44. Giấc ngủ
Con trai điện thoại cho mẹ khi bắt đầu từ trường về. "Mẹ ơi, con hơi mệt, con về, tắm rửa và sẽ đi ngủ ngay nhé". Tất nhiên, nếu cháu đi ngủ vào lúc 7h tối, thì nhiều khả năng cháu sẽ không thể ngủ tới sáng mà sẽ tỉnh dậy và làm việc khuya. Nhưng, mỗi người chúng ta có đồng hồ sinh học và nhịp sống riêng cho mình. Nếu như trước đây tôi luôn cố gắng đưa lời khuyên và can thiệp vào thời gian biểu của con (ví dụ như trì hoãn giấc ngủ của con, không để cháu lên giường ngay từ 6h như thế), thì từ vài năm nay cháu ốm, điều tôi học được là tôn trọng nhịp sống riêng của con và trợ giúp con.
Suy nghĩ chốc lát, tôi quyết định cho con ăn nhẹ chút hoa quả để may ra cháu có thể ngủ sâu hơn chút. Quả nhiên, con trai tôi hào hứng với bát dưa hấu mẹ gọt, cắt lát sẵn và sau khi "tiêu diệt" gần nửa quả dưa hấu (không quên mời mẹ vài miếng) cháu đi ngủ và ngủ khá say. Tôi tiếp tục nấu ăn tối, cố gắng giữ yên tĩnh trong căn hộ.
Thế nhưng, 9h tối, khi hai vợ chồng vừa ăn xong, đang uống trà thì con trai tỉnh dậy và "tố cáo" tội ác của con muỗi, đốt cháu ngay trên mặt khiến cháu không ngủ tiếp được. Vậy là con trai dậy, tỉnh táo, ăn tối và lao vào làm máy tính. Tôi đi ngủ trước, nên chỉ biết rằng 2h sáng, tỉnh dậy mới thấy cháu lẹt xẹt dép đi vào phòng ngủ.
Sáng thứ bảy, 10h con trai còn chưa ngủ dậy, nhưng tôi biết, con trai tôi sẽ tỉnh dậy vui vẻ, nếu có hơi mệt thì cảm giác đó cũng sẽ chóng qua, cháu sẽ ăn "brunch" và lại tiếp tục học bài đến chiều. Tối nay cháu sẽ phải ngủ sớm để mai dậy sớm vì 8h sáng Chủ nhật cháu đã phải tới trường để làm bài thi rồi.
Chúng ta thường được đọc rất nhiều tài liệu nghiên cứu về giấc ngủ và có lẽ 100% tài liệu đều khuyên chúng ta đi ngủ sớm trước 11h đêm. Tuy nhiên, nếu nhớ lại thời sinh viên, tôi sẽ chỉ nhớ được những đêm thức học bài tới sáng, hoặc một vài buổi hội hè khuya.
Có thể mấy ngày này, con trai tôi không có được một thời gian biểu thật khoa học, nhưng cháu khá thoải mái và cảm thấy dễ chịu với thời gian biểu với giờ ngủ khá "du di" như thế.
Tôi không muốn cổ xúy việc thức khuya, làm việc muộn. Tôi chỉ muốn chúng ta dừng việc lo lắng lại. Bố mẹ không quá bận tâm việc con mình sử dụng thời gian, miễn là việc sử dụng thời gian ấy là cần thiết và nên tôn trọng nhịp riêng của cơ thể cháu.
Theo dõi cháu trong 2 tháng gần đây, cháu có những biểu hiện kiểm soát tình huống ngày càng tốt hơn. Trục trặc vẫn xảy ra và trục trặc lớn nhất là một vài lần cháu căng thẳng vì 3,4h sáng chưa ngủ được. Tuy nhiên, những khủng hoảng ấy qua nhanh mà không cần can thiệp gì nhiều, cháu tự điều chỉnh được. Không có hiện tượng mất ngủ 1,2 ngày liên tục. Cháu ăn uống tốt, quan hệ với thầy cô, bè bạn tốt, tích cực nói chuyện với bố mẹ... Cháu tự điều chỉnh ngay cả giờ giấc ngủ, chủ động ngủ bù để ngủ đủ thời gian cần thiết cho mình.
Kết luận tôi rút ra cho bản thân mình là dừng lo lắng thái quá, không để bị cuốn vào một vài biểu hiện riêng biệt (một vài lần cháu thức quá khuya đến mức không ngủ được nên căng thẳng), mà phải nhìn tổng thể và đánh giá cố gắng khách quan về tinh thần và tâm trạng chung của con mình. Làm mẹ, chúng ta luôn bị chi phối bởi những lo toan tỉ mỉ, cụ thể, cho nên phải rất cố gắng để mà vượt qua những biểu hiện nhỏ, tìm cách đánh giá cho khách quan về con em mình, từ đó mới có thể trợ giúp cháu tốt nhất.
GHI CHÚ SỐ 44: Giấc ngủ vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, chúng ta hãy đánh giá chất lượng giấc ngủ con em mình một cách tổng thể. Đừng để một hai tiêu chí, ví dụ giờ giấc đi ngủ, giờ giấc tỉnh dậy làm chúng ta quá lo âu. Hãy tôn trọng nhịp sinh học riêng của con em chúng ta và hỗ trợ chúng kịp thời.
YOU ARE READING
Chống TRẦM CẢM, LO ÂU
HorrorTrầm cảm là thứ mà tôi rất sợ phải trải qua nó, bởi nó thật kinh khủng. Nó tàn phá mọi thứ trên bước chân của nó, nó ăn sạch những cảm xúc của tôi, không chừa lại chút gì cả. Nhưng nó cũng giúp tôi nhận ra cái gì là quan trọng đối với tôi. Những th...