dahlia1511 / Tháng Năm 19, 2017
Tôi có thể nói cả ngày về những nghiên cứu cho thấy việc miệt thị cơ thể phụ nữ (body shaming) có liên quan tới hàng loạt hệ quả không tốt. Khi tôi nói với mọi người rằng miệt thị cơ thể có liên quan tới rối loạn ăn uống, trầm cảm, lo âu, và rối loạn chức năng tình dục, hầu hết mọi người đều tin. Rất nhiều người – cả nam lẫn nữ – biết được nỗi đau của việc nhìn vào gương và cảm thấy khổ sở với những gì mình thấy. Họ cảm nhận được tác động đó. Thế nhưng gần như lần nào trình bày về vấn đề này tôi cũng nghe được một nhận xét nào đó như thế này:
“Nếu bạn thừa cân, có thể việc bạn biết xấu hổ là một điều tốt. Chẳng phải miệt thị cơ thể sẽ giúp bạn giảm cân và trở nên khoẻ mạnh hơn?”
Những người khác thì thẳng thừng hơn. Họ hỏi những câu như, “Bạn không nghĩ là miệt thị cơ thể có thể giúp chống lại nạn béo phì à?” hay, “Không phải bạn đang động viên người khác sống thiếu lành mạnh à?”
Câu trả lời của tôi cho tất cả những câu hỏi đó là: Không.
Không có chứng cứ nào cho thấy việc khuyến khích miệt thị cơ thể người khác là một cách hữu hiệu duy trì cân nặng hợp lý hay giúp họ đưa ra những quyết định lành mạnh. Thay vào đó, cảm giác xấu hổ khiến bạn muốn chạy trốn khỏi thế giới và gặm nhấm vết thương của mình. Hoặc bạn sẽ làm nhẹ nỗi đau bằng đồ ăn vặt nhiều đường hay muối ưa thích. Sự hổ thẹn làm bạn muốn rút lui khỏi những hoạt động quan trọng và những mối quan hệ cần thiết với người khác. Sự hổ thẹn có thể là một mối đe doạ đối với sức khoẻ thể chất và tâm lý của bạn.
Một trong những những người phụ nữ mà tôi phỏng vấn cho cuốn sách của mình, Beauty Sick, chỉ ra rằng định kiến với người béo đã ngăn cản cô ấy đạt được các mục tiêu khoẻ mạnh như thế nào. Cô giải thích, “Mọi người muốn bạn gầy, và từ đó xuất hiện ý nghĩ là mọi người muốn bạn tập thể dục. Thế nhưng khi bạn tới một lớp thể dục, bạn cảm thấy xấu hổ và mọi người chẳng tỏ ra ủng hộ. Bạn biết đó, có những tiếng xì xào và tiếng cười khúc khích và thật không thoải mái chút nào.” Trải nghiệm của cô ấy rất phù hợp với nghiên cứu về vấn đề này.
Trên thực tế, một nghiên cứu đã tìm ra rằng những người cảm thấy bị kỳ thị về cân nặng cơ thể có nhiều khả năng sẽ chủ động tránh việc tập thể dục. Việc miệt thị cơ thể có thể cản trở hoạt động thể chất không chỉ giới hạn ở người lớn. Một nghiên cứu ở trẻ lớp 5 tới lớp 8 cho thấy những trẻ bị gia đình và bạn bè chỉ trích cân nặng sẽ ít hứng thú hơn với thể thao và các hoạt động thể chất khác.
Khi cảm thấy xấu hổ về cơ thể mình, bạn không có động lực để lắng nghe những mong muốn của cơ thể hay cho cơ thể điều nó cần. Thay vào đó, cảm giác hổ thẹn thường dẫn đến những thói quen ăn uống không lành mạnh. Một người phụ nữ khác tôi phỏng vấn cho cuốn Beauty Sickcho rằng miệt thị cơ thể là “cách tồi tệ nhất để cố gắng giảm cân.” Cô ấy giải thích, “Khi thấy xấu hổ và trầm uất, bạn sẽ không muốn ra khỏi giường, không muốn đi dạo, và cũng sẽ chẳng muốn ăn ngũ cốc với việt quất. Bạn đến cửa hàng Dunkin’ Donuts vì cảm thấy chẳng có hy vọng [thay đổi].”
Bất kể kích thước thực tế của cơ thể ở mức độ nào, những người cảm thấy thường xuyên bị đối xử không tốt vì cân nặng nói rằng họ thường ăn nhiều hơn. Một lần nữa, kết quả này không chỉ xuất hiện ở người lớn. Một nghiên cứu khác trên vài ngàn trẻ vị thành niên Mỹ tìm ra rằng những người thường xuyên bị trêu chọc về cân nặng nhất nhiều khả năng sẽ có hành vi ăn uống vô độ.
Trong một nghiên cứu thử nghiệm, những người phụ nữ thừa cân và béo phì được chỉ định xem một video trung tính (chiếu những thứ như các đoạn quảng cáo bảo hiểm chán ngắt) hoặc xem một video chiếu cảnh những phụ nữ béo phì bị chế nhạo về cân nặng hoặc bị phân biệt đối xử vì cân nặng. Sau đó, những người phụ nữ này được yêu cầu hoàn thành các bảng câu hỏi, và được đưa cho một bát các đồ ăn vặt chứa nhiều calorie mà họ có thể ăn trong khi làm khảo sát. Những người phụ nữ thừa cân được xem đoạn video kỳ thị hấp thụ lượng calorie nhiều gấp ba lần những người xem đoạn video trung tính.
Những người ủng hộ việc miệt thị người béo thường tin rằng sự hổ thẹn là một nguyên liệu thần kỳ khiến cho việc ăn kiêng bỗng nhiên dễ dàng và việc giảm cân sẽ được duy trì. Thay vào đó, sự thật thường là nỗi buồn mà hành vi miệt thị cơ thể để lại sẽ thúc đẩy những hành vi như ăn uống vô độ.
Cuối cùng, cảm thấy hổ thẹn về cơ thể mình sẽ khiến chúng ta khó mà chăm sóc nó tốt hơn. Chăm sóc những gì mà chúng ta ghét thì rất khó. Nếu hy vọng có thể tạo nên những thay đổi lành mạnh để chăm sóc cơ thể tốt hơn, hãy bắt đầu bằng cách coi cơ thể là ngôi nhà thay vì là kẻ thù của bạn. Nghĩ về cơ thể mình như cách bạn nghĩ về những người mình yêu thương: không hoàn hảo, nhưng có giá trị cố hữu, và xứng đáng được đối xử bằng phẩm giá và sự tôn trọng.
Dịch: Dahlia Nguyen
Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Nguồn: Psychology Today
*link:
https://beautifulmindvn.com/2017/05/19/miet-thi-co-the-khong-phai-la-mot-ke-hoach-an-kieng/
BẠN ĐANG ĐỌC
Depression (Trầm cảm)
RandomKhông có gì để nói ==" Chỉ là cái này cũng là copy --' Vẫn chưa có sự đồng ý của tác giả và người dịch. Mong các bạn thông cảm