linkid / Tháng Một 16, 2017
Lời người biên tập: Dưới đây là bức thư của một phụ huynh giấu tên gửi về hòm thư của Beautiful Mind VN để chia sẻ về những suy nghĩ, trăn trở của mình trong việc chữa bệnh tâm lý cho con. Suốt hàng bao nhiêu năm đằng đẵng đau khổ và áp lực với việc lo chạy chữa cho con, sự cố gắng và tình yêu thương vô điều kiện ấy đã được đền đáp. Đó cũng là một trải nghiệm để họ hiểu nhau và yêu thương nhau nhiều hơn. Chúng tôi mong rằng, sẽ có càng nhiều phụ huynh có thể lắng nghe, chăm sóc và yêu thương con mình, hiểu con mình hơn. Vì chỉ có như vậy, thì các em, các cháu mới có thể khỏi bệnh một cách nhanh nhất. Tình yêu thương là một trong những phương thức hiệu quả nhất – bên cạnh trị liệu tâm lý và thuốc men, trong việc điều trị các rối loạn tâm lý – tâm thần.
Khi con bạn bị chẩn đoán trầm cảm bạn sẽ thấy thế nào: đau khổ, giận giữ, buồn chán, bất lực hay lo lắng, cuống cuồng tìm cách cứu con? Con tôi, các bạn ạ, tôi thật sự vui mừng khi nghe ông bác sĩ người Singapore chúc mừng gia đình: “Con của anh chị chỉ bị trầm cảm mức độ vừa”. Ông ý nói: “Tâm thần phân liệt chúng tôi cũng chữa, rối loạn cảm xúc lưỡng cực chúng tôi cũng chữa, nhưng con các bạn chỉ bị trầm cảm ở mức không quá nặng vì có thể chữa khỏi, tiên lượng tốt”. Tôi mừng, vì hơn 1 năm trước, con tôi được các bác sĩ Việt Nam chẩn đoán tâm thần phân liệt với đơn thuốc mỗi ngày vài chục viên thuốc các loại. Cháu kiên nhẫn uống, vì “mẹ ơi, con muốn khỏi bệnh”. Rồi tăng cân, cháu tăng đến 20kg so với trước, rồi ngày càng cáu giận, ngày càng lo lắng, trừ những lúc đờ đẫn, mệt mỏi vì thuốc… Tôi biết ơn ông tư vấn tâm lý người Mỹ đã kiên trì thuyết phục gia đình cho con sang Singapore hoặc Thái để hội chẩn thêm bác sĩ nước ngoài, vì “tôi nghĩ con ông bà cần phải được chẩn đoán thêm do các chuyên gia”.
Một năm nữa trôi qua từ sau khi gặp bác sĩ người Singapore. Cháu đã bỏ được thuốc, giảm 20kg, dành ít nhất 2h mỗi ngày để tập thể thao, nói chuyện trở lại và bày tỏ tình cảm, yêu thương, giúp đỡ bố mẹ, mọi người xung quanh. Cháu lại tính toán chuyện đi học lại, nhận dạy thêm tiếng Anh cho các em… Vậy là hơn 2 năm qua, từ lúc mặt đất dưới chân nứt ra và bầu trời trên đầu sụp xuống khi nhận bản án: “con anh chị mắc tâm thần phân liệt”, tôi đã nhìn thấy lại bầu trời, mặt đất dưới chân cũng đã được hàn gắn lại. Và, tôi có một thông điệp muốn gửi các gia đình có con em chẳng may gặp khó khăn, chẳng may vướng phải những “bản án” tương tự, rằng hãy kiên cường và hãy có niềm tin vào con em mình. Tôi biết, vì chính bản thân đã trải qua, những tổn thương cả thể chất và tinh thần do con, đứa con mình dứt ruột để ra, mang đến; những lo lắng, ức chế, mất ngủ triền miên; những cơn đau thắt ngực trước những hành vi bột phát, thiếu kiểm soát của con; những giọt nước mắt phải che giấu tất cả mọi người, nhất là giấu con, trước những lời buộc tội trong cơn cáu giận của nó… Nhưng mà tôi tin, tôi có một niềm tin sắt đá rằng một ngày con tôi sẽ khỏi bệnh. Tôi tin rằng, dù tế bào thần kinh không sinh sản để thay thế như các tế bào khác của cơ thể, thì cơ chế hoạt động của não bộ vẫn có khả năng lấy lại cân bằng, nhất là ở các ngưỡng phát triển: qua tuổi dậy thì, tới tuổi trưởng thành, tới tuổi trung niên.., hay khi gặp một số biến cố lớn, kiểu “trong mọi rủi ro luôn có điều gì đó may mắn”! Tôi vẫn kiên trì cùng con giữ chế độ tập luyện thể thao; cùng con kiểm soát chế độ ăn cân bằng về chất, giảm thịt, giảm béo, tăng vitamin, khoáng chất trong khẩu phần ăn và nhất là đảm bảo giấc ngủ, ít nhất là ngủ đủ 7 tới 8 tiếng mỗi ngày. Tôi biết con tôi là một thanh niên dũng cảm. Cháu kiên cường đấu tranh với bệnh tật, muốn khỏi bệnh bằng nỗ lực của bản thân. Cháu còn chưa đầu hàng thì tại sao tôi lại có quyền nhu nhược?! Tôi tự nhủ rằng, nếu cháu mắc phải một căn bệnh hiểm nghèo nào đó khác, ai mà biết được, liệu tôi có bớt đau khổ hơn không?!
Vậy thì, chịu đựng thêm một chút, kiên trì thêm vài ngày, vài tuần, vài tháng, hay cứ cho là vài năm, vài chục năm đi nữa, mà hằng ngày vẫn nhìn thấy con ổn thỏa bên cạnh thì còn là sung sướng chán so với biết bao bố mẹ chỉ mong được thêm một lần nắm tay con, thêm một lần ôm lấy con vào lòng, hay thèm đến chết một tiếng con gọi mẹ! Và, chỉ xin các bậc làm cha mẹ, hãy lắng nghe và tin tưởng con mình! Khi chúng nói rằng chúng có vấn đề, nghĩa là chúng thực sự đau khổ, thực sự cần chúng ta giúp đỡ. Thậm chí, nếu chúng không nói ra được, mà đóng kín cửa, khóa trái mình trong phòng, khóc lóc không ngừng, lên án cha mẹ, hay ngược lại tự lên án bản thân chúng, hay đòi tự tử… thì chẳng phải chúng “làm màu” gì đâu, mà chúng đang kêu cứu! Trước mắt các bậc cha mẹ có con đau ốm về tinh thần là một quãng đường dài và đau khổ. Tôi cho rằng, nếu không có sự chuẩn bị về tinh thần, chúng ta cũng có thể sẽ gục ngã đâu đó trên đoạn đường ấy, mà rất có thể là ngay trước vạch đích cũng nên! Cho nên, để chăm sóc được tốt cho con, các bạn phải chăm sóc tốt cho bản thân mình trước đã. Hãy uống thêm vitamin mỗi ngày, hãy luyện tập một môn thể thao nào đó, dù là thiền, bơi lội, cầu lông, tenis, bóng bàn.., hãy ngủ đủ và giữ cân bằng cho bộ não của chính mình trước đã nhé! Và hãy chia sẻ, đừng xấu hổ nếu bạn có một đứa con bị ốm. Đó không phải là nghiệp chướng của bạn đâu, chẳng phải lỗi lầm do các hành vi xấu xa hay do kiếp trước mang lại. Con bạn ốm, đó là một tai nạn, mà bạn cần cố gắng, quyết tâm để cùng con vượt qua! Bạn nhất định phải gặp bác sĩ, và nếu được, cần tư vấn tâm lý.
Bản thân tôi là nhà tâm lý học trị liệu, tôi có nhiều ca bệnh của các cháu đã khỏi sau khi cha mẹ cải thiện sự lo lắng thái quá của bản thân, tự lấy cân bằng, quan tâm, dành thời gian tâm sự với con, chịu mang con đi khám bác sĩ và tuân thủ chế độ chữa bệnh. Bạn cũng nhất thiết phải tìm thấy chỗ dựa về vật chất và tinh thần! Hãy vì con, bỏ qua những hiềm khích nếu có, hãy nhờ họ hàng, gia đình giúp thêm một tay. Trong cuộc đấu tranh với bệnh tật này, nếu bạn cô đơn, bạn sẽ ít có cơ hội thắng trận. Hơn nữa, bạn phải dự liệu là thuộc men khá đắt, lại phải đảm bảo chữa bệnh liên tục, không tự ý cắt thuốc, cho nên, bạn phải thẳng thắn trao đổi với bác sĩ về khả năng tài chính, cân nhắc loại thuốc và số lượng để được chữa bệnh, đồng thời đủ khả năng theo đuổi việc chữa trị trong thời gian dài, cứ cho là 5, 10 năm đi. Hãy yêu con mình nhiều hơn nha bạn. Chỉ có tình yêu vô điều kiện của cha mẹ mới giúp được chúng thôi!
*Link:
https://beautifulmindvn.com/2017/01/16/viet-cho-nhung-nguoi-lam-cha-lam-me-trong-cuoc-chien-chong-lai-roi-loan-tam-ly/
BẠN ĐANG ĐỌC
Depression (Trầm cảm)
RandomKhông có gì để nói ==" Chỉ là cái này cũng là copy --' Vẫn chưa có sự đồng ý của tác giả và người dịch. Mong các bạn thông cảm