Dì Uyên vẫn ở nhà, không đi dạy hè nữa. Theo nguồn tin của bữa cơm tối hôm kia, giáo viên lớp năm trường tiểu học Dừa Già Hoàng Cẩm Uyên đã chính thức nghỉ dạy hè. Chẳng biết vì sao mà dì Uyên lại nghỉ, nhưng chắc chắn không phải do áp lực bận rộn công việc vì lớp hè có hai em chứ mấy.
Châu Lâm cũng tạm thời bỏ qua chuyện mờ ám, bất thường vô cùng kia. Bởi, hiện giờ nó đang rất rất bận rộn. Chiều qua, anh Tuấn Tú tên gọi ở nhà là Bâu và nắm giữ chức vị là quân sư của anh Lâm đã đến nhà rỉ vô tai nó mấy lời. Đương nhiên, nó nghe răm rắp.
Nguyên văn trích từ miệng của Tuấn Tú: "Mày biết rồi đó, làm con gái mà. Ai lại không muốn đẹp? Vậy thì tụi nó sẽ làm gì? Chắc chắn là chăm sóc sắc đẹp rồi. Mày nhìn con Măng đi, từ trên xuống dưới nó chăm cái gì nhất. Khỏi nghĩ cũng biết, đó chính là mái tóc..." Dù thằng này toàn đặt câu hỏi, nhưng người trả lời là bản thân luôn. Bâu trình bày ngắt khúc, nhưng một câu của Lâm không hề lọt vào được chữ nào.
Chẳng biết diễn biến đằng sau như thế nào (các bạn có thể tự đoán ra được), nhưng bây giờ Lâm đang đứng góc cổng nhà con Bối tra gu gồ "Cách làm dầu gội đầu tại nhà", "Mẹo cho chị em phụ nữ tự nấu dầu gội cực đơn giản", "DIY dầu gội chưa bao giờ là khó",...
"Anh Lâm mần dầu gội đầu cho ai dậy?" Con Bối bất thình lình xuất hiện sau lưng nó, chắc chắn là đứng năm phút hơn nên mới đọc lỏm được.
Làm việc giấu giếm, nên con người ta bắt buộc phải "có tật giật mình": "Mày làm tao hết hồn, đứng ngay đây sao không lên tiếng." Thẹn quá hóa giận, Lâm lên giọng.
"Tại thấy anh xem chăm chú quá, không đành cắt ngang anh." Bối cười hề hề, ngón tay trỏ xoa xoa ở đầu tỏ vẻ ngại ngại.
Dù đã bị bắt quả tăng, nhưng Lâm vẫn cẩn thận cất điện thoại vào túi quần. Nó còn đang tính bỏ chạy thật nhanh ra khỏi phạm vi nhà cao cửa rộng này, cơ mà một ý nghĩ xẹt ngang đầu nên nấn ná lại và ra vẻ thân thiện hỏi hàng xóm bên trái:
"À Bối nè, mày có biết làng mình ở đâu bán bồ kết không?"
Bối nghiêng nghiêng đầu, suy tư hồi lâu rồi trả lời: "Ngoài chợ đó anh, mà lâu lâu mới bán thôi."
Nó nhíu mày tính toán cho kế hoạch "Mái tóc em, nhưng để anh lo", thì cậu ấm nhà mình mới nhận ra bồ kết có hay không chẳng quan trọng, vấn đề là có tiền hay không. Xin bà ngoại thì Lâm thấy có lỗi, mà nếu xỏ dì Uyên chắc là phải trình bày lý do rõ ràng chi tiết. Nhìn tóc đuôi gà trước mặt, Lâm khẳng định đây là ứng cử "viên tày" sáng giá cho phi vụ này.
Ai biểu, Trần Phương Ly (Bảo Bối) là bình rượu mơ của chủ vựa trái cây lớn nhất huyện Giồng Trôm làm gì.
Lâm vò nhẹ tóc, cố nở nụ cười đẹp trai hơn bình thường rồi mở miệng: "À Bối nè, nhà mày có bồ kết không?" Nó định dẫn dắt, lân la hỏi han tình hình. Một khi con Bối nói "không", thì ngay lập tức Lâm sẽ chộp ngay "Sắp tới sinh nhật bà ngoại tao, mà giờ tao hết tiền. Mày cho tao mượn, nào mẹ tao về tao trả lại." Nó còn nghĩ đến, Bối giàu vậy thể nào cũng cho không mình.
Nhưng mà cái tánh ảo tưởng thấm sâu vô máu, nên Lâm nghĩ hơi xa. Nhỏ Bối vừa nói vừa kéo tay nó vô nhà, kéo luôn đầu óc nó về thực tại: "Mèn đéc ơi, nhà em đầy. Mẹ em hay mua dề để mần dầu gội lắm." Xem như anh Lâm đỡ có khoản nợ đầu tiên ở trong đời.
BẠN ĐANG ĐỌC
[FULL] HÀNG RÀO NHÀ BÊN
Подростковая литератураChâu Lâm sợ dơ, sợ bùn lầy, sợ đất bụi dính lên người và giày. Sơ hở là phải chạy đi rửa tay, mới chạy bộ hay đi đâu về là phải tắm. Một ngày nọ, có người thấy cũng là Châu Lâm nhưng nó lại cặm cụi ở dưới đồng sau hè nhà ngoại. Lâm đang bắt cá lóc...