Sắp tới giờ khai yến, đứng từ xa cũng có thể nghe thấy tiếng cười nói xôn xao, náo nhiệt cả một vùng bình nguyên rộng lớn.
Tối nay chính là đại yến đầu tiên từ khi hoàng thất tới Lĩnh Nam, cũng là sau hai trăm năm kể từ khi thông lệ săn bắn mùa hạ của Phán quốc Cao Oa tộc bị huỷ bỏ. Không những tập trung vô số vương tôn đại quý tộc, nô tì tạp dịch, ca nương vũ cơ cũng đi lại hàng đoàn vô cùng tấp nập.
Tống Ý Thiên hôm nay ăn vận rất đơn giản. Nàng mặc một trường y suông xẻ tà màu xanh biển nhạt bằng vải trơn thêu chìm hình sóng nước, bên trong là lớp lụa đào xếp li thêu hoa hợp hoan. Sắc xanh chủ đạo phối với màu hồng biết bao nhu thuận, lại thêm mỗi khi bước đi tà váy rung động, để lộ ra những cánh hoa hợp hoan trắng vừa uyển chuyển lại tinh tế, nhìn thì giản dị nhưng không kém phần trang nhã, coi như không làm mất thể diện hoàng gia. Chỉ tiếc là với dung nhan như vậy, dù có thế nào cũng không thể gọi là mỹ lệ.
Cầm quạt tròn che mặt, Tống Ý Thiên cùng Tâm Liên đi vòng qua phía sau các lán trại để tránh người qua lại. Nàng tuy là Đoản Hoa quý tần nhưng lại là một công chúa hoà thân từ địch quốc, chưa nói tới dung mạo xấu xí cả kinh sư đều biết, thân phận như vậy vốn không thể phô trương. Hơn nữa tối nay đông người phức tạp, nàng vẫn là ít tiếp xúc với người khác thì hơn.
Dọc hai bên lều trại, thân cây nào cũng được treo đèn lồng đỏ rực thành đường đi. Dưới tán cây, người đến dự tiệc cũng bắt đầu kéo tới. Lần này đi ngoại trừ các quý phu nhân theo lời mời của thái hậu, còn lại đều là nam thanh nữ tú, hậu duệ của các thế gia trên khắp Phán quốc. Chỉ riêng màu sắc và phong vị của trang phục cũng đã thể hiện sự xa hoa của gấm vóc, trường thịnh của giang sơn.
Giống như Tống Ý Thiên, có những người vẫn mặc như thường thấy, áo lụa trường bào. Nhưng nhiều người lại mặc trang phục truyền thống của Phán quốc, mỗi lớp áo một màu, mỗi tầng y phục lại thêu một hoa văn khác nhau. Người của mỗi bộ tộc khi mặc đồ truyền thống sẽ dùng phấn màu vẽ lên mình đồ đằng dân tộc, biển người phút chốc bỗng biến thành dải cầu vồng đa sắc, giữa đại ngàn gió lộng trở nên thập phần rực rỡ mê hoặc chúng nhân.
Tâm Liên đi bên cạnh Tống Ý Thiên lần đầu tiên được thấy cảnh tượng này, hiếu kì đưa mắt khắp nơi hào hứng nói: "Công chúa người xem, lần đầu tiên nô tỳ nhìn thấy phục trang của người Phán trước khi nhập quan đó. Trước đây khi cùng người xem sách về Phán quốc, tuy là có hình vẽ, nô tỳ cũng không ngờ được dáng vẻ thật sự lại độc đáo đến như vậy"
Tống Ý Thiên mỉm cười: "Hiếm khi mới có dịp, trăm nghe không bằng được thấy một lần, thật sự là được mở mang tầm mắt". Y phục truyền thống của nữ tử Phán quốc so với Trịnh quốc rất khác biệt. Trịnh quốc xưa nay là đất lạnh, lễ tiết lại cẩn mật trang trọng bậc nhất, tất nhiên nữ y đều phủ kín thân người, chỉ riêng nữ nhi của môn hộ bình bình cũng lên tới bốn lớp áo, mà địa vị càng cao lại càng nhiều. Trái lại, váy áo của Phán quốc nữ tử rất thoải mái, tuỳ kiểu dáng mà để lộ cả cánh tay hay bả vai. Giày thượng chi cũng không giống như loại dùng trong cung mà để hở mũi và gót, chỉ quấn lại bằng một dải băng dài thêu chỉ bạc lên tới bắp chân để trần.
BẠN ĐANG ĐỌC
Tịch Mịch Thâm Cung Phi Đề-Cung đấu lãng mạn
RomanceDòng chảy thời gian dệt nên năm tháng Dùng năm tháng để dệt nên cuộc đời Tứ quốc tứ hải giang sơn trùng điệp, những cuộc đời cứ như vậy được bàn tay số mệnh đan vào với nhau Một khi đã bắt nối nhau tại một điểm Tan hợp phân ly, chẳng còn gì phải luy...