, không hiểu là ý gì, ông không thể làm gì khác hơn đành bảo người lấy tờ giấy cất kỹ rồi hỏi tiếp: "Có phải cổ mộ ở núi Thiết Vi có trận pháp?"

Đúng.

Cha Khấu tiếp tục: "Là trận pháp gì?"

Tam thập lục quan sát cục.

Tam thập lục quan sát cục – 36 quan sát cục được phương sĩ thời Chiến Quốc sáng chế, cho rằng đó là những kiếp nạn đời người phải trải qua, sau lại trở thành tiểu nhi quan sát, tức là hài đồng chưa trưởng thành gặp phải Thần Sát, phải vượt qua kiếp nạn mới có thể bình an lớn lên. Nhưng nếu 36 quan sát cục được bố trí trong phần mộ thì nó sẽ trở thành một trận pháp rất thâm độc, sát khí tận trời, nếu vận dụng đến cực hạn, thậm chí có thể thay đổi vận mệnh của mộ quốc gia.

36 quan sát cục có tên như nghĩa, cần 36 ngôi mộ, trong mỗi ngôi mộ chôn một quan tài ngồi, tức là nhốt người còn sống sờ sờ vào quan tài rồi đóng lại. Trước khi chết phải chịu thống khổ cực hạn, oán khí rất nặng. Giữa 36 ngôi mộ có một mộ chủ, mai táng chủ nhân chân chính. Có nghĩa là 35 ngôi mộ kia là thế thân của mộ chủ và bảo vệ mộ chủ không bị xâm hại.

Cha Khấu hỏi tiếp: "Trong phạm vi phần mộ tổ tiên đào được quan tài bằng đồng, bên trong là một ướt thi thời Chiến Quốc, có phải nó đến từ cổ mộ ở núi Thiết Vi?"

Khấu Tuyên Linh: Đúng.

Cha Khấu: "Nguyên nhân? Có phải muốn bố trí 36 quan sát cục lần nữa?"

Khấu Tuyên Linh: Đúng.

Cha Khấu cau mày không giải thích được: "36 quan sát cục cần bố trí 35 ngôi mộ phụ, chôn 35 quan tài. Nếu như cổ mộ ở núi Thiết Vi bố trí 36 quan sát cục lần nữa thì phải xây dựng lại phần mộ. Đây là một đại công trình rất khó thực hiện."

Khấu Tuyên Linh dừng trong chốc lát rồi mới viết: Phẩm địa ngục.

Lần nữa xuất hiện câu trả lời mà cha Khấu không hiểu, ông hỏi tiếp: "Là muốn bố trí lại 36 quan sát cục?"

Bút chu sa dừng trên không trong chốc lát, ba nén nhang trong lư hương đã cháy hết, ngay lúc tàn nhang rơi xuống, cả người Khấu Tuyên Linh trở nên mềm nhũn. Cha Khấu vừa định đỡ con trai thì một bóng người đã nhanh hơn ông tiến lên ôm lấy Khấu Tuyên Linh. Cha Khấu nhìn kỹ, thì ra là Lục Tu Chi.

Hai mắt Lục Tu Chi chưa từng rời khỏi gương mặt Khấu Tuyên Linh. Trần Dương pha ly nước đường đưa cho hắn: "Để lão Khấu uống bổ sung thể lực." Lục Tu Chi nhận cái ly, tự tay đút Khấu Tuyên Linh uống, gương mặt và động tác của hắn vô cùng dịu dàng.

Cha Khấu thấy thế, cảm thấy hơi quái dị. Ông kéo tay áo anh trai hỏi nhỏ: "Anh nhìn người bạn kia của Tuyên Linh, có phải có gì kỳ quái không?"

Anh trai của cha Khấu là thiên sư Tam Động Ngũ Lôi, thiên phú cực cao nhưng xử lý các mối quan hệ xã hội lại không kiên nhẫn, không hiểu nhiều về đối nhân xử thế, nhất là phương diện nhìn người, có thể nói trong lòng thẳng thắn vô tư có thể chiếu được trời trăng, trong mắt ông, tất cả các mối quan hệ đều trong sạch tốt đẹp. Lúc này ông chớp chớp mắt nhìn cháu trai thứ năm và bạn hắn, nghiêm mặt tán thưởng: "Tình thâm hữu xu, xử cữu chi giao, đối xử chân thành."

Nói ngắn gọn, huynh đệ tình thâm.

Vẻ mặt cha Khấu như nhìn thấy thứ gì đó rất đáng ghét: "Anh không biết dùng thành ngữ thì đừng dùng bữa bãi."

Điểm đặc biệt nhất của anh trai ông chính là không biết dùng thành ngữ mà lại rất thích vận dụng trong nhiều trường hợp. Ví dụ như xử cữu chi giao dùng miêu tả việc kết bạn không phân biệt sang hèn, lúc này ông lại dùng miêu tả Khấu Tuyên Linh và Lục Tu Chi.

Bác Khấu khẽ hừ một tiếng: "Phàm phu tục tử."

"... Mặc kệ anh."

Trần Dương nghe toàn bộ cuộc đối thoại của hai người, vẻ mặt cậu trở nên cổ quái. Xử cữu chi giao? Xử (cái chày) và cữu (cối giã gạo)... Không, sao cậu có thể suy nghĩ đen tối như vậy? Đó là một thành ngữ đứng đắn vô tội, mau buông tha cho nó! Trần Dương giơ tay che mặt, nội tâm tự cảnh tỉnh, không nên bị Độ Sóc làm đen tối. Rõ ràng là một thành ngữ rất bình thường, dùng để hình dung việc kết bạn không phân biệt sang hèn, là một thành ngữ hết sức chân thành mà! Sao có thể nghĩ đến chuyện kia? Chỉ là cái chày và cái cối giã gạo mà thôi, không cần phải cầm chày quấy trong cối?!

.... Cảm giác vẫn rất đen tối. Trần Dương hít sâu mấy hơi, cố ném câu thành ngữ này ra khỏi đầu. Cậu nghĩ cậu đã mất đi sự trong sáng rồi, chỉ còn sự đen tối do yêu quái lão Độ gây nên. Trần Dương thở dài, ngẩng đầu thấy Khấu Tuyên Linh vừa tỉnh lại, đang uống ly nước đường trong tay Lục Tu Chi. Cậu nhịn không được ho khan mấy tiếng.

Khấu Tuyên Linh nghi hoặc: "Trần Tiểu Dương, cậu làm sao vậy?"

Trần Dương vừa ho vừa nói: "Không có gì. Khụ khụ, tôi có cảm giác hai người thật sự là... Tình thâm hữu vu, xử cữu chi giao..." Nói đến đây, nụ cười trên mặt Trần Dương trở nên cứng ngắt.

Bác Khấu vừa lòng nhìn Trần Dương, thầm nghĩ cậu đúng là một hậu bối đáng để quan tâm chăm sóc. Khấu Tuyên Linh và Lục Tu Chi cau mày nghi hoặc: "Xử cữu chi giao hình dung không đúng."

Bác Khấu không nể mặt, không vui nhìn cháu trai. Lục Tu Chi không nói chuyện, nhưng nghĩ vẻ mặt Trần Dương không đúng lắm. Chẳng qua hắn là một ông già độc thân nhiều năm, hiện tại không có suy nghĩ đen tối gì, không lãnh hội được cảnh giới đen tối của Trần Dương. Vì vậy hắn không nghĩ quá sâu.

Chuyện xử cữu chi giao nhanh chóng được bỏ qua. Trần Dương cầm hai tờ giấy mà tổ tiên nhà họ Khấu nhập vào Khấu Tuyên Linh viết ban nãy. Một tờ viết "Chu Vu, trớ Tấn", tờ kia viết "Phẩm địa ngục".

Cậu lên tiếng: "Tờ thứ nhất tôi không biết. Tờ thứ hai là "Phẩm địa ngục" được nhắc đến trong quyển 2 của "Kinh Khởi Thế". "Ở tứ đại châu và tám vạn tiểu châu, ngoài các ngọn núi lớn và núi Tu Di, có một ngọn núi tên là Chước Già La, chặt chẽ vững chắc như kim cương, rất khó phá hư. Bên ngoài lại có một núi Thiết Vi lớn. Giữa hai ngọn núi tối đen không có ánh sáng, trời trăng như vị thần đại lực đại uy đại đức cũng không thể khiến nơi đó sáng rõ. Giữa hai ngọn núi có bát đại địa ngục". Chước Già La cũng là tên của núi Thiết Vi, ngoài thế giới có núi Thiết Vi nhỏ, ngoài núi Thiết Vi nhỏ lại có núi Thiết Vi lớn. Nếu như so sánh núi Thiết Vi ở đây với núi Thiết Vi nhỏ, núi Bút Giá với núi Thiết Vi lớn, giữa hai ngọn núi chính là bát đại địa ngục. Bát đại địa ngục là 36 quan sát cục, có khả năng này không?"

Khấu Tuyên Linh nói: "Không phải là không có khả năng." Hắn cầm tờ giấy thứ nhất lên: "Chu Vu, trớ Tấn có ý gì nhỉ?"

Trần Dương lắc đầu: "Không biết."

Mấy người lớn cũng không hiểu rõ, bác Khấu vốn định khoe khoang học vấn, thế nhưng ông nhìn chằm chằm bốn chữ kia một lúc vẫn không giải thích được, cuối cùng giải thích theo từng chữ: "Mọi người xem, Chu Vu, liên hệ với cổ mộ có khả năng từ thời Chiến Quốc kia, rất có khả năng hai chữ này nghĩa là Vu ở triều Chu. Trớ Tấn chính là nguyền rủa nước Tấn. Lúc đó quan hệ của nước Tấn và nước Chu không tốt, thường có chiến tranh."

Mọi người liếc mắt lườm bác Khấu, ông thẹn quá thành giận: "Nếu không thì mấy người giải thích đi. Tự giải thích đi."

Lục Tu Chi cầm tờ giấy trong tay Khấu Tuyên Linh nói: "Bác cả nói không sai."

Bác Khấu vui vẻ: "Mấy người nghe đi, chỉ có người anh em của thằng năm là có kiến thức."

Trần Dương thầm nghĩ, "Gọi bác cả luôn rồi, quá nhanh quá nguy hiểm."

Lục Tu Chi nói tiếp: "Hẳn là mọi người đã nghe câu thành ngữ "Bích huyết đan tâm". Ý nói về thần tử Trường Hoằng một lòng vì vương triều Chu nhưng không được báo đáp. Sau khi chết máu hóa thành ngọc bích, từ đó có câu "Bích huyết đan tâm". Trường Hoằng am hiểu phương thuật, một lòng chấn hưng triều Chu, từng lấy chuyện quỷ thần thúc ép chư hầu triều bái. Nước Tấn xua quân đánh triều Chu. Triều Chu vì bình ổn sự oán giận mà giết Trường Hoằng. Sau đó nước Tấn phân chia thành mấy nước nhỏ như Ngụy, Triệu, cuối cùng bị nước Tần xâm chiếm. Có lời đồn rằng một người đệ tử của Trường Hoằng đã bố trí 36 quan sát cục trong lãnh thổ nước Tấn để báo thù, đệ tử kia chôn sống chính đứa con gái chín tuổi của hắn tại mắt trận làm chủ mộ. Phá hỏng vận mệnh nước Tấn, sau đó nước Tấn sụp đổ, lần lượt chia thành hai nước Ngụy và Triệu, cuối cùng cũng bị nước Tần tiêu diệt."

*Trường Hoằng (Chữ Hán: 苌弘 hay 苌宏;?-492TCN) hay Trường Thúc (Chữ Hán: 苌叔) là đại phu của Lưu Văn Công thời Chu Cảnh Vương, Chu Kính Vương, từng làm thầy của Khổng Tử. Các khanh nước Tấn nội chiến, họ Lưu ủng hộ họ Phạm. Triệu Ưởng chất vấn, người Chu bèn giết Trường Hoằng. Theo ghi chép của Tả truyện và Trang Tử, Trường Hoằng chết ba năm, máu tụ lại thành ngọc để tỏ rõ lòng trung, từ đó xuất hiện thành ngữ "Trường Hoằng hóa bích", "Bích huyết đan tâm". (đại phu, khanh là các chức quan)

"Cứ tưởng chỉ là truyền thuyết, thì ra là sự thật." Lục Tu Chi trả tờ giấy cho Khấu Tuyên Linh, nhận được sự sùng bái mà Khấu Tuyên Linh cẩn thận che dấu. Vẻ mặt Khấu Tuyên Linh hơi tự hào: "A Chi, anh đúng là học rộng biết nhiều."

Lục Tu Chi cười khẽ: "Đọc nhiều sách mà thôi."

Bác Khấu chen vào giữa hai người, tách Khấu Tuyên Linh ra xa Lục Tu Chi rồi lôi kéo hắn nói: "Bác cũng thích đọc sách lắm, bác là người thích đọc sách nhất ở nhà họ Khấu này. Hai người chúng ta sẽ có nhiều chuyện để nói lắm đây."

Bác Khấu nghiễm nhiên xem Lục Tu Chi là đôi bạn vong niên (trường hợp 2 người không đồng tuổi, chênh lệch tuổi rất nhiều nhưng kết bạn bè), dường như chỉ có ông và Lục Tu Chi là người có văn hóa, hận không thể nắm tay Lục Tu Chi thắp nến tâm sự suốt đêm. Khấu Tuyên Linh kéo bác Khấu về cho cha Khấu quản: "Bác cả, đừng tưởng bác gái không có ở đây thì muốn làm gì thì làm."

Bác Khấu trừng mắt, thầm nghĩ thằng cháu năm đúng là không phúc hậu. Thế nhưng đúng là ông rất sợ bà xã, riêng trước mặt bà là không dám dùng thành ngữ. Thế nên Lục Tu Chi được buông tha, Khấu Tuyên Linh vội kéo hắn chạy nhanh. Bác Khấu vẫn buồn bực cằn nhằn hai câu, cuối cùng bị mấy người anh em khác đánh cho một trận.

Trần Dương đứng một bên xem toàn bộ cuộc vui, thầm nghĩ nhà họ Khấu thật vui vẻ náo nhiệt. Cậu cười cười đi về phòng, rửa mặt chuẩn bị ngủ. Vừa lên giường, cậu chợt nhận ra có gì đó không đúng. Cậu ngồi dậy mở Baidu, sau khi tra xong, cậu đã biết chính xác điểm nào không đúng rồi.

Núi Thiết Vi, bát đại địa ngục và "Kinh Khởi Thế" đều là thế giới quan của Phật giáo, nhưng phải đến thời kỳ Lưỡng Hán, Phật giáo mới truyền vào Trung Quốc. Cổ mộ trên núi Thiết Vi được xây dựng từ thời Chiến Quốc, khi đó chưa có Phật giáo. Thú trấn hà thần xuất hiện sớm nhất vào thời Tần Hán, phù hợp thời gian Phật giáo truyền vào Trung Hoa.

Trần Dương đứng dậy, gửi tin nhắn hỏi Khấu Tuyên Linh về thú trấn hà thần trong đầm nước. Khấu Tuyên Linh gửi tin nhắn thoại trả lời: "Nhà chúng tôi cũng hoài nghi thú trấn hà thần từ sông ngầm ở núi Thiết Vi dời đến. Núi Bút Giá có một con sông ngầm, liên thông mấy ngọn núi lớn, trong đó có núi Thiết Vi. Chẳng qua địa thế của núi Thiết Vi thấp hơn núi Bút Giá, sông ngầm chảy qua đó là ngược dòng. Hiện tại tôi rất muốn biết người nào sai khiến tất cả mọi chuyện."

Trần Dương kể lại phát hiện của cậu cho hắn: "... Có lẽ suy đoán trước kia sai rồi, giải thích không thông, câu đố càng nhiều. Anh hỏi "anh em tốt"của anh xem hắn có biết đáp án không."

Khấu Tuyên Linh: "... Sao cậu lại nhấn mạnh ba chữ anh em tốt vậy?"

Hành trình âm dươngNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ