02. Phép chia là khó nhất

1.1K 125 18
                                    

Nhóc Nguyên từng không ít lần bắt ghế ra ban công, chân gác lên bờ tường, thân trượt dài lên thành ghế, trông ngã ngớn ứ chịu được. Nhóc nhâm nhi hộp sữa milo như cách ông Tám nhâm nhi trà đạo, ngẩn đầu đón gió ngắm mây, thắc mắc có phải bà mụ học toán chia hơi tệ hay không, bà chia kiểu gì mà khu xóm của nhóc toàn đực rựa thế này.

Từ hồi nhóc chính thức dọn đồ vào căn nhà này, sáng chưa mở mắt đã nghe giọng cậu Hùng, cậu Siêu sát vách chí chóe. Lúc đánh răng nghe anh Chương lảnh lót hát một con vịt xòe ra hai cái cánh, dù nhà anh ở tận cuối xóm còn nhà nhóc mấp mé đầu xóm. Giờ ăn thì nghe tiếng anh Mặc vừa chạy vừa la con không ăn, phía sau là má ảnh bưng tô cơm thiệt bự rượt theo, ba bữa như một. Anh Đằng ngày nào cũng bò ra đất đòi mặt áo hoa đi học thay vì áo đồng phục của trường. Anh Hằng thì chưa ngày nào thôi khóc nhè vì bị cậu Siêu trêu ghẹo, cứ khóc là anh chạy về nhà mách mẹ đòi nghỉ chơi với cậu Siêu. Thấy chán không?

Tôi lếch dưới chân nhóc nghe nhóc ca thán về phép chia lệch nhân sinh, lên án đồng đội anh em phiền phức. Tôi lén lè lưỡi chê bai, xem lại mình đi nhóc, tôi là mèo mà thấy nhóc tôi còn hãi đây. Nhóc quậy kinh hoàng, đầu óc nhóc không biết được vận hành theo cơ cấu nào mà có thể nghĩ ra mấy cái trò hỡi ơi ai oán, tôi nhiệt liệt đồng tình với ba mẹ nhóc, phải chi nhóc vận dụng một phần đầu óc ấy vào việc học thì phước phần quá rồi không.

À còn một người vừa ít nói, vừa không gây sự, lại vừa ngoan mà nhóc chưa nhắc tới. Là cậu chủ nhỏ của tôi. Nói sao nhỉ, tôi gặp cậu chủ nhỏ hồi năm cậu bảy tuổi, cậu nói không nhiều cũng không ít, mấy buổi họp chợ bày trò không buổi nào không có cậu, cậu không hoang dại như nhóc Nguyên nhưng chưa bao giờ dửng dưng với mấy trò hề của nhóc. Cậu chơi cũng hăng lắm, làm khùng làm điên cũng nhiều. Có điều càng ngày cậu lại càng ít nói, chắc là từ sau năm tám tuổi, trừ lúc ở cùng đám anh em thì ở nhà nếu không ai hỏi tới một ngày cậu chẳng nói được quá ba câu.

Tôi biết tại sao cậu chủ nhỏ thay đổi, cô hoa giấy biết, nhóc Nguyên cũng biết và chúng tôi đều giống nhau, không can thiệp vào được. Tôi đã kể qua chưa nhỉ, ba cậu chủ là con trai út và duy nhất của nhà này, hồi xưa hay hồi nay gì người ta đều quan trọng mấy chuyện có con nối dõi ấy, tính ra thì dù chỉ có một đứa con nhưng cậu chủ nhỏ là con trai chẳng phải đã đúng bài rồi sao. Vậy mà cuộc đời chẳng bao giờ dễ dãi với cậu chủ nhỏ cả.

Nhà tôi gốc làm nông, từ đời ông bà cố, ông bà nội đến ông bà chủ đều bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Ruộng vườn ở cách xa nhà tôi, với tốc độ chạy xe máy không cần mạng của cậu hai Hùng thì cũng mất ba mươi phút, mà đường dưới quê có giống thành phố đâu, vắng hoe à, vậy nên mọi người tưởng tượng đi, xa lắm. Ở trên đó hoang vu, không có trường lớp, đến tiệm tạp hóa còn khó tìm, nên từ năm ba tuổi cậu chủ nhỏ không sống cùng ba mẹ nữa, chuyển hẳn về nhà này. Thường thì hai tuần một lần ông bà chủ sẽ về thăm cậu chủ nhỏ, vào mùa vụ thì lâu hơn.

Cô hoa giấy kể tôi nghe hồi ba tuổi cậu chủ nhỏ hoạt bát lắm, mồm miệng luyến thoắt còn hơn nhóc Nguyên bây giờ, mấy bận cậu đi mầm non học được bài hát nào là chiều về cậu hát cho ông bà nội nghe đến tối muộn, giọng cậu lớ ngớ cậu hát nghe buồn cười kinh khủng. Cái bài Cháu lên ba cô hoa giấy nghe chắc triệu lần rồi. Ai cũng nói cậu chủ nhỏ giống bà nội vì bà nói nhiều lắm, ngày nào bà cũng kể chuyện xưa, rồi chuyện từ đầu làng cuối xóm, chuyện của ai bà cũng nói được. Nhưng rồi cứ thêm một ngày tuổi cậu lại ít nói hơn một chút, cô hoa giấy bảo chắc là cậu cảm nhận được nỗi buồn. Tôi từng thắc mắc con người bao nhiêu tuổi thì cảm nhận được nỗi buồn, cậu chủ của tôi qua ba tuổi đã cảm nhận được nỗi buồn rồi này!

YZL| Nguyên Châu Luật| Lời tự tình của tháng nămNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ