5h sáng con tôi gọi mẹ. Mẹ ơi, con không chịu được nữa. Cháu đưa tôi cuốn sổ với chữ HELP viết thật to phía trên của một trang giấy. Rồi cháu quằn quại vật vã: con thật vô tích sự, con không làm được gì cả, con lười nhác, con không thể làm gì, con không muốn kéo dài tình trạng khủng khiếp vô tận này nữa, con không biết cái gì thật sự quan trọng với con, con biết có gì đó sai, con thấy mình quá yếu đuối và con ghét điều này, con ghét điều này... Cháu rên rỉ! Cháu nói nhỏ đến mức tôi phải ghé sát tai vào miệng cháu mới nghe rõ.
Mẹ ơi, con không muốn chết, nhưng con chẳng biết làm thế nào để sống, con thật vô tích sự, con tôi kết luận!
Tôi ôm cháu trong cánh tay mình, xoa lưng cho con, trong khi cháu liên tục tự đánh vào mặt và tự rứt tóc. Tự nhủ bản thân rằng phải bình tĩnh, mình mà rối, chẳng thể giúp được con, tôi lựa chọn từng từ một để chuẩn bị nói với cháu. Tôi hít một hơi thật sâu, rồi nói thật chậm: con thở bằng bụng đi con. Tôi bắt đầu bằng cách chạm vào bụng của cháu và thật bình tĩnh, từ từ nhắc lại đề nghị: thở bằng bụng đi con! Dưới bàn tay tôi bụng cháu mềm ra và tôi cảm nhận cháu bắt đầu thở sâu bằng cơ bụng.
Tôi tiếp tục ôm cháu thêm vài phút nữa rồi lại nói chuyện thật chậm, nói nhỏ, nhưng nói bằng cách dễ nghe, rõ tiếng nhất mà tôi có thể trong lúc này: mẹ chắc chắn là con rất giỏi. Con sẽ làm được việc mà ít ai có thể làm!
Vừa nói, tôi vừa theo dõi phản ứng của cháu và sẵn sàng dừng lời trước bất cứ phản ứng tiêu cực nào của cháu để không chất thêm khó khăn cho cháu, cháu đang đủ khó khăn, thậm chí đang rất bế tắc rồi.
Thấy con trai yên lặng, tiếp tục thở sâu, tôi lại chậm rãi kết thúc ý mình định nói: con sẽ phát minh ra điều gì đó trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo mà con đang học, để nhờ điều đó, giúp đỡ được cho các bạn bị trầm cảm và lo âu như con. Thấy cháu vẫn lắng nghe, tôi kết thúc ý tưởng của mình, ý tưởng mà tôi luôn luôn tin chắc: con có sứ mệnh giúp đỡ các bạn bị bệnh giống con, vì chỉ có người trong cuộc mới hiểu rõ những bài toán đặt ra để mà giải quyết chúng bằng lập trình phát triển trí tuệ nhân tạo mà thôi.
Tôi im lặng để con trai có thời gian tiếp thu, cảm nhận điều tôi nói. Vài phút sau, cháu tiếp tục run rẩy, nhưng cơn hoảng loạn đã có dấu hiệu giảm cường độ: con chẳng biết chọn lựa thế nào cả, con không biết phải làm gì bây giờ! Tôi trả lời con: không chỉ mình con đâu, nhiều người như thế. Khi có nhiều chọn lựa là sẽ lúng túng chẳng biết lựa chọn thế nào. Mẹ đọc trong cuốn sách của con đưa mẹ, người ta đã làm thí nghiệm, khi cho chọn 24 loại mứt sẽ có rất ít người quyết định mua, còn nếu cho nếm thử 6 loại thôi thì lượng người mua tăng gấp 10 lần!
Con trai tiếp tục nằm im, nhưng sau vài phút, cháu bật dậy đi uống mấy viên thuốc – thực phẩm chức năng chống mất ngủ và giảm lo âu. Sau đó, cháu trở lại giường và nói: mẹ đi ngủ đi ạ!
Tôi nán lại với cháu đến khi thấy cháu thở đều và chìm vào giấc ngủ khá say.Hôm sau, cháu tỉnh dậy lúc khoảng 12h trưa và có vẻ cơn hoảng loạn hôm qua đã chấm dứt, dù còn vướng vất đâu đấy sự phiền muộn.
Tôi vẫn tin rằng con trai tôi đủ sức đương đầu với bệnh tật, vì cháu đã biết tìm cách cầu cứu, biết cách nói ra những nguồn cơn gây đau khổ cho mình, biết tự tìm thuốc để uống... Tóm lại, cháu đã có thể chủ động trước cơn trầm cảm, lo âu để có đối sách vượt qua. Tôi không giúp gì được nhiều cho con, cháu sẽ phải tự mình chiến thắng bệnh tật. Nhưng tôi sẽ luôn luôn bên con và sẽ đồng hành cùng con để vượt qua những ngày xấu.
GHI CHÚ SỐ 32: Sẽ đến lúc trầm cảm, lo âu bị kiểm soát từng phần và tiến tới bị kiểm soát hoàn toàn. Chúng ta cần biết cách vượt qua những cơn hoảng loạn, những cơn khủng hoảng tinh thần, thậm chí là bế tắc. Theo thời gian, con bạn sẽ học được cách đối phó hiệu quả với chúng. Vấn đề chỉ là cháu cần có chúng ta đồng hành, vậy thôi.
YOU ARE READING
Chống TRẦM CẢM, LO ÂU
HorrorTrầm cảm là thứ mà tôi rất sợ phải trải qua nó, bởi nó thật kinh khủng. Nó tàn phá mọi thứ trên bước chân của nó, nó ăn sạch những cảm xúc của tôi, không chừa lại chút gì cả. Nhưng nó cũng giúp tôi nhận ra cái gì là quan trọng đối với tôi. Những th...