Chương 19

592 54 7
                                    

Chương 19: Sự sống và cái chết

Khảo cổ là sự kết hợp giữa lí luận và thực tiễn, lấy thực tiễn làm chủ. Trừ lần "đào mảnh gốm" ra – sau đó bị đày đọa bởi môn Hội họa nửa tháng từ cô Trịnh – cuối cùng đám sinh viên lớp Khảo cổ cũng chào đón lần thực tiễn đầu tiên từ khi bước chân vào ngành Khảo cổ: Tham quan Bảo tàng Văn hóa huyện.

Nghe ra cũng chẳng có gì thú vị, nhưng cũng không ngăn được hiệu ứng "đi lính nửa năm, lợn mẹ cũng hóa Điêu Thuyền", lớp Khảo cổ vẫn vô cùng hồ hởi, chủ yếu là việc "không cần lên lớp" đem đến một tâm lí khoan khoái nồng đậm. Đằng ấy nói xem, có đáng không?

Không sướng thì trốn tiết là được, đại học có ai chưa từng trốn tiết? Chưa từng trốn tiết thì là thánh nhân. Không sai, đằng ấy có thể trốn tiết, nhưng điều kiện tiên quyết là, đằng ấy có thể đảm đương được tiết sau, thậm chí giáo viên sẽ gọi điện thoại đến hỏi đằng ấy, "Này em, tại sao tiết trước (hoặc tiết hôm nay) em không đến lớp? Bị bệnh sao? Được, quy định cũ, mang giấy khám bệnh đến. Không có? Được lắm, ghi vào thành tích kiểm tra thường ngày. Giả bệnh, cô Ngô Tịnh phụ trách phòng y tế xinh đẹp như hoa sẽ sờ sờ đầu đằng ấy, không sốt, đo nhiệt độ cơ thể đằng ấy, bình thường, một chân đạp thẳng cẳng đằng ấy khỏi phòng y tế. Đương nhiên, đằng ấy hừ hừ ha ha nói đau đầu cũng có thể chứ, khoa học hiện đại tiến bộ hơn nhiều nhưng cũng không có cách nào đoán được đằng ấy đau thật hay đau giả. Lúc này cô Ngô sẽ viết một bức "Thư Kiến Nghị" gửi cho giáo vụ khoa, cái này cũng được liệt vào thành tích kiểm tra thường ngày, giáo vụ khoa tổng hợp các phương diện, cuối kì đưa ra đánh giá về đằng ấy. Nếu trường học cảm thấy đằng ấy không thích hợp học môn này, tuy không khuyên rút khuyên đổi hay cưỡng chế đằng ấy thôi học, nhưng nếu đã làm đến bước này, đằng ấy cũng còn mặt mũi ở lại không?

Còn về nguyên nhân, vẫn là vì: Khoa Khảo cổ quá ít sinh viên, lại thường phải đi khảo cổ vất vả ở những nơi hoang vu, rất nhiều người không chịu được khổ mà thôi học hoặc đổi sang khoa khác. Cho nên giáo viên khoa Khảo cổ nhất trí cho rằng, ngay từ lúc vào học đã phải bồi dưỡng tác phong mộc mạc chịu gian khổ, khoa Khảo cổ không cần những kẻ được nuông chiều mà lớn lên. Chất lượng bù số lượng. Những quy định văn minh này đều đã viết trên thông báo tuyển sinh, học sinh đăng kí thi phải đồng ý với những điều kiện trên, đó cũng là lí do vì sao sinh viên run rẩy sợ hãi cũng không tình nguyện và không dám trốn tiết.

Tuy những điều này nhìn có vẻ hà khắc, không thấu hiểu lòng người, nhưng quả thực có công lớn trong việc đảm bảo chất lượng khoa Khảo cổ, cũng là nguyên nhân tại sao khoa Khảo cổ của Đại học Tây Hoa nức tiếng xa gần. Bởi vì những người còn trụ lại đến sau cùng đều là những nhân tài ưu tú, mang theo lòng nhiệt thành và quyết tâm đối với Khảo cổ, người như vậy há có thể không có thành tựu? Quý cô Trần Tử Quất, người phụ nữ đầu tiên của Trung Quốc ghi danh ở toà nhà tưởng niệm giới Khảo cổ, quý cô Mao Thu Anh với những cống hiến xuất chúng về Văn hóa Hang Mạc Cao Đông Hoàng, giáo sư Trương Tử Kiện cùng giáo sư Hồng Thiên Ba được mệnh danh là người tiên phong trong ngành Khảo cổ của Trung Quốc, được cả thế giới ca ngợi hay giáo sư Chu Đức Tính và ngài Trương Kỉnh Mẫn vì khai quật và bảo vệ thành công Hoàng lăng Định Xuyên số 3 mà danh tiếng bay xa, những vị đó đều xuất thân từ đại học Tây Hoa, là những tấm gương và niềm kiêu hãnh của những thế hệ tiếp bước.

Chu Sa Nhiễm - Lưu Ly TúNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ