Nhà Mạnh Hưng từ hôm qua đến giờ đã bắt đầu loay hoay làm đủ thứ việc, đến nỗi anh bận không thể đi gặp Hạ Trân lâu được. Nhà anh bắt đầu dọn dẹp khá trễ, đến hôm hai mươi tám mẹ mới cho dọn.
Khỏi phải nói, Mạnh Hưng bị bắt phải đi lau cho sạch sẽ bộ bàn ghế gỗ điêu khắc rồng bay phượng múa ở phòng khách, thiếu điều cảm nhận được từng đốt xương lưng của mình đang gãy răng rắc. Anh lau dọn đống bàn ghế đó xong thì phải giúp mẹ dịch chuyển vị trí của một số thứ trong nhà cho 'hợp phong thủy năm mới', mặc kệ cái lưng mỏi nhừ mà đi làm người con ngoan, Mạnh Hưng nghĩ mình có chết vì kiệt sức chắc cũng không bất ngờ. Vừa mới hôm trước còn cõng Hạ Trân đi chợ bông, vai vẫn còn mỏi nhừ, dọn dẹp nhà ngày Tết vốn đã như ác mộng giờ đã hoá luôn thành địa ngục trần gian.
Dọn dẹp xong cũng là lúc trời ráng chiều, Mạnh Hưng vì nhớ bóng dáng của chòm sao Tiểu Hùng nọ mà mau chóng đạp xe ghé qua bệnh viện thăm cậu một chút. Bởi vì mẹ của Hạ Trân cũng đã bắt đầu được nghỉ Tết nên đã ở đó chăm sóc cậu, anh ở lại chào hỏi vài câu rồi nói được với Hạ Trân vài câu nữa liền xin phép về. Lúc Mạnh Hưng mới đến chưa được bao lâu đã về, Hạ Trân đã tìm đủ thứ chuyện nhõng nhẽo một chút để được nói chuyện với anh thêm, thú thật thì anh thấy dễ thương muốn chết, không có mẹ cậu ở đó là đã nhào tới hôn tới tấp rồi.
Đấy là nếu cậu cho phép thôi.
Mạnh Hưng gấp rút quay về chủ yếu là để đi mua đồ gói bánh tét với mẹ, đến hôm ba mươi sẽ bắt đầu gói rồi tối đó vừa luộc vừa đón giao thừa luôn. Nhà có ông bà lớn tuổi không thể phụ giúp được nên việc nhà từ đầu đến cuối đều là mẹ con Mạnh Hưng làm hết, anh giúp xong có thể đã thuộc toàn bộ nghi thức chuẩn bị đón Tết của người Việt luôn rồi, không cần ai dạy nữa.
Chỉ có điều, toàn bộ họ hàng bà con của Mạnh Hưng đều đã sang Canada, vì vậy xem như đón ba mùng đầu cho có không khí Tết thì cùng mẹ đi chùa chứ cũng chẳng có nhà họ hàng nào để đi xin lì xì. Hoá ra buồn nhất không phải là ăn Tết xa Việt Nam, mà là gia đình không còn ở Việt Nam để ăn Tết cùng mình nữa.
Mạnh Hưng tìm mọi cách vòi mẹ cho về Sài Gòn sống với cái cớ là nhớ ông bà, chứ thật ra anh nhớ quê hương của mình. Anh nhớ những chuyến xích lô, nhớ những người đồng bào chân chất thật thà, nhớ những món đặc sản mà bên Can không thể có, nhớ cả những con đường tấp nập xe hai bánh. Mạnh Hưng nhớ những tà áo dài mình trầm trồ trông thấy các anh chị mặc khi anh còn học cấp một, nhớ thời tiết nóng gắt bất thường ở Sài Gòn, nhưng hơn hết là nhớ cái sự gần gũi thân thương của tiếng Việt. Ở nơi xứ người, Mạnh Hưng bị choáng ngợp bởi sự hào nhoáng, nhưng anh không thích chúng tí nào cả.
Rồi khi về được đến quê nhà, người đầu tiên anh nói chuyện cùng chính là Hạ Trân. Người đầu tiên cùng anh trốn học, người đầu tiên dắt anh đi khắp cái Sài Gòn bôn ba đây đó, người đầu tiên đạp xe mấy cây số qua đến nhà anh chỉ để khoe mình vừa tự gấp được một con hạc giấy, người đầu tiên khiến anh biết yêu là gì, người đầu tiên anh dùng toàn bộ tấm chân tình để bảo vệ. Chàng trai với nụ cười tươi sáng và làn da lúa mạch khoẻ mạnh, là người đã khiến Mạnh Hưng nhận ra mình có chút khác thường so với những người bình thường. Hạ Trân chính là một món quà, một người nắm chặt được chốt của con quay, rút mạnh một cái liền khiến cuộc sống của Mạnh Hưng chao đảo và thay đổi đến chóng mặt.