Ngoài bà chúa nhất Tĩnh Hảo và ông hoàng hai Hồng Nhậm, Hiệu Nguyệt còn một người con gái nữa. Nhưng hoàng nữ mất khi mới lên ba. Sau lần đó, Đức Kim Thượng chọn ngày mồng ba hằng tháng làm ngày tưởng nhớ đứa con bạc mệnh. Đến ngày này, Ngài sẽ đến viện Lý Thuận, dùng bữa tối cùng Hiệu Nguyệt, Tĩnh Hảo và Hồng Nhậm, sẳn dịp ở lại thâu đêm. Đây cũng là lúc cả bốn người cùng ngồi lại, trò chuyện ăn uống như những gia đình bình thường khác. Hôm khác Ngài vẫn có thể đến, nhưng những hôm thế này vẫn ý nghĩa hơn rất nhiều.
Hôm nay cũng thế. Từ mờ sáng, mọi người đã vào guồng làm việc. Người quét sân, người lau dọn bàn ghế, người lui cui dưới bếp nấu các món ăn. Mọi người cố chuẩn bị thật tươm tất chờ vua Thiệu Trị đến.
Giữa giờ dậu, Hoàng đế bước vào viện Lý Thuận. Cả viện đã đợi trước cửa, nghênh đón Ngài vào trong. Sau khi Ngài yên vị trên ghế, thị nữ và thái giám đều lui ra ngoài, nhường không gian yên tĩnh cho gia đình bốn người trò chuyện. Mọi người ăn uống vui vẻ. Đức Kim Thượng rất thích những bữa cơm thế này. Ngài như trút bỏ lớp áo giáp đế vương, khoát lên mình chiếc áo của người chồng, người cha. Bên cạnh Ngài là vợ và hai đứa con ngoan. Bữa cơm nhờ thế cũng ngon hơn.
Hôm nay, Ngài càng vui ra mặt. Mâm cơm là những món ăn đời thường nhưng nấu rất cầu kì, tinh xảo. Ngài đặc biệt ấn tượng món chè trôi nước ngũ sắc. Từng viên chè tròn đều, phối màu hài hòa, bắt mắt. Vị chè ngọt thanh chứ không gắt, lại phảng phất vị gừng làm món ăn thêm phần hấp dẫn.
Sau khi xong bữa cơm, hai vị hoàng tự lui về tư phòng, còn vua Thiệu Trị cùng Hiệu Nguyệt bước sang phòng dành riêng cho Nguyên cơ.
Ngài rời viện khi nắng đã lên cao. Hiệu Nguyệt ra tận cửa tiễn Ngài. Đứng hầu bên cạnh nàng là Hương Nhị và Thị Nương. Chợt, hoàng đế cất lời:
- Trẫm rất thích món chè trôi nước ngũ sắc hôm qua. Lần sau nàng hãy nấu cho ta thêm một chén như thế.
Thị Nương lắng nghe từng lời Ngài nói. Nàng đang rất vui. Kĩ năng nấu nướng năm xưa nay đã phát huy tác dụng. Vốn dĩ nàng có thể để một chút bùa mê trong chén chè của hoàng đế. Nhưng không. Nàng biết chỉ cần tài nấu nướng thông thường, nàng đã đủ sức chinh phục người đàn ông này.
Mồng ba tháng sau, Nương lại tiếp tục nấu chè trôi nước ngũ sắc. Lúc này, cạnh chén chè có thêm đóa ngô đồng nho nhỏ. Cánh hoa tím nhạt, ngả sắc hồng không những khiến món ăn nhiều màu sắc hơn, mà còn tôn lên lớp màu trên vỏ bánh đã được pha trộn kĩ càng. Hương hoa hòa cùng hương bánh tạo thành thứ mùi thơm dịu ngọt, quyến rũ, vừa cao sang quý phái, vừa bình dị dân dã. Ăn xong, Ngài tấm tắc khen ngon.
Tháng sau, tháng sau, rồi lại tháng sau nữa... Lúc nào trên mâm cơm mồng ba cũng đều đặt một chén chè trôi nước ngũ sắc. Đức Kim Thượng thích mê. Ngài vừa ăn vừa khen Hiệu Nguyệt giỏi huấn luyện những thị nữ khéo tay. Nguyệt mỉm cười nhưng trong lòng hơi thấy không vui. Mâm cơm này nàng cất công chuẩn bị nhiều món ngon mà ngày xưa Ngài thích. Nhưng giờ Ngài chỉ chú tâm vào chén chè trôi nước...
Đêm nọ, Nguyệt đọc sách rất khuya. Đến lúc chuẩn bị đi ngủ mới phát hiện đánh rơi mất cây trâm cài tóc. Nàng sai Thị Tơ, người trực đêm hôm nay, lấy áo choàng, đốt ngọn đèn rồi hai chủ tớ dắt nhau đi kiếm. Đang đi, nàng phát hiện trên sân có cái bóng trắng đang xỏa tóc.
BẠN ĐANG ĐỌC
Ma người người ma
Historical FictionLá ngô đồng nhẹ rơi vì ai? Đứng đó trăm năm có thấy đau lòng? Chỉ cần một nụ hôn ái ân vẹn nguyên... (trích lời bài hát Ngô Đồng - nhạc Jang Nguyễn, lời Huỳnh Tuấn Anh, trình bày Nguyễn Hồng Nhung) Tương truyền, mỗi khi chim phượng hoàng bay xuống d...