Phòng chống tự sát: Làm thế nào để giúp đỡ người có ý định tự tử

256 7 8
                                    

linkid / Tháng Sáu 11, 2015

(Cảnh báo: Bài viết có nhắc đến một số chủ đề nhạy cảm như tự sát và các chứng rối loạn tâm lý. Cần cân nhắc trước khi đọc và hãy tự chăm sóc bản thân mình!)

Người đang có ý muốn tự vẫn có thể không cầu xin sự giúp đỡ, nhưng không có nghĩa họ không muốn được giúp đỡ. Hầu hết những người tự tử không muốn chết – họ chỉ không muốn phải khổ sở nữa mà thôi. Phòng chống tự sát bắt đầu bằng việc nhận biết những dấu hiệu cảnh báo và tầm quan trọng của chúng. Nếu bạn nghĩ người thân hay bạn bè của mình đang có ý định tự vẫn, có thể bạn sẽ ngại không muốn nhắc đến chuyện đó. Nhưng việc nói chuyện một cách thẳng thắn về những cảm xúc và ý muốn tự sát có thể cứu được người.

Hiểu về tự sát và phòng chống tự tử

Tổ chức Y tế Thế giới ước tính có khoảng 1 triệu người chết mỗi năm vì tự tử. Cái gì đã khiến nhiều người tự lấy đi mạng sống của mình như vậy? Đối với những người không bị trầm cảm hay tuyệt vọng, thật khó để hiểu được nguyên do. Nhưng một người với ý định tự vẫn thường đau khổ đến mức họ không thể thấy một lựa chọn nào khác. Tự tử là một nỗ lực trong tuyệt vọng nhằm trốn tránh nỗi đau đã trở nên quá mức chịu đựng. Mù quáng trong nỗi hận thù bản thân, sự tuyệt vọng và cô lập, họ không thể thấy biện pháp giải toả nào ngoài cái chết. Nhưng cho dù họ muốn nỗi đau chấm dứt, hầu hết những người đang có ý định tự sát thường cảm thấy mâu thuẫn sâu sắc về việc tự kết thúc cuộc đời mình. Họ mong ước có một giải pháp khác ngoài việc tự tử, nhưng họ không thể tìm được nó.

Những ngộ nhận về tự sát

SAI: Những người nhắc tới việc tự tử sẽ chẳng làm vậy đâu.

Hầu hết những người tự tử hoặc tự tử không thành đều đưa ra gợi ý hoặc cảnh báo nào đó. Đừng bỏ qua những lời đe doạ tự sát. Những tuyên bố như “các người sẽ hối tiếc khi tôi chết đi,” “tôi không thể tìm thấy lối thoát,” – kể cả khi nói với giọng đùa cợt vẫn có thể biểu lộ những cảm xúc muốn tự tử rất nghiêm túc.

SAI: Bất cứ ai cố gắng tự kết liễu đời mình đều bị điên.

Hầu hết những người có ý muốn tự vẫn không hề bị điên hay tâm thần gì cả. Họ hẳn đã rất khổ sở, đau buồn, chán nản hoặc vô vọng, nhưng những nỗi đau tinh thần và phiền muộn cùng cực không nhất thiết phải là dấu hiệu của bệnh tâm thần.

SAI: Nếu một người đã quyết tâm tự sát rồi thì chẳng có gì ngăn họ lại được đâu.

Ngay cả những người bị trầm cảm nặng nhất cũng có những cảm xúc trái chiều về cái chết, lưỡng lự đến giây phút cuối cùng giữa việc muốn sống hay muốn chết. Phần lớn những người có ý định tự tử không hề muốn chết; họ chỉ không muốn đau đớn nữa mà thôi. Động lực để chấm dứt tất cả, dù có mạnh mẽ đến đâu, cũng không kéo dài mãi mãi được.

SAI: Những người tự sát là những người không muốn tìm kiếm sự giúp đỡ.

Những nghiên cứu về nạn nhân của nạn tự tử đã chỉ ra hơn nửa số họ đã tìm kiếm hỗ trợ y tế trong vòng 6 tháng trước khi mất.

Depression (Trầm cảm) Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ