-------------------------------
Một ngày nào đó của năm Quý Tỵ.
Tiết trời bấy giờ đang lúc mùa thu. Gió lành thổi khắp nơi, nắng ấm chiếu rọi đến mấy bụi cỏ mọc thấp lè tè. Chí ít ra thì nó vẫn dễ chịu hơn cái tiết trời nóng oi ả của mùa hè, cũng đỡ hơn cái lạnh đến run cả người của mùa đông - nhất là khi mấy đợt mưa bắt đầu xuất hiện vào tầm cuối năm.
Gọi là mùa đông cho nó sang thế thôi, chứ thật chất chả có tí tuyết rơi xuống, cũng không có đống tuyết trắng xóa, dày cộm. Mà thay vào đó là những cơn mưa rào lướt qua, đậm hơi ẩm của đất và hương mát của cỏ cây.
Lại nói một chút về đại bản doanh mới của Tây Sơn - thành Quy Nhơn. Đấy là một tòa thành kiên cố có tường xây bằng đá ong, trên một dải gò cao. Xung quanh thành có hào sâu bao bọc lấy nên nom nhìn vững chắc lắm. Liệu thế mà đánh thì e là đánh không nổi, cũng có khi là bị phản công lại nữa cơ.
Trước khi quyết định dùng mưu để chiếm thành, chàng cho quân dốc toàn lực đánh chiếm mà không được, ba ngày trời liền vẫn chưa có tí tiến triển nào. Đã thế còn gặp Khắc Tuyên cứng đầu, lão ta cho đóng cửa thành để cố thủ, đành ra không bên nào chịu nhường bên nào. Một khi con người ta bị đẩy đến đường cuối cùng, họ sẽ tung ra chiêu cuối để giành lấy chiến thắng về họ.
Nhờ vậy mới có tin chấn động: Minh chủ Tây Sơn ngồi trong cũi, vờ bị bắt để binh lính khiêng vào trong thành đó. Không phải bị bắt thật đâu, người ta đâu bất cẩn đến thế. Chẳng qua cái kế đó là kế "vào hang cọp bắt cọp con" thôi ấy mà.
Dạo này chàng bận dăm ba chuyện binh chuyện lính lắm, nên không còn gặp chàng thường xuyên nữa. Nào hết đánh trận này đến trận khác, lo từ việc này đến việc nọ. Ngay sau khi chàng chiếm được thành Quy Nhơn xong, việc canh giữ thì giao cho Trần Quang Diệu và các tướng khác, bản thân mình thì tự cầm hai đoàn quân xuống Càng Rang, Nước Ngọt để đánh lấy hai kho lương thực.
Trận ấy tôi không được chứng kiến tận mắt, cũng không được ai kể lại cho, chỉ biết dùng trí nhớ mà tả lại. Rằng khi chàng cùng đoàn quân của mình xuống tận nơi cần đến rồi, thì hai viên quan giữ kho ở đấy là Đốc Trưng Đằng và Khâm Sai Lượng hết sức chống cự. Thuyền nhỏ sao chống nổi gió to, Sai Lượng bị giết, người còn lại thì vội vã tẩu thoát. Lương thực được chở về thành, để dành cho những trận đánh tiếp theo.
Nguy cơ tiềm ẩn của Tây Sơn đến từ hai phía, sẵn sàng dồn lực tiêu diệt một thế lực nhỏ bé này bất cứ lúc nào. Chàng chuyên tâm phòng bị ở mặt Nam, nhưng cũng không quên phòng bị ở phía Bắc. Bèn sai cậu út Nguyễn Lữ cùng Nguyễn Văn Lộc, Võ Văn Cao đi Phú Yên, Diên Khánh và Bình Thuận để thăm dò tình hình, sẵn vận động người dân địa phương nổi dậy hưởng ứng cuộc nam chinh lần này.
Ừm... vế còn lại tôi không nhớ được. Chỉ nhớ mang máng thôi, không rõ lắm. Cứ như một thước phim cũ bị lu mờ, nay chiếu lại chỉ toàn hình ảnh mờ mờ ảo ảo hiện lên trong đầu, có cố cũng không nhớ nổi nội dung nó là gì.
Nhà được ba người thì hết cả ba đều bận đầu tắt mặt tối. Cũng may bên cạnh tôi vẫn còn có Lý Dương để có thể ngồi tán phét dăm ba chuyện khi cần. Không quá chán, cũng không gọi là quá hồ hởi khi được ở một mình. Tôi không đến độ dễ buồn chán đến như vậy, chỉ trừ khi một thứ gì đó cứ lặp đi lặp lại lâu dài miết.
BẠN ĐANG ĐỌC
[Cảm Hứng Lịch Sử] Trở Về Thời Tây Sơn
Historical FictionMột triều đại võ công oai hùng, trải qua hai mươi bốn năm tồn tại, nay sụp đổ dưới chân voi một cách tàn nhẫn. Một cô gái mang hoài bão to lớn, muốn chiêm ngưỡng những trận chiến nằm bất động trên trang sử vàng, nay lại phải đau khổ chứng kiến mọi t...