Đáo địa (2)

543 19 9
                                    

Đi thêm một ngày nữa đã tới dịch quán lớn nhất ở Tuyền Châu, kinh đô Nghi quốc. Nước Nghi chủ thổ, có tục thờ đất thờ đá, ăn côn trùng và bò sát, đặc biệt là chỉ cúng thánh thần không thờ gia tiên. Trước kia khi còn ở Trịnh quốc, luôn luôn nghe thấy người ta gán cho Nghi quốc một chữ "man", ý nói con người thô kệch, tính cách cục cằn dữ tợn, đời sống lạc hậu yếu kém.

Nhưng tận mắt chứng kiến rồi mới thấy, thành Tuyền Châu tấp nập phồn thịnh không kém bất cứ kinh đô nào. Phủ hộ thành hàng, quán xá san sát, là một nơi rất thuận lợi để làm ăn.

Dịch quán tuy sức chứa rất lớn, nhưng trên dưới Lãnh thương đoàn có ba mươi bảy người, thành ra phải thuê hai dãy biệt viện phía nam. Tống Ý Thiên và Hứa Dĩ Phàm vẫn ở hai sương phòng trong cùng một viện, xung quanh là nơi ở của thủ vệ. Còn biệt viện thứ hai một gian dành riêng cho trù nương lo việc bếp núc và mười tú nương của thương đoàn, gian kia dành cho thuyền phu.

Việc đầu tiên khi Tống Ý Thiên làm khi tới Tuyền Châu là cử Tâm Liên dẫn theo một tiểu cung nữ nữa ra ngoài, nghe ngóng tất cả tin tức về hậu cung nước Nghi, thông tin về năm vị hoàng tử cùng gia quyến. Tâm Liên trước nay tính cách tinh nghịch cởi mở, vừa nói có thể khiến người ta có cảm giác thân thiết, chắc chắn rất nhanh sẽ nắm bắt được tình hình.

Đúng như nàng nghĩ, chẳng quá nửa ngày, hai người bọn họ đã về tới nơi, đem theo một bụng toàn những chuyện trên trời dưới đất. Kể một hồi, cuối cùng nàng vì chóng mặt mà xua tay, cẩn thận sắp xếp lại trong đầu.

Từ khi lên ngôi, Nghi quốc Thành đế Phong Yết chỉ có duy nhất Đổng thị hoàng hậu là thê tử kết tóc, hạ sinh trưởng hoàng tử Phong Hằng không được mấy năm thì qua đời. Trưởng hoàng tử từ nhỏ đã tỏ ra tinh anh, vốn được Nghi vương rất mực tin cậy, mẫu tộc của cố hoàng hậu hết lòng hậu thuẫn. Đáng tiếc năm mười sáu tuổi trong chiến trận chẳng may bị thương, hai chân bỗng thành tàn phế. Nghi quốc trước nay có chút trọng võ hơn tôn văn, từ đó nội bộ tranh quyền đoạt vị càng thêm sâu sắc. Phong Hằng cùng chính phi Liêm Khắc thị tương kính như tân, còn có một trắc phi nguyên là điệt nữ của hương chúa(*) Vệ quốc.
(*) Hương chúa: con gái Quận vương.

Sau khi Nghi hậu mất, quyền lực nhất trong hậu cung Nghi quốc là Thục phu nhân. Trong tay nắm quyền lục cung quyết sự, trên triều gia tộc ngày càng bành trướng, Thục phu nhân còn có hai hoàng tử là nhị tử Phong Viên và tứ tử Phong Dạ. Phong Viên thiện chiến thống lĩnh vạn quân, chính phi xuất thân Dung thị văn gia, mới đây vừa đón nhị công chúa Trịnh quốc về làm trắc phi. Về phủ tứ hoàng tử mưu lược hơn người chỉ có một vị trắc phi Vưu thị, cùng ba người thị thiếp.

Nhưng nếu xét về sủng ái của Nghi vương, không ai có thể vượt qua Hiền phu nhân, cũng như trong các hoàng tử được sủng ái nhất chính là ngũ hoàng tử Phong Hành. Mẫu phi đắc sủng, mẫu tộc càng có vai vế, bất quá Phong Hành nổi tiếng phong lưu, nhất nhất đi khắp nơi hưởng lạc, ngao du sơn thuỷ, không màng chính sự. Còn lại tam hoàng tử Phong Dực đóng quân biên giới đã nhiều năm, người trong kinh thành từ lâu cũng không còn bận tâm tới nữa.

Tuy nói là đã thu thập được thông tin, nhưng việc Tống Ý Thiên hiện tại có thể làm ở Nghi quốc này chẳng qua chỉ là buôn bán. Hơn nữa, cơ nghiệp Lãnh gia ở đất Tuyền Châu này, ngoài mấy trăm thùng hàng và vài mối làm ăn sẵn có của Bích Giai phường ra thì chính là tay trắng.

Tịch Mịch Thâm Cung Phi Đề-Cung đấu lãng mạnNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ