46. Con cảm ơn mẹ

3 0 0
                                    

46. Con cảm ơn mẹ

Con trai bất ngờ khoác vai mẹ và bạn í thủ thỉ: "Mẹ ơi, con cảm ơn mẹ!".

"Con cảm ơn vì mẹ đã không đi theo con tới trường, để con tự do phải không?" - Tôi nửa đùa, nửa thật trêu con.

Con trai mỉm cười: "Con cảm ơn mẹ vì tất cả những gì mẹ làm cho con, ở bên con và tin tưởng con".

Tôi đã suýt bật khóc, nên vội cảm ơn lại bạn í và chạy vào buồng tắm để rửa đôi mắt bắt đầu ngấn nước.

Nhớ lại vài ba năm trước đây, tôi cũng đã từng ứa nước mắt trên đường trở về nhà khi nhìn thấy hai mẹ con nhà nọ dắt tay nhau, vừa đi vừa líu ríu chuyện trò. Tôi đã từng nghĩ khi ấy: mình mất con rồi chăng?! Rồi ý nghĩ đó cũng chỉ thoáng qua trong đầu thôi. Rồi tôi lau khô mắt. Rồi tôi dừng lại, hít thở thật sâu trước khi bước vào cầu thang để lên căn hộ của mình, xốc lại tinh thần cho mình trước khi sẽ đối mặt với những khó khăn của con. Rất có thể con sẽ tránh mặt, không nói chuyện với mẹ, có thể con sẽ không trả lời khi mẹ hỏi thăm, thậm chí con có thể vùng vằng, hay giận giữ, phàn nàn chuyện mẹ nấu cơm dở tệ, mẹ giặt quần áo không sạch, hoặc vì bất cứ chuyện gì nho nhỏ vừa xảy ra trong ngày, hay thậm chí còn chưa xảy ra nữa...

Con phải uống thuốc, những viên thuốc làm con mệt tới mức không buồn nhìn mẹ nữa. Thuốc làm con ngủ không được mà thức cũng không xong. Tôi đau cùng con, mệt mỏi cùng con, thức cùng con, thiếp đi một cách khó nhọc cùng con.

Đưa con đi khám và uống thuốc kiên trì hơn 2 năm. Cùng với con vật lộn với việc uống thuốc, luôn luôn trăn trở: tiếp tục uống thuốc hay không uống đây?! Ông xã tôi từng động viên vợ: "cố lên nào, ví như bó bột cho liền xương í, khi bó bột con mình cũng sẽ đau và không đi lại được, sau đó sẽ phải tập dần để hồi phục! Con mình cũng cần chữa để phục hồi hệ thần kinh làm việc cho tốt, rồi mới tiếp tục tập luyện được!". Ông xã không học gì về thần kinh, không biết gì về cơ chế hoạt động của não, nhưng con ốm, anh ấy đi đọc tất cả các tài liệu tìm được để hiểu rằng: trầm cảm và các tâm bệnh khác có nguồn gốc do các phản ứng sinh hóa trong cơ thể và do đó, bắt buộc phải chữa bệnh đến một mức nhất định thì mới khỏi được, Bệnh không chữa, không thể tự khỏi.

Cứ tưởng tượng khi chúng ta bị gãy xương, chúng ta thường vẫn có thể cố đi đứng gượng nhẹ, chịu đau để ko phải bó bột, vì bó bột cũng rất đau và cũng rất khó chịu, có lúc còn ngứa ngáy khổ sở hơn cả lúc chịu đau vì xương gẫy! Thế nhưng, nếu chúng ta không chịu khổ ít lâu để bó bột, thì xương sẽ không thể liền lại cho ngay ngắn được. Từ đó, chúng ta sẽ bị thành tật. Thậm chí, xương gẫy có thể cứa đứt các gân, cơ, hay mạch máu... gây nguy hiểm tính mạng nữa!

Thế là, chúng tôi cùng con kiên trì uống thuốc, dù có phải đổi thuốc, đổi bác sĩ... rất nhiều lần. Cuối cùng thì cũng duy trì uống thuốc liên tục, kể cả lúc con ở Anh, hay khi đã về lại Việt Nam... suốt hơn 2 năm. Và trước khi bỏ thuốc, chúng tôi cũng đã hỏi ý kiến bác sĩ. 

Thời gian sau khi bỏ thuốc tiếp tục vô cùng khó khăn, không ít gian nan vì nhiều triệu chứng quay trở lại và phải đối mặt với chúng hàng ngày, hàng giờ. Nhưng khi cơ thể bạn đã được chữa trị đến mức độ nhất định thì có thể luyện tập được rồi, mặc dù quá trình tập luyện cũng hết sức gian khổ. Giống hệt như khi xương của bạn đã liền lại rồi, thì không cần bó bột nữa mà phải chịu đau để tập đi lại đó.

Và rồi lại hơn 2 năm trôi qua từ khi con không phải uống thuốc nữa. Để đến hôm nay, con nói rằng con cảm ơn mẹ, con nói rằng con yêu bố mẹ, con hiểu những gì bố và mẹ đã làm cho con. Hơn thế nữa, ngày mai là Sinh nhật bố, hôm nay đội tuyển lập trình của con đã xếp thứ nhất đồng đội của trường. Con sẽ được đi thi ở nước ngoài. Món quà không nhỏ này con dành tặng bố thật đúng lúc! Bố mẹ cũng cảm ơn con, rất nhiều!

GHI CHÚ SỐ 46: Hãy đồng hành cùng người thân yêu, kiên trì và dũng cảm nhé. Sẽ cần rất nhiều nỗ lực, cũng tốn nhiều mồ hôi và cả nước mắt. Nhưng nhất định, nhất định, nhất định sẽ thành công!

Chống TRẦM CẢM, LO ÂUWhere stories live. Discover now