Chương 6: Đồ hèn nhát

72 3 0
                                    

 "Còn thầy thì sao? Nếu gặp được nửa kia khiến thầy rung động nhưng tình yêu không được mọi người chúc phúc, thầy sẽ chọn nghe theo lý trí hay quay về với bản năng?"

---

Trong giảng đường nhỏ có hơn 30 sinh viên đang ngồi rải rác. Trừ tiếng giảng bài của tôi thì không hề nghe thấy bất kỳ âm thanh nào khác.

Thương Mục Kiêu ngồi ở hàng ghế đầu, chính giữa, ánh mắt vẫn luôn dõi sát theo tôi, thỉnh thoảng lại còn viết viết thứ gì đó, say mê học hành đến mức cứ như thể cái tên bị tôi đuổi ra khỏi lớp lần trước không phải cậu ta vậy.

"Bây giờ là phần câu hỏi." Tạm dừng powerpoint, tôi đến bên cạnh bục giảng, quay mặt xuống các sinh viên, "Các bạn được tự do đặt câu hỏi."

Không có bao nhiêu người giơ tay, nhưng trong số đó có Thương Mục Kiêu. Tôi chỉ nói chuyện với cậu ta khi nào không thể tránh né được nữa thôi, mà cậu ta giơ tay tôi không nhất định phải gọi. Hơn nữa, trong tiềm thức, tôi luôn cảm thấy cậu ta chắc là cũng chẳng đặt được câu hỏi nào nghiêm túc.

Tôi rất thản nhiên làm ngơ trước sự tích cực của cậu ta, lướt qua cậu, gọi một nam sinh ở hàng sau.

Thương Mục Kiêu bất mãn để tay xuống, quay đầu lại nhìn nam sinh được gọi kia, sau đó ngả người tựa vào lưng ghế như một đại gia đích thực.

Sinh viên bị gọi kia không biết đã xảy ra chuyện gì mà co rúm người lại thấy rõ, lắp bắp nói.

"Em... em muốn hỏi, thưa thầy, có thể... thể... giải thích lý thuyết về 'Bốn cội rễ của lý trí túc lý' của Schopenhauer một cách dễ hiểu, bớt những thuật ngữ triết học được không ạ?" Cậu ta gãi đầu ngượng ngùng, "Em... em thấy... hơi khó hiểu."

Triết học là một môn học rất khó và phức tạp, đầy rẫy những lý thuyết vừa mâu thuẫn vừa thống nhất từ các chủ nghĩa khác nhau, những sinh viên chỉ vì môn tự chọn bắt buộc, bất đắc dĩ đến đây ngồi vào lớp "Lịch sử triết học phương Tây" này, sẽ rất dễ bị các thuật ngữ triết học phức tạp làm cho lú lẫn.

Tôi gật đầu, tỏ vẻ đã hiểu, sắp xếp từ ngữ một chút rồi chậm rãi nói: " 'Bốn cội rễ của lý trí túc lý', nói nôm na là... bốn lý do cơ bản giải thích sự tồn tại của thế giới... Schopenhauer tin rằng thế giới khác biệt là do mọi người có những cách thể hiện khác nhau ra bên ngoài."

"Lý do thứ nhất, kinh nghiệm trực quan tạo thành những quan điểm cơ bản của con người về sự vật, và được kế thừa lại."

"Lý do thứ hai, các khái niệm trừu tượng tạo thành những phán đoán cơ bản của con người về sự vật, chúng xuất phát từ kiến ​​thức của con người về sự vật."

"Lý do thứ ba, kiến ​​thức bẩm sinh về thời gian và không gian tạo nên sự nhạy cảm của con người đối với các con số, và nó là thứ tạo nên cảm giác tồn tại."

"Lý do thứ tư, hành động của con người là cách để thể hiện ý chí, và thứ thúc đẩy nó là 'động cơ'."

"Đây là nội dung sơ lược của 'Bốn cội rễ của lý trí túc lý', em đã hiểu chưa?"

Chẳng cháy hết (Thiêu bất tận)Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ