5. Cơn trầm cảm

28 1 0
                                    

Trầm cảm, giống như nhiều cơn đau (ví dụ dễ hiểu nhất là đau đẻ nhé), nó thành chu kỳ, thành cơn. Nó có thời điểm xuất hiện, có giai đoạn tăng dần, đạt đỉnh điểm, dịu dần, rồi biến mất.Ngay lúc này đây, khi viết lại những dòng này, tôi vẫn thấy ngực mình như đang bị bóp nghẹt lại và nước mắt cứ chực trào ra. Không thực sự bị trầm cảm, chỉ chứng kiến những cơn trầm cảm của người thân thôi, nhưng cũng đủ để tôi có những ký ức khó phai và những trải nghiệm đau khổ. Cho nên, có một nguyên tắc quan trọng là không phán xét người trầm cảm, nhất là trong khi họ đang rơi vào khủng hoảng.Tất nhiên, giống như mọi trải nghiệm, các cơn trầm cảm nếu được chủ thể nhận thức đầy đủ, sẽ có tác dụng hình thành "kháng thể" và nâng cao bản lĩnh, sức chịu đựng, cũng như bổ sung giải pháp chống lại những cơn trầm cảm trong tương lai, cho cả chủ thể, cho cả người thân của họ.Sẽ có nhiều chuyện, dần dần chúng ta sẽ bàn kỹ sau. Tuy nhiên, trước hết tôi muốn kể về những gì chúng tôi đã cùng vượt qua các cơn đau, hết lần này, tới lần khác mà vẫn bình an.Thứ nhất, chuẩn bị tinh thần sẵn sàng đương đầu mọi lúc, mọi nơi vì trầm cảm đến rất bất ngờ, không bao giờ báo trước. Một phút trước, bạn đang rất vui vẻ (hoặc có thể bạn rất cố gắng để vui vẻ), nhưng rồi cơn trầm cảm tới, nó lấy đi tất cả suy nghĩ trong đầu bạn, nó báo lỗi toàn hệ thống thần kinh, bạn bị nó đẩy ngã theo một cách thô bạo nhất vào những suy nghĩ bế tắc, không lối thoát. Đó không phải lỗi của bạn, tội phạm là những trục trặc trong hệ thống thần kinh nằm ngoài ý thức và sự điều khiển của ý thức của bạn.Thứ hai, khi trầm cảm tới, chỉ trong một vài giây, bạn bị tước đi tất cả suy nghĩ tích cực, năng lượng sống,thì lúc đó bạn và người thân sẽ phải làm gì?! Tôi không biết chắc chắn khi trầm cảm thực sự trải qua, bạn nghĩ gì, nhưng tôi thì thường là không nghĩ được gì, mỗi khi cơn trầm cảm đến với con tôi. Có thể nói là mặc dù đã trải qua cùng con hết cơn đau này, đến cơn đau khác, nhưng mỗi khi cảm nhận trầm cảm đã tới với con, cảm giác đầu tiên dâng trào, tràn ngập trong tôi vẫn là cảm giác hụt hơi, khổ sở, giống như là tuyệt vọng. Có điều, cảm giác ấy, qua thời gian, nó ngắn dần và tôi lấy lại bình tĩnh khá nhanh.Đầu tiên, tôi sẽ phải phân tích dự cảm của mình để tiên lượng xem cơn trầm cảm lần này nặng hay nhẹ, sẽ kéo dài bao lâu. Căn cứ để tiên lượng sẽ gồm 3 yếu tố chính: gần đây (trong vòng 1,2 tuần gần nhất) con tôi ngủ thế nào; kết quả công việc của con trong thời gian gần đây tốt, xấu đến mức nào; và lần cuối cùng cơn trầm cảm của con kéo dài bao lâu?! Từ 3 yếu tố đó, tôi sẽ tiên lượng xem cơn trầm cảm có thể kéo dài từ 1 vài giờ, tới 1 vài ngày. Lấy mức cao nhất là cơn trầm cảm gần nhất cộng thêm 1,2 ngày. Từ dự liệu đó, tôi phân chia đỉnh của trầm cảm, thường thì cơn trầm cảm sẽ đạt tới đỉnh vào 1/3 thời gian dự liệu và giảm dần trong 2/3 thời gian còn lại. Tất nhiên, đó chỉ là dự liệu để chuẩn bị tinh thần cho bản thân và kế hoạch đối phó cùng con để vượt qua trầm cảm, còn thì phải quan sát thực tế cơn trầm cảm theo thái độ của con.Thứ ba, khi cơn trầm cảm đang lên, kinh nghiệm cá nhân của tôi là bạn phải chấp nhận, làm quen dần với nó, đừng cố gắng dừng nó lại bằng mọi giá, vì điều đó là không thể và sẽ mang lại đau khổ càng nhiều hơn cho tất cả mọi người. Thái độ của tôi lúc này là lặng lẽ bên con, trở nên vô hình, nhưng không biến mất, tôn trọng mong muốn ở một mình của con, nhưng chuẩn bị cho con những sự hỗ trợ khi con cần phòng khi cơn trầm cảm lên đến đỉnh và bắt đầu giảm dần. Nguyên tắc ở đây là không tranh luận, tuyệt đối không phản đối con, khi cần có thể giữ khoảng cách với con... Đây chính là thời điểm đau khổ nhất trong mỗi cơn trầm cảm. Và cách có hiệu quả nhất đối với chúng tôi là chấp nhận, hạn chế tổn thất tối đa bằng các biện pháp đề phòng hệ quả.Thứ tư, khi cơn trầm cảm đạt đỉnh, chắc chắn nó sẽ giảm dần, dịu dần và nhu cầu được chia sẻ của con sẽ chứng minh điều này. Tôi sẽ luôn có mặt ở bên con khi cháu cần tới mẹ. Trước hết chỉ nghe là chính, có thể đặt câu hỏi, nhưng không quá nhiều, không vội vã. Khi cơn trầm cảm có dấu hiệu lùi bước, chúng ta có quyền vui mừng, nhưng cần thận trọng, lắng nghe tích cực là rất cần thiết.Thứ tư, cơn trầm cảm có dấu hiệu tan biến, đó là lúc chúng ta có thể tăng cường hoạt động chung, nhất thiết không được chủ quan. Mục tiêu của chúng ta là kéo dài thời gian này tới vô cùng! Làm được điều này, có nghĩa là KHỎI BỆNH ĐẤY NHÉ! Do đó, đây là thời điểm quan trọng nhất, không chủ quan, không say sưa với chiến thắng, đồng thời cũng không bi quan, không lo sợ. Cái "tâm an" ở đây quan trọng số một nhé. Tôi đang nói về "tâm an" của các ông bố, bà mẹ, của những người thân đấy nhé!Chúng ta làm gì trong thời gian này thì tôi sẽ nói tới trong hầu hết các ghi chép của mình tới đây.
GHI CHÚ SỐ 5: không sợ hãi mỗi khi cơn trầm cảm tấn công chúng ta. Hiểu chúng, xây dựng chiến lược và sách lược đối phó với chúng và chúng ta sẽ CHIẾN THẮNG, NHẤT ĐỊNH THẾ!

Chống TRẦM CẢM, LO ÂUWhere stories live. Discover now