42. Con đi chết đây

4 0 0
                                    

Mươi phút trước, con trai tôi còn nhắn tin: "mẹ mệt đừng nấu ăn, con định mua cháo về cho mẹ" và "mẹ ơi, mẹ thích hoa gì, con mua về nhà". Vậy mà ngay sau đó là những tin nhắn dồn dập: "mẹ ơi, hay con ở lại trường nhé", "con thấy hơi mệt, con ở lại trường một hôm vì con sợ lái xe không vững", "con chẳng biết nên làm gì cả, ở đây cũng thấy buồn buồn", "con chẳng muốn gặp ai cả", "con chẳng muốn làm gì cả", "con sợ quá"... và rồi "mẹ ơi, con không biết làm thế nào", "con đi chết đây".

Nhắn tin trả lời con: "Mẹ đây, con nằm nghỉ chút đi, mẹ đợi bố chút rồi bố mẹ sẽ mang cháo lên trường ăn với con nhé". Xong rồi tôi không còn cách nào khác để bình tĩnh lại, ngoài việc lặng lẽ vào gian thờ, ngồi xuống đọc kinh và thiền trong khi chờ bố cháu về.

Ông xã về thì tôi đã chờ sẵn dưới đường cùng xoong cháo mang vào trường để cả nhà có thể cùng ăn. Hai vợ chồng nói chuyện rất ít trên xe, tôi vẫn chưa hết choáng váng vì những tin nhắn của con và ông xã thì thỉnh thoảng lại nhẹ nhàng nói chuyện để làm tôi bớt căng thẳng đôi chút.
Vào đến nhà trọ của cháu, phòng cháu tối om, gõ cửa không có tiếng trả lời, may mà cháu để cửa mở, không khóa.

Chúng tôi vào phòng, con trai nằm co ro trên giường, đầy đủ quần áo, nhiệt độ điều hòa đang để 20 độ. Chúng tôi lặng lẽ ngồi bên con. Cháu biết bố mẹ đến, nhưng tiếp tục rứt tóc, đấm ngực và rên rỉ trong cổ họng. Chúng tôi ngồi im lặng bên con. Ngoài chờ đợi cho cơn khủng hoảng dịu đi, chúng tôi không thể làm gì khác.

Nửa tiếng sau, tôi nằm xuống cạnh con, nhẹ nhàng đặt tay lên lưng cháu để đếm nhịp thở của con, nhưng cháu không có bất cứ phản ứng nào tương tác lại với mẹ.

Nửa tiếng nữa trôi qua. Tôi ngồi dậy và đọc kinh thầm. Thấy mẹ ngồi yên trên giường, cháu bất chợt hỏi bố: mẹ đang làm gì vậy?! Tôi trả lời thay cho ông xã: mẹ đọc kinh. Cháu im lặng vài phút rồi đề nghị: cả nhà ăn cháo đi.

Cả nhà ăn cháo trong im lặng, nhưng riêng đề nghị ăn cháo của cháu trong tình huống này đã là một tín hiệu quá mừng với hai vợ chồng, chúng tôi tiếp tục tôn trọng mong muốn yên tĩnh của cháu.

Ăn cháo xong, cháu đề nghị bố mẹ về đi, con ở lại và đi ngủ vì mai con có hẹn làm việc trên trường với các bạn từ buổi sáng. Trước khi về cháu đập tay với tôi và cố mỉm cười.

Chúng tôi đánh giá tình hình có thể kiểm soát được và ra về, cho dù hiểu rằng "cuộc giải cứu con này" vẫn chưa chấm dứt, nhưng cũng không thể cứ ở lại nhà trọ để gây thêm căng thẳng cho cháu. Quả nhiên, 2h sáng, chúng tôi nhận được điện thoại của cháu và nghe cháu khóc thành tiếng: "con không thể ngủ được, con không thể tổ chức được cuộc sống của mình cho ngăn nắp, con bất lực quá". Bố cháu trả lời: "mình cần đi khám bác sĩ thôi con, con đã cố chịu đựng quá sức rồi", nhưng cháu đề nghị: "bố cứ nghe con nói đã"... Và thế là cả tiếng đồng hồ sau chúng tôi nghe cháu vừa khóc vừa kể những khó khăn mình gặp phải hằng ngày, từ chuyện con mèo của bạn chết, chuyện khó khăn trong quan hệ với bạn bè, chuyện thầy cô có thể đang thất vọng với con... Chúng tôi lắng nghe và không xen vào câu chuyện độc thoại của cháu.

Khi cháu dừng lại, cháu kết luận: thôi con không ngủ được, nhưng bố mẹ cứ đi ngủ đi, con đi nằm vậy.

Kinh nghiệm chiến đấu cùng con nhiều năm cho tôi thấy, cơn khủng hoảng thường dịu dần khi con có thể khóc và kể lể. Cho nên chúng tôi tạm yên tâm và dù không thể ngủ, nhưng chúng tôi cũng chẳng có cách nào khác ngoài việc thỉnh thoảng kiểm tra điện thoại xem con có tắt máy không. Con trai tôi đã online cả đêm và chắc cháu không ngủ chút nào.

Sáng hôm sau, tôi dậy sớm đi làm như bình thường và chờ tin từ con. Quả nhiên, khoảng 10h sáng cháu chia sẻ tin về những đồ đạc cần mang về nhà từ phòng trọ. Tôi đợi khoảng một tiếng sau để hết giờ làm việc sáng mới gửi lại tin nhắn cho cháu, rằng mẹ đã nhận được tin nhắn của con, mấy giờ hôm nay con về nhà?! Cháu đã trả lời tin nhắn của mẹ rất nhanh và sau đó thì báo tin rằng con đã giải được bài tập lớn, suy nghĩ mấy hôm chưa ra, đồng thời rủ bố tối về sớm vì con phải thi online cả tối nay. 

Vậy là lại một cơn khủng hoảng qua đi, cho dù nó không hề nhẹ nhàng.

GHI CHÚ SỐ 42: Các cơn khủng hoảng do trầm cảm, lo âu có thể nặng nhẹ khác nhau và đôi khi nó quá sức chịu đựng của người thân. Chúng ta tuyệt đối không nên đối phó với chúng một mình, rất cần được hỗ trợ và cần rất nhiều bình tĩnh, sáng suốt trong đánh giá tình hình.



Chống TRẦM CẢM, LO ÂUWhere stories live. Discover now