35. Kiềm chế nỗi lo của bố mẹ

5 0 0
                                    

Không bao giờ là dễ dàng để vượt qua nỗi lo lắng, nhất là khi nỗi lo ấy thường trực bởi vì con cái của chúng ta đang ốm. 

Rất thường xuyên chúng ta trách cứ bản thân. Tìm mọi cách buộc tội bản thân và những người khác trong việc con ốm.

Nỗi lo lắng, được bổ sung thêm cả căng thẳng, quay trở lại tác động đến người thân và con cái. Cứ thế nhân lên lo lắng, tạo thêm căng thẳng cho cả gia đình, thậm chí cho cả họ hàng.
Kiềm chế nỗi lo của bố mẹ là việc đầu tiên chúng ta cần làm để cắt đứt vòng tròn luẩn quẩn khiến bệnh tật ngày càng khó kiểm soát. Để làm được điều này, trước hết, cần chấp nhận chúng ta đang trong tình huống khó khăn và chấp nhận rằng chúng ta có thể phải đối mặt với tình huống tồi tệ nhất.

Trong trường hợp của mình, tôi thường đánh giá tình huống tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì căn cứ vào tình huống tệ nhất xảy ra 1 tháng trước đây và căn cứ vào xu hướng tiến triển của bệnh trong một năm gần đây. 

Ví dụ, nếu bỗng nhiên cơn lo sợ kéo đến trong tôi, khiến tôi bất an khi nghĩ về con, về việc cháu dạo này hơi khó ngủ. Khi đó, tôi sẽ tìm thời gian để bình tĩnh đánh giá lại và nhận thấy một tháng trước đây, con tôi lâm vào cơn lo hãi khiến cháu mất 1 tuần không ngủ được quá 2h mỗi ngày và đỉnh điểm của việc này là cháu tự làm đau mình tới mức tay cháu phải băng bó mất vài hôm. Tuy nhiên, trong một năm gần đây, xu hướng khỏi bệnh, kiểm soát ngày càng tốt hơn các tình huống căng thẳng của cháu thể hiện rất rõ. Vì thế, tôi xác định, tệ nhất đi nữa, chỉ có thể là việc cháu tiếp tục mất ngủ kéo dài tới mức phải nằm viện để điều trị mất ngủ. Xác định được như vậy, tôi bàn với bố cháu chuẩn bị một số kinh phí cần thiết để nếu con có phải nằm viện vài ba ngày, tới 1 tuần cũng không quá bị động. Rồi, sắp xếp công việc của bản thân để nếu cần có thể nghỉ chăm con vài ba ngày. Kết quả của việc chuẩn bị tinh thần như thế khiến chúng tôi bình tâm và cơn lo lắng dịu đi ngay lập tức.

Về chuyện lên án bản thân, tìm kiếm sai lầm của mình và của người thân trong việc con ốm, thì tôi đã từng rơi vào tình trạng đó. Kết quả là mặc cảm tội lỗi, cùng với sự ấm ức với người thân khiến tôi trở nên dễ mất bình tĩnh, làm cho đôi lúc từ việc cỏn con mà bực bội, gắt gỏng. Thế rồi, một ngày đẹp trời, chồng tôi rủ vợ đi ăn trưa. Anh ấy nói, nếu em cứ tiếp tục gắt gỏng như thế thì tốt nhất là em để mặc bố con anh đi, hãy về bà ngoại ở mấy ngày, em đang làm mọi chuyện tệ đi, biết không?! Tôi khóc và thế là xả ra những ấm ức bấy lâu nay tích lại trong người. Ông xã từ tốn khuyên vợ: tốt rồi, em không thấy giá như lỗi ở em thì thật là tốt hay sao?! Nếu như thế, chỉ cần em thay đổi là mọi chuyện tốt lên ngay. Thế nhưng câu chuyện của chúng ta có đơn giản thế đâu, con ốm vì con bị ốm, chúng ta đối xử với cả hai con như nhau, một đứa ốm, một đứa không, như vậy, lỗi không phải ở em đâu, mà nó là do hệ thần kinh của con bị trục trặc, em biết điều ấy mà, nhưng rồi con chắc chắn sẽ khỏe lại, anh hứa với em sẽ không bao giờ bỏ mấy mẹ con.

Kể từ ngày đó, tôi đã thôi tra tấn bản thân, thôi nuối tiếc, thôi nói "giá như" này khác. Mỗi khi lo lắng kéo tới, tôi tự nhủ thử nghĩ xem tệ nhất là điều gì có thể tới, để rồi chủ động chuẩn bị đối phó nếu tình huống tệ hại đó xảy ra thật. Với cách như thế, chúng tôi đã cùng nhau vượt qua cả một năm trời mà chưa lần nào tình huống dự kiến xấu nhất xảy ra cả. Thậm chí sự an yên của tôi đã tác động một cách kỳ diệu tới cả gia đình.

Con tôi đã thôi bị tôi "tra tấn" bằng cách nhắn tin, hay gọi điện thoại cả chục lần một ngày. Cháu đã có thói quen kiếm mẹ khi cần và tự mình giải quyết những tình huống nảy sinh thường ngày. Chồng tôi cũng không còn bị những cú điện thoại của tôi cắt ngang các cuộc họp của anh ấy nữa. Thỉnh thoảng tôi nhận được tin nhắn hỏi thăm tình hình từ chồng và cảm nhận được sự quan tâm của người thân, chứ không như trước đây, người duy nhất nhắn tin, gọi điện cho chồng con suốt ngày là tôi, và chỉ riêng trả lời tin nhắn và điện thoại của tôi đã là quá sức chịu đựng của cả nhà, chả ai còn hơi sức để nhắn tin hỏi han tôi nữa!

GHI CHÚ SỐ 35: Con ốm, bố mẹ chắc chắn bị ảnh hưởng rất tiêu cực. Bố mẹ thường sẽ trở nên lo lắng. Sự lo lắng này sẽ quay ngược trở lại gây thêm căng thẳng, làm trầm trọng thêm nhiều tình huống bệnh của con. Thế nên, tìm cách kiểm soát nỗi lo sợ của bố mẹ là vô cùng cần thiết trong việc chữa bệnh cho con. Đôi khi, bố mẹ rất cần phải được tư vấn tâm lý một cách hiệu quả.


Chống TRẦM CẢM, LO ÂUWhere stories live. Discover now