Chương 2
Nằm giữa bầu không khí yên ắng, Lan chỉ nghe được tiếng dế kêu văng vẳng đâu đó và chỉ nhìn thấy một tấm màn đen của không gian đang bao trùm lấy cô. Cuộn mình trong chiếc chăn ấm áp đang khi quạt trần mở to hết cỡ, Lan giờ mới lật tới lật lui những lời nói khi nãy của bố.
Về Việt Nam… Việt Nam... là về Việt Nam sinh sống và học tập một năm lận đó! Chỉ trong một khắc nghĩ ngợi ngắn ngủi thế thôi, Lan muốn ngất lịm đi vì sung sướng! Bố mẹ lo lắng Lan sẽ không đồng ý, không chịu về Việt Nam chung với bố mẹ. Nhưng bố mẹ nào có biết Lan thương nhớ “nơi chôn nhau cắn rốn” ấy da diết bao nhiêu. Khi bố hỏi ý kiến của Lan, Lan phải kìm chế lắm mới không nhảy cẫng lên như một chú kangaroo láu lỉnh. Những lời thoát ra từ miệng cô đã được “uốn lưỡi bảy lần” rồi mới không lộ vẻ nôn nao và bồn chồn vì vui sướng cứ như một cơn sóng nhẹ mỗi lúc một dâng lên trong cô. Giờ nằm trong căn phòng nhỏ bé của mình, cô hầu như bị nỗi vui mừng “đánh cho nốc ao”. Cô để cho đầu óc mình bay lơ lửng và nô đùa cùng bao ý nghĩ về cái “hot news” cô mới được biết.
Ra đi trong sự hồn nhiên của tuổi thơ, Lan tưởng gia đình chỉ đi nghỉ mát hoặc là đi dã ngoại như bao lần khác thôi. Thật không thể ngờ đó lại là lần cuối cùng Lan nhìn thấy mái nhà thân thương nơi mình đã lớn lên trong suốt mười năm; lần cuối Lan đi ngang qua ngôi trường tiểu học còn vang những tiếng trống vào học liên hồi; lần cuối Lan thấy được công trình Nhà Thờ Đức Bà lộng lẫy; lần cuối Lan được ăn đĩa cơm tấm của cô Hương đầu ngõ mỗi buổi sớm mai; lần cuối Lan và các bạn cùng xóm chơi nhảy dây, cá sấu lên bờ, và chơi keng vào mỗi khi trời chập choạng tối... lần cuối, lần cuối, biết bao nhiêu cái lần cuối trong Lan chợt thi nhau ùa về, chen chúc vào bộ nhớ của cô lúc này.
Ôi, Lan đã rất mong có được ngày về thăm lại Việt Nam dù chỉ một lần, dù chỉ được về trong khoảng thời gian ngắn ngủi. Nhưng rồi công việc của bố ngày càng bận rộn, chăm lo cho công ty mới ở Mỹ, bố mẹ Lan rồi cũng gác những nỗi nhớ nhung Việt Nam vào một góc trong trái tim họ. Những lần hẹn về thăm Việt Nam lại cứ phải dời lại vì lịch làm việc dày đặc của bố. Lan chỉ biết âm thầm gặm nhấm nỗi nhớ quê hương da diết của mình và luôn thầm mong sẽ được gặp lại nơi yêu dấu đó trong một ngày gần nhất.
Thỏa mãn nỗi nhớ Sài Gòn chỉ là một phần của sự vui sướng Lan đang hết lòng thưởng thức thôi. Còn cái phần lớn nhất, to nhất, và hào hứng nhất là những suy nghĩ về tuổi học trò mà Lan luôn luôn phải ganh tị với những người bạn đồng trang lứa với mình đang được hưởng bên Việt Nam. Nào là tà áo dài trắng, những cành phượng vĩ đỏ chói, những mối tình đầu thơ mộng; nào là những trò đùa tinh nghịch của các cô cậu học trò bày ra cho thầy cô giáo hoặc cho các bạn cùng lớp, các buổi họp nhóm vui nhộn, các chuyến dã ngoại thật tưng bừng; nào là các tiết học dài đằng đẵng, các buổi văn nghệ, các tổ chức hoạt động trường lớp trong các dịp lễ lớn...Ôi chao ơi, Lan thích thú thì thào.
Tất cả các điều trên, mơ thôi Lan cũng không dám nghĩ là chúng sẽ biến thành sự thực. Coi các bộ phim, đọc các tập truyện của những tác giả Lan yêu thích như Nguyễn Nhật Ánh, nghe các bài hát, đọc các trang confessions, và chia sẻ cùng với các bạn Lan còn giữ liên lạc được từ Việt Nam về đề tài “thứ ba học trò” này, Lan thèm được sống những ngày tháng “ngồi trên ghế nhà trường” biết bao. Woah, chào cô nữ sinh Phong Lan! Trong vòng một năm, Lan sẽ là cô nữ sinh thướt tha trong bộ áo dài trắng cắp sách đến trường. Thật là tuyệt vời!
Cứ thế đấy, Lan dìm mình và ngụp lặn trong những ký ức tươi tắn đó mà không biết mặt trời đã thức giấc tự bao giờ. Giật mình bị tia nắng xóa tan những ý nghĩ sôi nổi kia, Lan bước xuống giường đi lại phía cánh cửa sổ và đẩy nhẹ. Cô vươn vai, hít một hơi thật sâu để cho căng lồng ngực và thở ra nhè nhẹ. Đang yên tĩnh đón lấy những luồng không khí trong lành nhất của buổi sớm mai, Lan bỗng giật mình. Cô đứng lặng người nhìn về phía bên kia của cánh cửa sổ với một vẻ tò mò. Dường như có người đang đứng tựa lưng nhìn về phía Lan, chẳng biết từ khi nào nữa.
BẠN ĐANG ĐỌC
Như một giấc mơ
De TodoNgày...tháng...năm... Cô bé ấy lại xuất hiện. Lần này lại vào học trúng ngay lớp của tôi và ngồi chung bàn với tôi. Cô bé ra đi chẳng một lời từ biệt. Cũng thường thôi, tôi là gì của cô ấy mà đòi một câu từ giã cơ...