Khi bác sĩ tâm thần (psychiatrist) không thể giúp tôi được nữa

188 3 0
                                    

linkid / Tháng Năm 9, 2017

Lời người biên tập: Với những người rối loạn tâm lý, việc phục hồi và chữa trị là một khoảng thời gian vô cùng dài và khó khăn. Tuy nhiên, tôi tin rằng ai cũng sẽ có thời điểm hồi phục riêng của mình. Cá nhân tôi mất rất nhiều năm để có thể hồi phục, và thi thoảng có những thời điểm, những tác động từ bên ngoài vẫn khiến bản thân tôi rơi xuống đáy một lần nữa. Thế nhưng, tôi biết điều này chỉ là tạm thời. Việc tìm cho mình một phương thuốc và bác sĩ phù hợp cũng là một điều quan trọng. Trên hết, chúng ta phải có niềm tin vào khả năng hồi phục và tự chữa lành ở bản thân mình.

Tôi đã đến gặp một bác sĩ tâm thần được gần hai tuần. Chị ấy là người mà tôi không thấy được sự cảm thông, từ bi hay ấm áp ở đó.

Tôi nhận thấy điều này ngay trong buổi gặp đầu tiên, và đây đáng ra phải là tín hiệu để tôi đổi bác sĩ, nhưng nói thật, lúc ấy tôi không quan tâm đến điều đó. Tôi đoán tất cả các bác sĩ đều sẽ như thế này.

Giữa tháng 12, tôi chủ động đến bệnh viện tâm thần vì có hành vi tự tử. Sau khi nằm viện 2 tháng, tôi được yêu cầu gặp bác sĩ tâm thần của mình để chắc chắn rằng tôi vẫn uống thuốc.

Như thường lệ, tôi rất lo lắng khi nói với cô ấy rằng tôi đã ở viện. Bất kể lúc nào tôi nói với cô ấy về việc tái phát của bệnh, dù là tự làm tổn thương bản thân, có ý nghĩ tự tử hay có một yêu cầu khác của bệnh viện, cảm giác về buổi gặp luôn tệ hơn lúc tôi đến.

Những dòng suy nghĩ của tôi đua nhau đến khi ngồi ở ngoài hành lang. Làm thế nào tôi có thể diễn tả được nó nhỉ? Tôi nên dùng tông giọng nào đây? Lần này cô ấy sẽ phản ứng thế nào?

Sau khi chờ được 15 phút, tôi được gọi tên và theo lễ tân vào văn phòng bác sĩ. Trong lúc chờ cô ấy vào, tôi đã hình dung ra những phản ứng mà cô ấy có thể có với những gì mà tôi sắp kể cho cô ấy đây.

Cuối cùng thì cô ấy cũng bước vào và ngồi vào bàn. Tôi đưa cho cô ấy giấy ra viện. Cô ấy hỏi lí do tôi ở viện nên tôi nói với cô ấy về chuyện tôi có hành vi tự tử.

Cô ấy lắc đầu và hỏi: “Andrea, em đã nhập viện bao nhiêu lần rồi?” Tôi rất ngại khi phải nói cho ai đấy về số lần nhập viện của mình. Tôi thấy xấu hổ về chuyện đó. “Khoảng 4 lần ạ”, tôi đã nói dối.

“Phải nhiều hơn thế”. Biết đấy là sự thật, tôi im lặng.

Một vài phút trôi qua và cô ấy nhìn lướt qua tờ giấy xuất viện, trong khi tôi kiên nhẫn đợi cô ấy nói gì đó và viết đơn thuốc để tôi có thể đi.

Cô ấy đưa trả lại tôi tờ giấy và nói: “Chị không thể giúp được em nữa, Andrea. Không có gì chị làm có thể giúp được em nữa. Chị sẽ bổ sung lượng thuốc cho em, nhưng chỉ là tạm thời thôi cho đến khi em trở lại bệnh viện.”

Ối. Tôi thất vọng, và sốc. Phải mất rất lâu tôi mới kiềm chế lại được để không khóc. Tôi lặng đi, không biết phải phản ứng thế nào.

Cô ấy gửi trả lại giấy xuất viện cho tôi và tôi rời văn phòng, đi đến cửa thanh toán. Cô bác sĩ theo sau tôi và nói với lễ tân rằng tôi sẽ không sắp xếp một buổi hẹn nào với cô ấy nữa. Tôi không nói gì với cô ấy. Ngay khi vừa bước chân ra khỏi cửa, tôi khóc hết nước mắt mà nãy giờ tôi kìm nén.

Nghĩ lại, đáng lẽ tôi nên nói gì đó với cô ấy. Bất kì thứ gì ngoại trừ im lặng cũng là phản ứng tốt, nhưng tôi đã bị sốc. Tôi không biết phải làm gì.

Tôi thật sự thấy chán nản và tê liệt suốt tuần sau đó. Ngày nào tôi cũng ở trên giường, tự hỏi cuộc sống của mình có gì đáng giá. Tôi muốn dừng việc thuốc men lại vì câu nói của cô ấy. Tại sao tôi lại muốn mình khỏe hơn khi mà một chuyên gia đã không còn hy vọng gì ở tôi?

Tôi nhận được một bức thư từ cô ấy ngày hôm sau. Nó chỉ là một bức thư bình thường nói rằng tôi cần tìm một bác sĩ khác vì cô ấy không thể giúp gì được cho tôi nữa.

Sau khi đọc xong, tôi nhận ra rằng tôi không thể để 1 con người trong số 7 tỉ người trên thế giới nói rằng tôi không thể khá hơn. Đó là suy nghĩ của cô ấy và tôi cũng có của riêng mình.

Phục hồi không phải là chuyện dễ dàng, nó không phải là tàu lượn siêu tốc chỉ có thể đi lên. Chúng tôi không chỉ phải uống thuốc hay là có phương pháp trị liệu để có thể cảm thấy khá hơn suốt quãng đời còn lại. Tàu lượn thì cũng phải có lúc đi xuống mà.

Tôi đang trong thời gian tìm một bác sĩ tâm thần mới. Một ai đấy biết cảm thông, từ bi và nhân ái. Ai đấy biết rằng một lộ trình không chỉ đi lên, nhưng khi ta rơi xuống luôn có điều gì đó tốt đẹp xuất hiện từ đó.

Nguồn: https://themighty.com/2017/03/psychiatrist-said-they-couldnt-help-me-suicide-depression/

Dịch: Hà Diệu Linh

Biên tập: Khánh Linh

*link:
https://beautifulmindvn.com/2017/05/09/khi-bac-si-tam-than-psychiatrist-khong-the-giup-toi-duoc-nua/

Depression (Trầm cảm) Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ