Đôi khi…
Nước mắt… là ngôn ngữ câm lặng của nỗi buồn
Cười… là phép ẩn dụ vô hình của nỗi đau
Và khóc… là tính chất bắc cầu của nỗi nhớ.
Đã được một tuần kể từ khi sự cố “ăn vạ gây rối” kia xảy ra. Quán đã sửa sang và đi vào hoạt động như bình thường, thậm chí có phần đông đúc, nhộn nhịp hơn vì ai cũng tò mò muốn biết mặt cô gái xinh đẹp giỏi võ phục vụ ở quán. Một tiểu cô nương vừa trong sáng, thuần khiết như đóa sen mới chớm, nhưng cũng vừa rắn rỏi, mạnh mẽ như xương rồng trên cát nở hoa.
Nhưng lạ một điều, sau ngày đó, cô ít xuất hiện hẳn. Ai thắc mắc, gạ hỏi thì ông bà chủ quán chỉ cười trừ, trả lời quanh co cố lái sang chuyện khác. Cười là cười thế thôi, trong lòng họ thật ra rất lo lắng cho sức khỏe của cô. Vì thế ông bà bắt cô nghỉ ngơi trong nhà, không cho nhúng tay vào việc gì. Cô áy náy, ngại làm phiền, họ bảo họ có thể tự quán xuyến, lo liệu được.
Nắng đã lên sau một đêm dài ẩm ướt. Người ta bảo: Mưa là trời khóc. Không biết trời buồn vì điều chi mà nước mắt ông cứ rả rích tuôn rơi, thỏa thuê tung hoành, rửa trôi, gột sạch hết lớp bụi dày bám trên mặt lá. Dưới ánh sáng mặt trời, vạn vật trở nên xanh mướt, tươi tắn và rạng rỡ đón chào ngày mới.
Cô bước ra sân. Vẫn tà áo màu thiên thanh thấp thoáng trong gió lộng, bên hông cô cắp một nong thóc ướt. Hôm qua, bà cụ lơ đãng để nó trong góc bếp, nơi mái nhà nhung nhúc những lỗ dột nên nước mưa cứ thế mà nhỏ xuống, làm ướt chúng. Nếu không nhanh chóng hong khô nội ngày hôm nay, e rằng nó sẽ nảy mầm mất.
Cô ngồi xuống, đặt nong thóc trên sân, đôi tay thoăn thoắt giần sàng. Những hạt lúa bé li ti nảy lên rồi rơi xuống như những hạt lân tinh nhảy múa dưới ánh vàng. Xong, cô trải đều bề mặt cho chúng mau khô, để còn làm việc khác.
“Chiếp, chiếp”. Một con sẻ nhỏ sà xuống dưới chân trước khi cô kịp quay gót trở vào trong nhà. Nó nhảy cẫng vài nhịp, rồi sải cánh đậu lên vai của người thiếu nữ.
Cô giơ ngón tay trỏ về phía chú chim. Như hiểu ý, nó liền nhảy sang, dụi đầu vào gò má của cô. Lam Thố bật cười, vuốt ve chùm lông vũ mềm mịn trên đầu nó:
-Chú chim bé nhỏ, sao ngươi lại ở đây?
Nó nghiêng đầu sang một bên, chớp mắt liên lục, kêu lên vài tiếng lảnh lót. Cô nhìn cái bụng lép kẹp của nó, rỏ lòng thương hại cho sinh linh bé nhỏ chịu đói qua đêm.
Cô với tay vốc một nắm thóc dưới chân, kề lên mỏ của nó, dịu dàng và ân cần:
-Ăn đi!
Con chim sẻ nhìn cô với ánh mắt biết ơn, chạm mỏ vào đôi tay bụm những hạt thóc vàng căng mọng, ăn với tốc độ… lia lịa.
-Lạ thật, chim sẻ thường sống theo đàn, sao ngươi lại bơ vơ thế kia?- Cô tự hỏi.
Dứt lời, một con sẻ khác cũng vừa bay tới, đáp dưới sân, cách chỗ cô đứng một khoảng khá xa. Thấy bạn, nó liền vỗ cánh vút sang. Hai con quấn quít lấy nhau, rỉa lông cho nhau hệt như một cặp vợ chồng. Chúng nhìn ân nhân lần cuối rồi tung cánh bay vọt lên không trung, để cho người thiếu nữ ngẩn ngơ nhìn theo, tiếc nuối.
-Đến cả loài vật, cũng cần có nhau!
Một nụ cười chát chúa ẩn hiện trên gương mặt người con gái bất hạnh. Cô cười cho hạnh phúc của đôi sẻ, và cũng cười cho nỗi đau của chính mình.
Đêm đã trở lại. Vầng trăng ngự trị trên bầu trời tỏa ra một thứ ánh sáng mê hoặc và ma mị. Trăng hôm nay khuyết, mang hình dạng như lưỡi hái của tử thần. Nhìn nó, cô linh cảm có điều gì không lành sắp xảy đến.
Cô mồi lửa vào ngọn đèn dầu đặt giữa bàn. Ánh đèn leo lét in bóng cô lên tấm vách mỏng, hắt hiu và đơn độc. Thật kì lạ, dạo này ngực trái của cô hay quặn đau từng hồi, điều mà trước đây chưa từng xảy ra. Nói đúng hơn, chuyện này bắt đầu kể từ lần ông khách già buột miệng thốt ra cái tên người mà cô đang trốn tránh. Chỉ cần hình ảnh nam nhân ấy thoáng qua trong tâm trí là trái tim cô lại “biểu tình” bằng cánh co thắt mà không có cách nào kiềm chế được. Cũng chính vì lý do này mà ông bà chủ quán lo cho cô. Họ coi cô như người thân, con ruột trong gia đình và cô cũng vậy. Nhưng thật sự cô không muốn họ bận tâm cho mình.
Người đã ra đi, sao tình chưa dứt?
Câu hỏi ấy cứ quấn lấy cô từng ngày, từng giờ. Lẽ nào suốt đời, cô không thể quên được huynh ấy?
Lần lữa một hồi, cô lấy từ trong tủ ra một xấp giấy, thỏi mực, bút và nghiên. Rót một ít nước trà vào, cô cầm thoi mực bắt đầu mài. Mùi mực tàu hòa với lá trà phảng phất, thơm lừng cả gian phòng.
Tay cô cầm cây bút đã chấm mực, run run trên nền giấy trắng tinh. Viết gì? Cô biết viết gì bây giờ? Cô chỉ muốn giãi bày tâm sự của mình thôi!
Hạnh phúc về đâu tận cuối trời
Hoa buồn theo gió ngậm ngùi rơi
Cay cay giọt lệ sầu chan chứa
Mộng ước tình ta đã rã rời
Trằn trọc canh tàn lòng thao thức
Miên man kỉ niệm quá xa vời
Thì thôi kiếp này duyên không phận
Xin hẹn kiếp sau… tái… ngộ… người…
Cô gục xuống bàn, bờ vai nhỏ nhắn run lên từng đợt. Phải, kiếp này có duyên không phận, nhưng liệu có còn kiếp sau để tương phùng không?
Tờ giấy ướt đẫm nước mắt, dòng chữ cũng theo đó mà nhòe đi, nhưng tâm trạng của người thiếu nữ vẫn chưa nguôi ngoai được chút nào. Lam Thố! Bi kịch này đến bao giờ mới kết thúc đây? Hay nó mãi để lại vết hằn trong lòng cả hai? Cô, huynh và ngũ kiếm, mãi mãi không nhìn thấy nhau nữa ư?
Bánh xe số phận vẫn cứ quay, cuốn theo dòng đời của những thân người nhỏ hẹp. Cuộc đời không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng, đôi lúc nó vẫn cất lên khúc nhạc của những bản bi ca ai oán não nề.
Đời người phải trải qua giông tố, nhưng không được khuất phục trước giông tố. Sau cơn mưa, trời lại sáng, cầu vồng lại xuất hiện, và bình yên sẽ trở về.
BẠN ĐANG ĐỌC
Ngoại Truyện Thất Hiệp
Hayran KurguTruyện đăng chưa có sự cho phép của tác giả. Vì không biết làm sao để liên lạc với đại tỷ nên đành vậy. Không phải ăn cắp bản quyền nhà vì ta cảm thấy đây là một tác phẩm hay mà tác lại không viết tiếp,ta sợ khi muốn đọc lại cũng không biết đâu mà đ...