19. Câu lạc bộ tranh biện

5 0 0
                                    

Biết mình ngại giao tiếp, sợ tiếp xúc với nhiều người, với người lạ... con tôi đăng ký tham gia Câu lạc bộ tranh biện ở trường. Mọi sự khởi đầu khá tốt đẹp. Con thấy vui, nhiều hôm đi với câu lạc bộ tới tối muộn. Có lần bố mẹ đi đón, đợi con nên gọi nồi lẩu, ăn gần xong thì con mới tới.

Nhưng rồi, vào năm học mới, với thói quen nghiên cứu và nghiền ngầm kỹ những bài học, thông tin, kiến thức từ thầy cô giáo, con không còn thời gian rảnh rỗi nữa. Chúng tôi đã ngồi xuống để trao đổi cùng nhau về việc nên bớt những hoạt động gì ra khỏi thời gian biểu. Tất nhiên là thể thao cần giảm, nhưng nhất thiết phải giữ... Các môn học cũng cần bảo lưu một vài môn để giảm tải và cuối cùng là xin rút khỏi câu lạc bộ.

Đối với mỗi người, chúng ta một nhịp điệu làm việc, thói quen, nhu cầu hoàn toàn khác nhau. Càng khác hơn đối với những bạn có mức độ nhạy cảm cao, dễ chịu tác động từ bên ngoài và hơn nữa đang bị những căn bệnh quái ác hành hạ.

Bản thân mỗi người chúng ta khác nhau, nên việc chịu tác động khác nhau từ một yếu tố bên ngoài giống nhau là điều chắc chắn. Do đó, chẳng có gì là xấu hổ khi chúng ta học chậm hơn, ít giao tiếp hơn cả. Học chậm hơn, nhưng không có nghĩa là kết quả không tốt.

Bản thân tôi mất 7 năm học đại học, nhưng sau đó 27 tuổi tôi đã bảo vệ thành công tiến sĩ. 32 tuổi tôi mới đi làm, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi cống hiến cho cuộc sống này ít hơn mọi người đâu nhé!

Và, chắc chắn chúng ta không nên vội. Chưa có kỹ năng giao tiếp cũng không phải là tệ lắm đâu. Chúng ta sẽ học dần trong suốt cuộc sống này, không cần nóng vội. Khi 50 tuổi, tôi vẫn còn run, ngộp thở khi phát biểu trước cuộc họp, dù chỉ trong diện hẹp. Nhưng bất chấp những điều đó, tôi vẫn được giao đảm nhiệm một số công việc khá quan trọng.

Kỹ năng giao tiếp, tranh luận... không phải là phần quan trọng nhất, hoặc nhì trong cuộc sống này. Điều khó nhất, vẫn là chúng ta hiểu được, chấp nhận được bản thân mình với tất cả những gì mình có.

GHI CHÚ 19: Câu lạc bộ tranh biện có thể tốt với nhiều người, nhưng với nhiều người khác là không cần thiết, thậm chí không có lợi. Chúng ta sẽ học nhiều điều trong cuộc sống này trong suốt những tháng năm mình sống. Không vội vã, quan trọng là hiểu, chấp nhận bản thân mình và cảm giác bình an chính là hạnh phúc!



Chống TRẦM CẢM, LO ÂUWhere stories live. Discover now