40. Đối mặt với lo âu

4 0 0
                                    

Nếu bạn chẳng may đọc được một ghi chép cũ của con rằng: con xin lỗi bố, con xin lỗi mẹ, nhưng con không muốn và không thể tiếp tục nữa, con không muốn và không thể cố gắng nữa... thì bạn sẽ làm gì?!

Tôi thì gần như phát hoảng khi đọc những dòng con trai viết, cho dù bạn ấy viết bằng tiếng Anh, thứ tiếng mẹ vẫn dốt nhất nhà, nên cũng đã giảm "sốc" một phần rồi. 

Làm mẹ, chúng ta sẽ luôn luôn đối mặt với lo âu và sự lo âu để lại những hậu quả không hề nhẹ. Ví như ngày hôm trước, khi con tôi quay lại Anh trên chuyến bay có sự cố nên phải hạ cánh dọc đường và kết quả là chuyến bay muộn tới 5 giờ so với dự kiến. Tôi đã lo lắng suốt 5 giờ đồng hồ ấy. Lo lắng tới mức 2 ngày sau, tôi đã phải trải qua một buổi sáng hết sức thiếu năng lượng, hoàn toàn uể oải, hết sạch mong muốn.

Hãy tưởng tượng, khi vận động mạnh, tập thể thao nặng, leo núi, chạy marathon chẳng hạn, kết quả là axit lactic bị giải phóng quá nhiều sẽ tích lại trong các cơ bắp gây đau. Sẽ mất một thời gian dài tới vài ngày để hệ tuần hoàn vận chuyển chúng khỏi cơ bắp và thải ra khỏi cơ thể.
Giống như vậy, khi lo âu quá mức, các phản ứng sinh hóa trong não cũng sẽ để lại các dư chất khiến chúng ta tê liệt và cũng cần có thời gian để hệ tuần hoàn vận chuyển những chất độc hại ra khỏi cơ thể.

Tuy nhiên, còn có một cách khá hiệu quả để chống chọi với lo âu là tập luyện để nâng dần khả năng chống chọi đối với ảnh hưởng tới não từ lo âu, giống như cách chúng ta thường xuyên tập thể thao để nâng dần khả năng chịu đựng của các cơ và thải loại ngày càng nhanh hơn các chất độc hại tích lũy từ việc giải phóng năng lượng cho hoạt động.

Việc tập luyện đầu tiên và dễ dàng nhất bất cứ ai có thể làm và ở bất cứ đâu, đó là tập hít thở sâu, tập thở bằng bụng. Thở như vậy cơ thể sẽ được cung cấp nhiều ô-xy hơn, chất lượng máu lưu thông trong cơ thể chúng ta sẽ tốt hơn.

Tiếp theo, chúng ta có thể tập thả lỏng cơ thể. Thả lỏng tất cả các cơ và kiểm soát sự thả lỏng đó. Giống như khi bơi, chỉ có thả lỏng chúng ta mới có thể nổi trên mặt nước. Chỉ có thả lỏng cơ, chúng ta mới có thể tạo điều kiện cho máu lưu thông dễ dàng hơn, thải các chất độc hại đi nhanh hơn.

Cho phép mình nghỉ ngơi, thư giãn. Cho phép mình nghỉ ngơi khi lo lắng và bận rộn cũng cần phải tập luyện mới làm được, bởi vì thông thường chúng ta không thể dừng lại đột ngột trong khi chạy nhanh, cũng giống như khi "tăng tốc" suy nghĩ chúng ta không thể dừng ngay lại được. Trong những thời gian lo lắng, thậm chí cả lúc công việc bận rộn nhất, hãy tập cho phép mình nghỉ ngơi, thư giãn.

Một việc nữa có thể luyện tập là thả lỏng đầu óc, không nghĩ ngợi bất cứ điều gì. Tôi luôn có gối trên ghế sa-lon để tranh thủ nằm nghỉ bất cứ lúc nào cảm thấy quá tải. Hãy nằm xuống, cho dù não của bạn tiếp tục tư duy, hãy nhắm mắt lại và tưởng tưởng tới việc gì mà bạn mong ước nhất – một chuyến nghỉ ở biển ấm chẳng hạn!

GHI CHÚ SỐ 40: Để đối phó có hiệu quả với lo âu, chúng ta nên luyện tập. Có thể bắt đầu từ tập thở sâu, rồi tập thả lỏng cơ, tập nghỉ ngơi, thư giãn và cuối cùng là tập thả lỏng đầu óc, để đầu óc trống, không suy nghĩ.

Chống TRẦM CẢM, LO ÂUWhere stories live. Discover now