Vào Hạ. Những ngày nắng nóng bắt đầu bằng những cảm giác oi ả,ngột ngạt. Dù chưa phải 39, 40 độ C, nhưng cái nóng đầu mùa khiến chúng ta cảm thấy đau đầu, khó ngủ, có nghĩa là trong cơ thể bắt đầu có những phản ứng báo động rằng đã tới ngưỡng chịu đựng.
Cả nhà tôi cũng không ngoại lệ. Cho dù con trai có một tuần được nghỉ ngơi hoàn toàn trước khi vào học kỳ mới, nhưng cũng không giúp ích gì nhiều. Con lại từ chối nói chuyện với bố mẹ vì (sau này cháu mới kể lại) lo lắng sẽ mất kiểm soát, sẽ phản ứng thái quá.
Những khó khăn trong học kỳ trước, lợi dụng cơ hội này, trở đi, trở lại gây bực bội. Những câu nói khó chịu của giáo viên, tưởng trôi qua, giờ được tua lại tạo những áp lực không cần thiết.
Con tôi vẫn cố gắng làm việc, cố gắng đọc sách, đi thư viện, làm bài thi online... Tuy nhiên, cháu ăn uống thất thường, ngủ không đủ và hạn chế giao tiếp.Để không gây thêm áp lực cho con, chúng tôi thay đổi lại lịch sinh hoạt cá nhân của bố mẹ. Cố gắng không để cháu ở nhà một mình. Vì cháu không giao tiếp, chúng tôi để lại tin nhắn cho cháu trên điện thoại, viết ra giấy... cho cháu đọc. Thức ăn của cháu được nấu rồi cất tủ lạnh để khi cần cháu có thể ăn bất cứ khi nào muốn. Chúng tôi lựa chọn những món ăn cháu thích, nhưng đồng thời chú ý những thức ăn có lợi cho sức khỏe. Thức ăn được cất một cách cẩn thận. Tủ lạnh trong những ngày này cũng được thường xuyên lau dọn hơn, gọn gàng hơn.
Trong những ngày cháu căng thẳng nhất, tôi hẹn gặp nhà tư vấn của mình để củng cố cho chính mình. "Mẹ có vững vàng thì mới giúp được con", đã từ lâu, trở thành phương cách đối phó với căn bệnh quái ác. Tôi vẫn chăm chỉ đi bơi mỗi sáng sớm. Thực đơn hàng ngày được bổ sung thêm nhiều rau, hoa quả, những thức ăn giàu vitamin. Vợ chồng chúng tôi uống thêm vitamin để củng cố sức khỏe cho chính mình.
Và chờ đợi. Chúng tôi biết cơn trầm cảm sẽ qua và theo dõi mức độ giảm dần của trầm cảm. Không vội vàng tác động khi cháu chưa sẵn sàng để nói chuyện. Thế rồi, sau một tuần không giao tiếp, cháu đột ngột đề nghị: ngày mai bố mẹ có thể cho con đi nghỉ không?! Vì không thể thu xếp được ngay, chúng tôi hẹn cháu lui lại một ngày.
Chuyến đi của cả nhà lên Tam Đảo khá là vất vả. Tắc đường vì đường đang sửa, quên kiểm tra xăng, nên suýt nữa xe hết xăng dọc đường... Nhưng chuyến đi là tất cả những gì cần thiết cho con tôi. Cháu thoát khỏi cái nóng bức, cho dù chỉ từ 7h tối hôm trước đến 12h trưa hôm sau. Cháu được vào rừng dạo chơi, leo núi với bạn... và thoát ra cái kén của mình. Cho dù, cháu còn mất thêm 2 ngày nữa mới trở lại cởi mở, vui vẻ như trước, nhưng chuyến đi hòa nhập vào với thiên nhiên ấy đã đặt dấu chấm hết cho một đợt trầm cảm khá dài.
GHI CHÚ SỐ 21: Khi cơn trầm cảm bất ngờ kéo đến, để có thể giúp con em mình chúng ta bắt buộc phải kiên nhẫn. Chờ đợi một cách chủ động là một cách tốt. Hãy chuẩn bị tâm thế và những điều kiện để có thể trợ giúp ngay lập tức khi cơn trầm cảm có dấu hiệu đi qua. Chuyến đi nghỉ ở một nơi có thể hòa nhập với thiên nhiên luôn là một ưu tiên, vì nó giúp con bạn từ từ trở lại làm quen với môi trường ngoài "cái kén" tự tạo ra, đồng thời, cho con bạn một cơ hội lấy lại cảm giác bình an.
YOU ARE READING
Chống TRẦM CẢM, LO ÂU
HorrorTrầm cảm là thứ mà tôi rất sợ phải trải qua nó, bởi nó thật kinh khủng. Nó tàn phá mọi thứ trên bước chân của nó, nó ăn sạch những cảm xúc của tôi, không chừa lại chút gì cả. Nhưng nó cũng giúp tôi nhận ra cái gì là quan trọng đối với tôi. Những th...