9 lầm tưởng về trầm cảm

928 32 1
                                    

Hải Đường Tĩnh Nguyệt / Tháng Tư 24, 2017

Trầm cảm là một trong những nguyên nhân dẫn đầu về bệnh tật trên toàn thế giới. Tuy nhiên, có rất nhiều lầm tưởng và quan niệm sai lầm vẫn còn tồn tại. Những người trải nghiệm trầm cảm thường phải đối mặt với thành kiến gắn liền với các rối loạn tâm lý. Để đấu tranh với những thành kiến này, quan trọng nhất là phải biết được những sự thật về trầm cảm.

1.“Trầm cảm không phải rối loạn thực sự”

Có rất nhiều người tin tưởng sai lầm rằng trầm cảm chỉ là buồn bã hay là tính cách yếu đuối. Nhưng thực sự trầm cảm là một dạng rối loạn sức khỏe tâm lý phức tạp. Nó khởi nguồn từ khía cạnh xã hội, tâm lý và sinh lý, và nó có thể được điều trị theo nhiều cách.

Nếu bạn nghĩ bạn đang mắc phải trầm cảm, đừng vội cho rằng đó là bình thường. Thay vào đó, nói chuyện với bác sĩ. Họ có thể giúp bạn tìm kiếm sự trợ giúp mà bạn cần để có thể quản lý tình huống của bạn.

2.“Thuốc chống trầm cảm luôn luôn chữa khỏi trầm cảm”

Trầm cảm có thể chữa trị được. Trong những phương pháp can thiệp khác nhau thì bác sĩ của bạn có thể kê thuốc chống trầm cảm để chữa trị cho bạn. Những loại thuốc này có thể thay đổi các chất hóa học trong não bộ. Chúng giúp giải quyết gốc rễ vấn đề sinh lý có thể góp phần gây ra trầm cảm.

Nhưng với nhiều người, chỉ riêng thuốc chống trầm cảm thì không đủ. Bác sĩ có thể giới thiệu điều trị tâm lý. Tổ hợp thuốc và tư vấn tâm lý là phương thức chữa trị thông thường nhất

3.“Bạn chỉ cần ‘bứt ra khỏi nó’” mà thôi

Không ai chọn trầm cảm. Có nhiều người lầm tưởng rằng trầm cảm xảy ra khi bạn cho phép bản thân đắm chìm trong nỗi buồn. Họ nghĩ rằng trầm cảm có thể chữa khỏi với suy nghĩ tích cực hay thay đổi thái độ.

Thực tế thì trầm cảm không phải là dấu hiệu bản thân yếu đuối, đáng thương hay lười biếng. Đó là một tình trạng y tế với các chất hóa học trong não bộ, chức năng và  cấu trúc bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các yếu tố môi trường và sinh lý. Nếu bạn nghĩ mình đang trải nghiệm nó thì nên làm hẹn với bác sĩ.

4.“Nó xảy ra vì một tình huống đáng buồn”

Mỗi người đều từng trải nghiệm qua suy nghĩ buồn bã hoặc không vui. Ví dụ như bạn có thể cảm thấy đau thương sau cái chết của người thân hay khi một mối quan hệ kết thúc. Sự kiện như thế có thể làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm. Nhưng sự kiện tiêu cực không phải lúc nào cũng gây ra trầm cảm.

Trầm cảm có thể gây ra khoảng thời gian tuyệt vọng, buồn bã và thẫn thờ không thể giải thích được. Bạn cũng có thể trải nghiệm xu hướng tự tử. Những giai đoạn này có thể kéo dài. Chúng có thể bỗng dưng trỗi dậy và không có lý do gì cả, ngay cả khi cuộc sống của bạn có vẻ ổn.

5.“Nếu ba mẹ bạn mắc trầm cảm, thì bạn cũng vậy”

Nếu gia đình bạn có tiền sử mắc trầm cảm thì bạn có khả năng mắc trầm cảm cao hơn những người khác. Nhưng các chuyên gia không chắc chắn về mức độ ảnh hưởng của di truyền trong viêc xác định nguy cơ mắc trầm cảm. Chỉ vì ba mẹ hay người thân trong gia đình bạn mắc trầm cảm, không có nghĩa rằng bạn cũng sẽ mắc bệnh.

Chú ý đến tiền sử bệnh lý gia đình là một điều tốt. Nhưng cố gắng đừng lo lắng quá mức về các yếu tố nguy cơ mà bạn chẳng thể khống chế được. Thay vào đó chú trọng những yếu tố mà bạn có thể quản lý. Ví dụ tránh lạm dụng cồn hay thuốc để giúp hạ thấp nguy cơ mắc trầm cảm.

6.“Thuốc chống trầm cảm sẽ làm thay đổi tính cách bạn”

Thuốc chống trầm cảm thay đổi các chất hóa học trong não. Điều này nghe có vẻ đáng sợ. Bạn có thể lo lắng rằng bạn sẽ cảm thấy bản thân như một người hoàn toàn khác khi bạn dùng chúng.

Việc nhận ra thuốc chống trầm cảm được dùng để thay đổi một số chất hóa học trong não bộ rất có ích. Chúng có thể giúp làm giảm các triệu chứng trầm cảm mà không thay đổi tính cách bạn. Sau khi dùng chúng, có rất nhiều người mắc trầm cảm bắt đầu cảm thấy là chính mình. Nếu bạn không thích cảm giác sau khi dùng thuốc chống trầm cảm, hãy nói chuyện với bác sĩ về những lựa chọn chữa trị khác.

7.“Bạn phải dùng thuốc chống trầm cảm cả đời”

Thuốc chống trầm cảm cung cấp phương thức chữa trị lâu dài với nhiều người mắc trầm cảm. Nhưng khoảng thời gian dùng thuốc có thể khác nhau dựa trên mức độ nặng nhẹ của tình trạng và phác đồ điều trị của bạn.

Bạn có thể không cần dùng thuốc chống trầm cảm cả đời. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ có thể giới thiệu bạn thử điều trị tâm lý chung với dùng thuốc. Điều trị tâm lý có thể giúp bạn học những cách đối phó với các thử thách trong cuộc sống và làm giảm lượng thuốc bạn cần dùng qua một thời gian. Với nhiều trường hợp khác, dùng thuốc chống trầm cảm trong một thời gian dài có thể là sự lựa chọn tốt nhất cho bạn.

8."Trầm cảm chỉ xảy ra ở phụ nữ”

Vì những áp lực trong xã hội mà đa phần nam giới không cảm thấy thoải mái khi nói về những cảm xúc của họ hay xin trợ giúp. Và hệ quả là có nhiều người lầm tưởng trầm cảm là rối loạn tâm lý chỉ xảy ra ở  nữ giới.

Điều này là sai lầm. Nữ giới thường báo cáo những triệu chứng phổ biến của trầm cảm nhưng rối loạn này cũng ảnh hưởng tới nam giới. Thực tế, nó có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng ở nam giới. Họ thường tự tử hơn phụ nữ. Đây là lý do vì sao xin trợ giúp rất quan trọng.

9.“Nói về trầm cảm chỉ làm nó tệ thêm”

Lầm tưởng thường thấy nhất là nói về trầm cảm chỉ làm tăng thêm cảm xúc sụp đổ và giữ bạn trong vòng suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống. Nhưng với nhiều người, một mình với suy nghĩ trầm cảm thường gây hại nhiều hơn tống nó ra ngoài.

Nói chuyện với một người lắng nghe, không phán xét và đáng tin cậy có thể giúp đỡ rất nhiều. Người thân của bạn có thể sẳn lòng lắng nghe. Nhưng trong nhiều trường hợp thì chuyên viên tư vấn tâm lý có bằng cấp có thể giúp bạn có được sự trợ giúp mà bạn cần.

________

Tác giả: Eloise Porter

Dịch: Hải Đường Tĩnh Nguyệt

Nguồn: http://www.healthline.com/health-slideshow/9-myths-depression#promoSlide

Link:
https://beautifulmindvn.com/2017/04/24/9-lam-tuong-ve-tram-cam/

Depression (Trầm cảm) Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ