Chương 2

428 32 2
                                    

Dì Man móc túi quần, lấy ra cái bóp nhỏ nhắn màu đỏ, đếm tiền rồi đưa cho Nam, còn Bảo thì đứng một bên nhận lấy cái giỏ lưới. Dì dặn Nam:

- Lần sau nếu có cá ngon con cứ đến thẳng đây rồi kêu dì là dì ra.

Nam gật đầu dạ một tiếng rồi chạy một mạch về nhà. Hiện tại đã quá giữa trưa, má với em trai nó chắc vẫn còn đợi nó về ăn cơm.

Cả hai quay lại vào trong, đến cái khu vực nhà bếp, ở đó có một cái lu nước rất to, đen ngòm chuyên dùng để hứng nước mưa rồi thả cá vào. Bảo hỏi dì:

- Đổ vô đây rồi chiều làm cho lão gia ăn hả dì?

Dì gật đầu và trả lời:

- Ừa, đổ vào rồi con đi quét nhà chính cho sạch, canh tới bốn giờ chiều thì đi mua rau cho dì.

Bảo nghe theo lời dì dặn mà đi quét nhà, mấy món đồ gỗ ở đây đều là hàng cực kì tốt. Bóng loáng quanh năm, lâu lâu cậu sử dụng chai xịt chuyên dụng xịt lên rồi lau thì càng bóng hơn. Cả bộ bàn ghế, tủ thờ, lọ hoa, ba ông Thần Tài... tốn đến hơn cả trăm triệu. Lão gia là người rất sành đồ gỗ.

Cậu quét đi quét lại hai lần rồi bắt đầu lau đi lau lại cho đến khi mọi thứ đều sạch bóng không còn một hạt bụi. Bà Cả bỗng từ trong phòng bước ra, nhìn thấy nhà cửa được cậu lau sạch sẽ thì hài lòng nhướng mày ngồi xuống ghế, phất tay ra hiệu cậu châm trà.

Đồng hồ kêu chít chít, Bảo nhìn lên thì thấy kim giờ đã chỉ vào chú chim nhỏ nằm ngay số ba, còn một tiếng nữa, thôi thì hôm nay đi tắm sớm vậy, Bảo nghĩ.

Cái nhà tắm nó nằm tít trong góc vườn, lâu lâu khi đang tắm cậu ngó lên nóc thì thấy một con rắn thè lưỡi nhìn cậu. Ban đầu thì hơi ngại ngùng vì đi tắm mà có "người" nhìn nhưng riết rồi cũng quen, đôi khi cậu chào rắn lục một tiếng nó còn thè lưỡi đáp lại với cậu.

Vừa tắm vừa giặt đồ, Bảo cầm bộ đồ mới mặc bỏ vào thau nước, cho một chút xà bông bước vô đạp đạp cho sạch rồi vắt một bên, tắm xong thì đem đi phơi. Cuộc sống thật dễ dàng khi tự giặt đồ của bản thân, giặt cho cả gia đình lão gia mới khó, phải cẩn thận từng li từng tí, mạnh tay một xíu thôi là quần áo nó đau, bị bà Cả mắng tan nát.

Cái chợ ở nơi cậu sống nó nằm trong một cái nhà lồng rất to, Bảo thấy như vậy cũng tốt, che nắng che mưa cho bà con. Buổi chiều nó khác buổi sáng ở chỗ là ít người mua và cả ít người bán, thường thì sáng đi chợ là người ta mua đồ ăn cho cả trưa lẫn chiều, mà cũng có người thích ra đường thì đi hai lần. Trừ mấy bà bán vải bán đồ tạp hóa là mở cả ngày... Bảo ngó đông ngó tây vài lần mới thấy một bà bán rau, rau cũng chẳng còn tươi như buổi sáng nhưng vẫn không quá héo. Bảo lấy một bó cải tai bèo, tía tô, rau húng, mấy củ dưa leo rồi tính tiền. Nhà còn bánh tráng với bún nên không cần mua.

Giờ này là giờ anh Nhị về, ảnh đang dắt trâu vô chuồng. Mấy con trâu nhìn sung sức ghê, mà chăn trâu cũng chỉ là việc phụ, việc chính là cái xưởng bán vải ở cách xa đây mấy cây số. Hồi xưa là lão gia làm chủ ở đó nhưng giờ là do cậu hai Khiêm trông coi, lão gia về nhà dưỡng già.

Dì Man cầm cây dao nặng gần một kí đập đầu con cá, mấy cái nó mới chết. Dì móc ruột móc gan và mấy phần không cần thiết ra rồi lấy rượu rửa sạch, ngâm một lát cho nó hết tanh. Bảo đứng ở chỗ bếp lò làm mỡ hành một chút rưới lên cá cho thơm tho.

Cậu bưng mâm cơm ra ngoài, dì Man cầm chén đũa đi ở phía sau, mọi người đã ngồi sẵn trên bàn, bây giờ chỉ còn việc ăn.

Lão gia ngửi thấy mùi mỡ hành, nhìn thấy ba con cá lóc thì bụng kêu "rột rột", bà Cả ngồi đối diện thì rất toát lên vẻ phu nhân, bà ngồi soi từng động tác của cậu xem có làm dư làm thiếu cái gì không.

Bà Cả lên tiếng:

- Nhanh nhanh rồi đi ra đi!

Cậu Hai Khiêm ngồi cùng cô Nga, vợ của mình ở bên phải. Bên trái lần lượt là bà Cả, lão gia, bà Ba. Cậu nhìn gia đình bọn họ, lâu lắm mới thấy có mặt đầy đủ thế này, thường ngày giờ này cậu Hai Khiêm vẫn còn bên xưởng, chắc hôm nay có dịp gì nên cậu về sớm.

Cậu Hai Khiêm nới lỏng cổ áo, cậu nói:

- Ngày mai thằng Khanh nó về đó ba, con mới nhận được thư của nó hồi sáng.

Lão gia nghe thế thì mừng rỡ, lâu lắm thằng này không về nhà thăm cha mẹ nó rồi. Bà Cả còn mừng hơn, tâm tình tốt quá ăn hai chén cơm luôn.

Bảo bỗng chốc nhớ lại, đại gia đình này vẫn còn một thành viên, đó là cậu Ba Khanh. Cậu cũng có không nhiều ấn tượng về anh ta, anh học hết cấp hai ở đây, cấp ba thì lên trên thành phố học. Cũng ít về nhà lắm, đa số toàn là lão gia với bà Cả lên đó thăm anh ta.

Cậu Ba đi vào năm Bảo còn học lớp sáu, năm nay Bảo lên lớp mười, cậu Ba thì chuẩn bị thi đại học.

...

Chàng thanh niên tay cầm túi xách da bò bước xuống xe khách, bốn năm không về quê, mọi thứ cũng vẫn như thế, không thay đổi bao nhiêu.

Anh vạch tay áo nhìn đồng hồ, mới hơn năm giờ sáng, có lẽ hôm qua anh nên bắt xe trễ hơn một chút. Cảm giác đau nhức ở cổ thật khiến người ta khó chịu, quãng đường bảy tiếng đồng hồ đã hành anh muốn rã rời, ban ngày thì học muốn gãy cổ, tối đi xe phải đọc sách mà còn phải gặp ổ gà.

Giờ này còn sớm nhưng mấy ông xe ôm đang tụ tập một bên, thấy xe nào mà có khách là bu lại như kiến bu đường mà kiếm khách. Cậu Ba Khanh chọn một người nhìn chân thật, chất phát nhất, chỉ đường cho người ta chở cậu về nhà.

Đừng Sợ, Để Cậu Lo.Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ