Ngày đầu tiên về nhà, Lâm vậy mà lại thức dậy sớm vì nhiệt độ phòng quá lạnh. Nếu là khi mới đến làng Dừa Già, thì nó sẽ mất ngủ vì nằm chiếu, hay do quá nóng nực. Lồm cồm ngồi dậy, tìm điều khiển máy lạnh và sau đó nó quyết định dậy luôn. Mở điện thoại lên, thì thấy tin nhắn của Bâu đang trách móc mình về chuyện lên lại Sài Gòn mà không nói một câu nào.
Lâm vội gọi điện cho Bâu, để nhanh chóng giải thích: "Cha mẹ tao đột nhiên về, mà trong nhà nhiều việc để xử lý nên chưa kịp nói với mày."
Ở đầu dây bên kia cái giọng khàn khàn của Bâu vì tức mà lên cao: "Bạn bè như con khỉ khô, về cũng không nói một tiếng mà đi nhờ dì Uyên nhắn lại dùm."
"Tao chỉ có một chút thời gian, nên không kịp nói mà. Với lại..." Lâm áy náy trước sự giận dỗi của bạn, suy nghĩ một hồi rồi cũng quyết định kể chuyện tỏ tình cho thầy biết.
Bâu áp tai vô màn hình điện thoại, cố gắng nghe tiếp mà mãi không thấy tiếng nào. Gấp gáp hỏi: "Với lại sao? Kể lẹ đi trời ơi trời."
Lâm nhìn ra ngoài cửa sổ, cắn môi dưới một lúc rồi trả lời: "Tao tỏ tình rồi." Dứt câu nó thở dài.
Anh Bâu vừa nghe xong, thiếu điều muốn làm rớt luôn cái điện thoại. Không ngờ tên đồ đệ khờ khạo vậy mà lại dám can đảm bày tỏ với người ấy, làm người thầy này thấy hổ thẹn vô cùng.
Bâu nuốt nước miếng, rồi hỏi lại để xác nhận: "Thiệt hả? Sao mày gan vậy Lâm?"
Giọng điệu ngạc nhiên, có phần hơi ngưỡng mộ được phát ra từ loa, khiến Lâm có chút tự hào. Nó cười khẩy, đáp:
"Ừ, loay hoay tìm cách nói với em ấy nên không kịp tìm mày."
Bâu đại ca lúc này, chẳng còn tâm trí đâu mà để ý đến chuyện Lâm về nhà mà không nói tiếng nào. Thứ Bâu quan tâm bây giờ, chính là làm sao để có thể dũng cảm mà tỏ tình với người ấy. Thế là một người nghỉ làm để ngồi ghi ghi chép chép lời dặn, còn một người vừa vệ sinh cá nhân vừa luyên tha luyên thuyên hướng dẫn.
Sau khi truyền lại tất cả kinh nghiệm ít ỏi của mình, Lâm xuống dưới nhà để ăn sáng cùng mẹ. Nếu hôm nay chú Kiệt không đi công tác, thì có lẽ chú ấy sẽ cùng xỉu chung với vợ mình. Cô Thơ đang chuẩn bị đồ ăn, nghe tiếng bước còn tưởng là cô giúp việc đến sớm. Nhưng ngước lên lại thấy một thân của con trai, quả cà chua đang trên tay cứ thế rơi tự do xuống đất.
"Mẹ đang làm sandwich hả? Để con phụ mẹ nha." Lâm đi đến, lượm trái cà chua ở dưới rồi đặt lên bàn.
Cô Thơ đơ ra mất vài giây, sau đó cũng lấy được sự tỉnh táo: "Con để đó cho mẹ đi, mẹ bày ra dĩa là ăn được rồi."
Nó ngoan ngoãn ngồi im trên ghế, rồi đợi mẹ bưng dĩa bánh ra. Bình thường vào buổi sáng, cô Thơ toàn ăn sáng một mình hoặc với chồng. Còn Lâm dậy trễ, có khi ăn ở nhà hoặc ra ngoài chơi rồi ăn với bạn. Chính vì vậy, bữa nay mới sáu giờ nó đã ngồi ăn sáng với mẹ. Nên không khỏi khiến cô cứ tưởng mình đang mơ.
"Coi bộ cha cho về ngoại là đúng ha, nay còn dậy sớm ăn sáng với mẹ nữa." Cô Thơ vừa rót ly nước vừa hài lòng nói.
Hai bên má toàn là bánh, nhưng nó vẫn cố trả lời: "Con cũng thấy như vậy đó mẹ, thật sự những ngày ở dưới đó là một kỷ niệm khó quên."
BẠN ĐANG ĐỌC
[FULL] HÀNG RÀO NHÀ BÊN
أدب المراهقينChâu Lâm sợ dơ, sợ bùn lầy, sợ đất bụi dính lên người và giày. Sơ hở là phải chạy đi rửa tay, mới chạy bộ hay đi đâu về là phải tắm. Một ngày nọ, có người thấy cũng là Châu Lâm nhưng nó lại cặm cụi ở dưới đồng sau hè nhà ngoại. Lâm đang bắt cá lóc...