Chuyển ngữ: Wanhoo
Chúc Nghiên Thu tay xách nách mang, cầm tiền u cho lên thuyền.
Chúc Nghiên Thu đi được không bao lâu, Chúc Tố Nương biết mình mang thai. Nhà nghèo, Chúc Tố Nương gửi một ít tiền xin học làm đậu, từ đây cô bắt đầu chuỗi ngày thức khuya dậy sớm với cái bụng chửa để làm đậu.
Làm đậu là công việc vô cùng khó nhọc, phải ngâm đậu nành, phải xay đậu bằng cối đá, phải lọc bã lấy nước, đun lắng nước đậu rồi ép khuôn. Tất tần tật các công đoạn do một tay Chúc Tố Nương thực hiện, Chúc Tố Nương chẳng có mấy thời gian để nghỉ trong ngày.
Đêm hôm phải dậy sớm làm đậu, sáng ra gánh thùng rao bán khắp phố, bán xong về đến nhà bắt tay ngay vào xay đậu. Chín tháng sau Chúc Tố Nương sinh một thằng cu, cũng xem như có người kế tục họ Chúc.
Chúc Tố Nương làm lụng vất vả, dành dụm tiền bán đậu gửi cho Chúc Nghiên Thu đóng tiền học. Chúc Nghiên Thu rất hay gửi thư hoặc điện báo về nhà kêu Chúc Tố Nương gửi tiền cho cậu ta với lý do cần mua bút máy, sách vở.
Từ ngày họ Chúc phá sản, Chúc Nghiên Thu không phải chịu khổ, cậu ta vẫn được ăn ngon mặc đẹp dùng đồ hiệu. Ngày ấy đồ ngoại nhập là mặt hàng xa xỉ, vậy mà đến đôi tất Chúc Nghiên Thu đi cũng là mẫu ngoại nhập mới nhất.
Mỗi lần Chúc Nghiên Thu đòi tiền, Chúc Tố Nương sẽ gửi tiền cho cậu ta dù ở nhà có phải nhịn ăn nhịn mặc, thắt lưng buộc bụng, sống khổ sống sở. Khổ nhất là Chúc Tố Nương, sinh con mới được năm ngày đã phải rời giường bắt tay vào làm việc.
Chúc Tố Nương không biết Chúc Nghiên Thu có bạn gái học chung trường ở nơi xứ người. Học sinh trong trường cùng tiếp thu tư tưởng mới, tôn trọng yêu đương tự do, trai gái chung trường chung chí hướng rất dễ nảy sinh tình cảm.
Yêu đương, bao bạn bè là thú tiêu khiển vô cùng tốn kém, Chúc Nghiên Thu không còn cách nào khác ngoài việc thường xuyên điện báo về nhà đòi tiền, Chúc Tố Nương cũng cố mà cho.
Ngày 18 tháng 9, Nhật Bản xâm lược Trung Quốc, Chúc Nghiên Thu kiên quyết rời xa người yêu xông pha chiến trường, từ đây viết nên truyền kỳ, trở thành sĩ quan cao cấp. Cô bạn gái Phương Phỉ Phỉ trở thành phóng viên chiến trường, được ngợi ca là nữ anh hùng.
Trong khi ấy, Chúc Tố Nương nơi quê nhà vất vả nhiều năm, cơ thể không còn chịu nổi, chưa đến bốn mươi đã chết trong u uất.
Cho đến tận khi nhắm mắt xuôi tay, Chúc Tố Nương vẫn không hiểu tại sao Chúc Nghiên Thu nói rằng cậu ta tiếp thu tư tưởng mới khai sáng văn minh nhân loại, chỉ chấp nhận chế độ một vợ một chồng. Cô sống với cậu ta từ nhỏ, sinh con cho cậu ta, bọn cô không phải vợ chồng thì là gì?
Chúc Nghiên Thu nói rằng khác tư tưởng, không nói chuyện được với cô. Nhưng Chúc Nghiên Thu có mấy lần nói chuyện được với cô đâu, lần nào mà chẳng chỉ đòi tiền.
Nguyện vọng của Chúc Tố Nương: Không muốn nhọc lòng vì nhà họ Chúc, muốn đưa con trai đi nơi khác tự lo cho cuộc sống.
Chúc Tố Nương không được đi học, không được mặc váy đi giày da đen như Phương Phỉ Phỉ không phải lỗi của cô ấy, vấn đề ở đây là Chúc Nghiên Thu chê bai Chúc Tố Nương.
BẠN ĐANG ĐỌC
Ninh Thư (401-600)
General FictionNinh Thư chết sau mười lăm năm nằm trên giường bệnh đấu tranh với căn bệnh ung thư quái ác. Những tưởng đã thực sự giải thoát bản thân đi về miền cực lạc, thế nhưng vào khoảnh khắc mà linh hồn Ninh Thư trôi nổi trong không trung, lại bất chợt có giọ...