24. Năng lực thích nghi

6 0 0
                                    

Con người cũng như tất cả mọi sinh vật sống trên trái đất này đều có khả năng thích nghi và nếu có thể đo lường được năng lực thích nghi của các cá thể sinh vật sống, chúng ta có thể tiên lượng được chất lượng cuộc sống và mức độ thành công của cá thể tương ứng với năng lực thích nghi. 

Tuy nhiên, khi các bạn đang bị hệ thần kinh của mình phản bội, thì nó cũng mang dấu biệt đi luôn khả năng thích nghi của bạn. Trong cuộc chiến của chúng tôi với căn bệnh trầm cảm của con trai, tôi nhận thấy luyện tập khả năng thích nghi một cách có chủ đích đã mang lại kết quả.
Trước hết, có thể tập trung luyện tập khả năng thích nghi với thời tiết. Vì thời tiết là thứ chúng ta không thể tác động thay đổi được, không trốn đi đâu được và buộc phải thích nghi với chúng. Con tôi, trong những năm đầu trầm cảm, thường xuyên viêm mũi dị ứng. Cháu hắt hơi hàng chục cái mỗi buổi sáng, mỗi ngày tốn hàng cuộn giấy để lau mũi và ngạt mũi là căn bệnh thường xuyên. Mỗi năm cháu thường phải vài ba lượt sử dụng kháng sinh điều trị viêm mũi họng. Thế rồi, một ngày cháu nói với bố mẹ, lần này con sẽ cố thử chữa bệnh mà không dùng đến kháng sinh nữa. Mùa đông cháu đi kiếm mua cho mình những chiếc khăn nhỏ quàng cổ dành cho người leo núi để con trai cũng có thể sử dụng mà ít ai để ý. Mùa hè cháu luôn luôn ý thức tắt điều hòa, mở cửa phòng khoảng mươi phút trước khi bước ra khỏi phòng ngủ. 

Ngủ dậy là cháu tập kéo xà ngay và tập khá nặng để toát mồ hôi trước khi kịp hắt hơi. Để chống lại viêm mũi dị ứng cháu pha nước muối đặc để lúc nào cũng có thể pha loãng với nước ấm súc miệng. Trên bàn của cháu luôn có hàng chục lọ nước muối sinh lý loại nhỏ mắt để nhỏ mắt, mũi. Cháu cương quyết không sử dụng các loại thuốc nhỏ mũi chống ngạt nữa.... Dần dần, cháu đã đoạn tuyệt với viêm mũi dị ứng, viêm mũi, họng đã không còn tra tấn cháu quanh năm suốt tháng nữa và cả năm vừa rồi cháu không còn phải đụng đến dù chỉ là một viên thuốc kháng sinh.

Từ thích nghi với thời tiết, cháu tập thích nghi với các món ăn. Các bạn mắc phải tâm bệnh, thường có thể gặp khó khăn về ăn uống, kỹ tính trong ăn uống, không thích đổi món và ngại ăn những món có xương, có hạt phải nhằn... ý thức về việc phải tập thích nghi, cháu chủ động rủ bố mẹ đi ăn hàng mỗi khi có dịp. Cháu đề nghị cứ mỗi tuần có một ngày mẹ làm món ăn mới, không cần làm món con thích để con tập ăn. Rồi dần dần nâng lên thành cách ngày mẹ tự nấu những món mới không cần quan tâm xem con có thích hay không. Cho đến bây giờ, mẹ hoàn toàn tự quyết định lấy việc lựa chọn thực đơn không cần phải hỏi trước. Đó là cả một cuộc cách mạng so với cách đây 5 năm, khi mới bị ốm, cháu yêu cầu làm một món lườn gà duy nhất để ăn cho cả tháng!

Thích nghi khó nhất phải học là thích nghi với mọi người xung quanh và nhất là người lạ. Việc thích nghi này đòi hỏi rất nhiều cố gắng và rất nhiều năng lượng vì chúng tạo ra khá nhiều căng thẳng. Phương pháp của con trai tôi là tiếp cận dần dần. Đầu tiên là cháu ra khỏi nhà, mang sách vở tới cà phê sách ngồi học. Cháu tập dần làm việc trong môi trường có nhiều người xung quanh, nhưng vẫn giới hạn được sự độc lập của mình vì ở đây không ai làm phiền tới ai. Mọi người đều làm việc nên không ai có ý định bắt chuyện với người lạ và cháu không cần phải quá cảnh giác. Những ngày đầu, cháu trở về nhà cũng khá căng thẳng và mệt mỏi. Nhưng rồi, cảm giác an tâm ở cạnh mọi người mà không sợ bị tấn công dần hình thành theo thời gian. Dần dần cháu có hứng thú hơn với việc có mặt mọi người xung quanh, yên tâm dần trong việc bước vào một khung cảnh có nhiều người lạ.

Thích nghi quan trọng nhất là việc thích nghi trong nhóm, học cách làm việc theo nhóm, học cách hợp tác, cộng đồng trách nhiệm và chấp nhận những ý kiến khác với ý kiến của mình, cuối cùng là học cách thay đổi nhận thức cho phù hợp hơn với thực tiễn. 

Thật ra, đối với mỗi người, chúng ta đều tự động học những cách thích nghi trong suốt cả cuộc sống của mình. Tuy nhiên, đối với tâm bệnh, khi não bộ từ chối việc phản ứng hợp lý với tác động từ bên ngoài thì quá trình học tập để thích nghi này phải được thực hiện một cách tích cực hơn, chủ động hơn, đòi hỏi nhiều nỗ lực từ phía cá nhân chúng ta, chứ não bộ không làm tốt được nhiệm vụ của nó để giúp chúng ta tự động học hỏi từ cuộc sống xung quanh để mà hình thành các thói quen phù hợp với hoàn cảnh đâu.

GHI CHÚ SỐ 24: Đối với tâm bệnh, chúng ta phải chú ý tích cực và chủ động học cách thích nghi, từ thích nghi với môi trường tự nhiên, tới thích nghi với môi trường xã hội, để có những phản ứng phù hợp với hoàn cảnh, trong điều kiện não bộ của chúng ta có trục trặc nên không tự động giúp chúng ta học tập từ cuộc sống được như thông thường.



Chống TRẦM CẢM, LO ÂUWhere stories live. Discover now