Cứ tầm giờ tan học ở trường tiểu học là những chiếc xe bán đồ ăn lại được đẩy tới, vây kín vỉa hè nóng rực sau nửa ngày hứng trọn cái nắng hè oi ả. Mùi đồ ăn quyện vào nhau đầy hấp dẫn, hòa tan với làn gió mát lành của mùa hạ, rồi tìm đến khứu giác của từng đứa trẻ như một quy trình được lên kịch bản từ trước. Sau tiếng trống giòn giã vang lên, bọn trẻ ùa ra như thể chúng dành cả ngày để chờ đợi giây phút này. Sau đó, những tiếng mè nheo đòi được mua đồ ăn lại xuất hiện, tiếng bố mẹ trách móc vang lên, tiếng cô quầy hàng thêm nếm vài câu để khích lệ, cuối cùng thì kết quả cũng đúng như những gì mà đứa trẻ kia mong muốn. Dù số lượng có thể khác nhau nhưng ngày nào cũng như ngày nào, những chiếc xe đẩy ấy luôn được vây kín bởi trẻ con, lẫn cả vài người lớn đi ngang qua mà muốn có gì bỏ bụng, lặp đi lặp lại như một chương trình được thiết lập sẵn, chỉ cần ấn "Enter" là sẽ bắt đầu chạy.
Khi kim đồng hồ điểm sáu giờ kém, Nhân Mã nhìn chiếc xe đẩy cuối cùng rời đi sau khi thùng hàng dùng để chứa đầy những que kẹo bông, kẹo đường trở nên trống rỗng. Được bố mẹ mua cho những món ăn vặt ở cổng trường là chuyện rất bình thường đối với lũ trẻ con. Nhưng không phải vì bình thường mà đứa trẻ nào cũng được trải nghiệm cái cảm giác vòi vĩnh quà vặt đó. Cậu từng ăn rất nhiều các loại bánh kẹo trên chiếc xe đẩy đó, nhưng cậu vẫn chưa một lần được biết mùi vị cây kẹo đường bố mẹ mua cho là như nào? Cậu tự hỏi mùi vị của nó có gì khác không, chẳng phải đều làm từ đường thôi sao?
Nhân Mã lớn lên trong trại trẻ mồ côi, mấy người lớn hay gọi nơi này như vậy, dù đối với cậu, đây là nhà. Tại sao con người cứ thích phân biệt mấy thứ định nghĩa rắc rối đó. Nếu có một nơi để trở về, thì đó là nhà. Vì sao người ta cứ phải tỏ ra thương xót khi cậu kể về "nhà" của mình, nhưng lại tỏ ra vui vẻ hứng thú khi những đứa trẻ bình thường khác kể về "nhà" của chúng. Đối với cậu, những chuyện đó thật chẳng khác gì nhau.
Trại trẻ mồ côi mà Nhân Mã đang nương lại không phải một trại trẻ bình thường, là trại trẻ dành cho thợ săn. Lũ trẻ ở đây hoặc là bị bỏ rơi, hoặc là bố mẹ đã ra đi khi làm nhiệm vụ giống như trường hợp của cậu. Nếu bị hỏi "Cháu có buồn không?" hay "Cháu có nhớ bố mẹ không?" thì câu trả lời của Nhân Mã chắc chắn sẽ là không. Sao cậu có thể nhớ, khi mà cậu còn không hề biết họ là ai. Nỗi nhớ căn bản chính là hoài niệm về quá khứ. Nỗi nhớ không thể tồn tại nếu không có kí ức. Khoảnh khắc bố mẹ cậu bị ma sói ăn, mọi kí ức về họ chẳng còn trong tâm trí bất kì ai trên thế giới này nữa. Đáng thương nhất là những đứa trẻ vẫn lưu lại những hồi ức, chúng sẽ luôn phải sống trong dằn vặt, mong mỏi, trong tuyệt vọng vì bị vứt bỏ mà cũng là hi vọng một ngày nào đó bố mẹ sẽ đến đón mình, dẫu biết ngày đó sẽ chẳng bao giờ tới. Dù nói vậy, nhưng trại trẻ thực sự không có nhiều thành viên, vì chỉ nhận thợ săn nên tính cả Nhân Mã, tất cả cũng chỉ có trên dưới mười người.
Nhân Mã không hề nghĩ rằng vì không có bố mẹ mà cậu trở nên thua kém những đứa trẻ khác, nhưng tất nhiên xã hội này không nghĩ vậy. "Vì nó không có bố mẹ", đó là cái cớ lỗi thời phổ biến nhất được sử dụng khi bất kì một đứa trẻ mồ côi nào gây chuyện. Chỉ cần thiếu đi một mảnh ghép mà đáng lẽ ai cũng phải có thì bạn là khiếm khuyết. Thứ định kiến ngu ngốc ấy chẳng cần ai chỉ dạy hay tiêm nhiễm cũng tự động ăn sâu vào tiềm thức con người.
BẠN ĐANG ĐỌC
[12 chòm sao] Werewolf - Săn sói
ParanormalMột câu chuyện được lấy cảm hứng từ trò chơi [Ma sói]. Nhưng liệu đây có là một trò chơi? Không!! Đây là hiện thực! Đẫm máu và tàn bạo. Điên cuồng và xám xịt. Chúng khát máu, sở hữu thứ sức mạnh vượt trên mọi giới hạn mà con người có thể chạm tới, m...