Mạc Lệ Quyên không biết Tôn Trung Tiền đang ngấp nghé mình. Cô đang bận rộn nấu ăn cho bữa trưa.
Lúc này đã hơn mười một giờ rồi.
Khi nãy Mạc Lệ Hồng xách qua hai con cá lớn. Cô định kho tộ một con còn con khác thì nấu canh chua.
Hai vợ chồng Mạc Lệ Hồng rất cần cù. Việc tưới nước cho ruộng chẳng bao giờ cần người khác nhắc nhở cả. Đinh Tiến Dũng lại giỏi chuyện bắt cá. Vậy là mỗi sáng sớm sau khi gánh nước xong, hắn đều đi ra bờ sông dạo một vòng.
Thu hoạch cũng rất khá. Khi thì cá, khi thì ốc, khi thì vài con tôm con tép, nhưng có đặc điểm chung là dù hắn bắt được bất kì con gì cũng kêu vợ mang qua đây một ít.
Mạc Lệ Quyên không từ chối. Đều là người thân với nhau, quá khách sáo thì rất xa lạ. Cô cũng không nhận không mà quay đầu sẽ kêu mấy đứa nhỏ mang thứ khác sang bù. Biết Mạc Lệ Hồng đang cho con bú, cô thường đưa thịt khô cho cô ấy bồi bổ.
Càng như vậy, bên kia càng chăm đưa thức ăn sang, khiến Mạc Lệ Quyên cảm thấy có chút bất đắc dĩ.
Nhưng chuyện tình nghĩa là như vậy, phải giữ gìn thì mới luôn tốt đẹp được.
Hôm nay, trời chưa sáng thì Mạc Đình Sơn đã đạp xe cùng Vệ Gia Vệ Quốc đi vào thành phố để học nên giờ ở nhà chỉ còn vợ chồng cô và Lệ Vân Lệ San.
Sợ hai món không đủ ăn, Mạc Lệ Quyên lấy ra thêm một con thỏ hun khói. Cô cắt nó ra làm hai, lấy một nửa bỏ ra dĩa, một nửa khác chuẩn bị cắt nhỏ.
"Lệ Vân à!"
"Dạ."
Cô bé Lệ Vân đang dạy em học bài, nghe chị gọi liền chạy xuống.
"Em mang nửa con thỏ qua cho chị Lệ Hồng nha."
"Dạ."
"Nói với chị ấy là thỏ đã hun khói rồi, ăn liền cũng được nếu không muốn nấu."
"Dạ."
"Đi cẩn thận đấy."
"Dạ."
Bận rộn một lúc, thức ăn đã chín hết rồi. Mạc Lệ Quyên gọi Lệ San xuống dọn chén. Hai chị em hì hục bưng bên một lát.
Mâm cơm đã được dọn lên, đặt ngay ngắn trên bàn ở phòng khách.
Mạc Lệ Quyên ngóng chân định đi ra tìm Lý Cường thì thấy bà Mai cầm chiếc giỏ rơm bước sang.
Vệ Quốc Vệ Gia đi học, hai vợ chồng già ở nhà cũng buồn nên thỉnh thoảng có ghé qua chơi.
Bà Mai vào nhà, quay đầu ngó trước ngó sau thấy không ai liền mở miệng giỏ cho Mạc Lệ Quyên nhìn, bên trong nằm gọn lỏn hai con thỏ. Hơn một năm hạn hán nên thỏ không được mập lắm, cân nặng trên dưới một cân.
"Bác không để một con lại ăn ạ?"
Bà Mai xua xua tay: "Hôm nọ bác mua một cân thịt heo về, giờ vẫn còn ở nhà kia, chưa ăn hết nữa."
Thấy vậy, Mạc Lệ Quyên cũng không hỏi thêm. Cô nhanh nhẹn lấy hai đồng đưa cho bà ấy.
Cầm tiền, bà Mai cười tươi rói, cả khuôn mặt rạng rỡ hẳn: "Cặp sách của Vệ Gia bị hỏng rồi, bác phải gom góp tiền mua vải để may cho nó."
Nói đoạn, bà thở dài: "Bên này cháu có phiếu vải hay không? Chia lại cho bác đi, bên bác hết rồi mà năm trước nông trường trưởng chia phiếu cho bác lại không có phiếu vải."
Người ở nông trường thua xa người trong thành là vậy. Ai ở trong thành phố thì mỗi tháng lấy lương sẽ có đủ loại phiếu, nhưng ở nông trường thì một năm chỉ có một lần mà thôi. Nếu may mắn thì được phát phiếu mình cần, còn nếu không thì phải chạy vạy khắp nơi, nhiều lúc còn phải bỏ tiền để mua chúng.
Nhưng thời đại này là vậy, nó đã trở thành đặc trưng rồi.
Mạc Lệ Quyên nghĩ nghĩ: "Phiếu vải thì cháu không có dư, nhưng ở đây cháu có lẻ một cây vải, có điều màu không đẹp lắm, bác có muốn xem thử không?"
Vì đây là bà Mai, hàng xóm nhiều năm nên cô mới giúp đỡ, chứ người khác thì không có đâu. Cô cũng sợ vừa giúp đỡ họ xong, quay đầu lại họ lại cử báo cô đầu cơ trục lợi thì khổ.
Bà Mai cũng biết điều này, bởi vậy khi Mạc Lệ Quyên nói nhỏ rằng mua thỏ nguyên con một đồng một con, bà và chồng đã âm thầm bắt thỏ kiếm tiền, không dám nhiều chuyện nói ra. Giờ nghe cô nói có vải, bà vui mừng khôn xiết.
"Đâu, cháu lấy ra đây xem, nếu được thì chia lại cho bác." Bây giờ cấm buôn bán, bà cũng không dám nói thẳng là mua.
Mạc Lệ Quyên không chần chừ. Cô mời bà Mai ngồi vào ghế rồi nhanh nhẹn đi vào phòng ngủ. Sau khi đóng cửa lại, cô chui vào không gian, từ trong kho hàng tìm ra cây vải cũ.
Nói là cũ vậy thôi chứ vải còn mới lắm, chỉ có điều đây là màu xám nhưng bị dính một ít màu xanh nhạt. Đây là hàng lỗi của nhà máy, bên chợ đen tuồn hàng ra, Mạc Lệ Quyên mua về định may quần áo cho tụi nhỏ, nhưng cuối cùng lại không dùng. Chất lượng của nó thì khỏi phải bàn rồi, hàng thời này nổi tiếng là tốt mà.
Quả nhiên, bà Mai thấy cây vải thì mắt sáng rực lên. Đôi tay sờ qua sờ lại, càng sờ thì càng hài lòng. Bà nhỏ giọng: "Bao nhiêu đây cháu?"
Mạc Lệ Quyên cũng nhỏ giọng: "Bà lấy hết hay sao ạ?"
Một cây vải có thể may tận mười bộ đồ cho người lớn. Mua nguyên cây thì tính ra rẻ hơn, nhưng giá tiền cũng hơi chát.
BẠN ĐANG ĐỌC
Cuộc Sống Hạnh Phúc Ở Nông Trường
Ficción GeneralTác giả: Tiểu Yêu Nữ Thể loại: Trọng sinh, song trọng sinh, làm ruộng, nuôi dưỡng, ấm áp, cận đại, quân nhân. Kiếp trước của Mạc Lệ Quyên cực kỳ nhấp nhô, mặc dù về già xem như công thành danh toại nhưng vẫn đầy ắp tiếc nuối. Vậy mà có một ngày, sa...