Làm việc không có lập trường vững vàng là căn bệnh phổ biến của rất nhiều người, đứng núi này trông núi nọ cũng là tâm lý rất thường gặp. Đối với sự phát triển của một người, tình trạng không kiên định là vô cùng bất lợi. Ở đây, chúng ta nên nhớ kỹ những gợi ý mà loài sói mang đến cho chúng ta. Một khi loài sói quyết định làm điều gì thì chúng sẽ không để cho những yếu tố từ bên ngoài quấy nhiễu và cũng không để cho mình rơi vào trạng thái sống không kiên định. Sói càng hiểu rằng cách sống không có lập trường thực ra là sự hao phí sức sống lớn nhất. Trong cuộc săn mồi dài đằng đẵng, loài sói phải chịu đựng những thay đổi vô thường của khí hậu và sự tấn công của loài muỗi. Đáng sợ nhất là chúng còn phải chịu đựng cơn đói dày vò, thậm chí cả vài ngày vẫn chưa có thức ăn. "Trong quá trình quan sát, chờ đợi dài đằng đẵng ấy, sói không hề tỏ ra mệt mỏi và chán nản, chúng cũng không truy đuổi hoặc quấy nhiễu con mồi mà không có mục đích. Trong quá trình này, chúng giống như một kẻ bàng quan lạnh lùng, nhưng chúng sẽ không bỏ sót bất cứ một chi tiết nào của con mồi. Chúng sẽ phán đoán ra thời cơ săn mồi tốt nhất". Một nhà nghiên cứu về loài sói đã nói như thế. Sức chịu đựng của loài sói giúp chúng bảo tồn được sức lực và giành được cơ hội sinh tồn.
Nếu bạn đã khảo sát chính mình một cách nghiêm túc, nếu bạn đã hiểu rõ tính cách, học vấn, sở trường, tài năng và sở thích của mình và bạn cũng đã tìm được một công việc phù hợp với mình thì không nên do dự nữa, càng không nên cố tìm một công việc khác tốt hơn mà hãy dốc sức để làm tốt công việc của mình. Trừ phi bạn thực sự cho rằng công việc hiện tại là không phù hợp, và tin chắc sẽ tốt hơn nếu đổi một công việc khác thì hãy quả quyết, lập tức từ bỏ công việc hiện tại.
Chỉ có ý chí vững vàng mới có thể chiến thắng được mọi khó khăn. Một người có ý chí bền bỉ thì sẽ được mọi người tin tưởng; người có ý chí bền bỉ sẽ có được sự giúp đỡ của người khác ở bất cứ đâu. Ngược lại, một người làm việc qua loa, đại khái, không toàn tâm, toàn ý thì sẽ không được ai tin tưởng và giúp đỡ vì họ đều biết rằng những người này làm việc không đáng tin cậy.
Khi tìm hiểu nguyên nhân thất bại của một số người, chúng ta sẽ thấy không phải họ không có năng lực, không có thành tâm, không có hy vọng, mà vì họ không có ý chí bền bỉ kiên trì đến cùng. Những người này thường làm việc không đến nơi đến chốn. Họ hoài nghi không biết mình có thể thành công hay không và không thể quyết định được mình nên làm gì. Đôi lúc họ chọn một công việc nào đó, cho rằng chắc chắn sẽ thành công, nhưng giữa chừng thì lại thấy vẫn có một việc khác thuận lợi hơn. Kết cục của những người này vẫn luôn là thất bại. Đối với những việc họ làm , không những người khác không dám bảo đảm mà ngay cả bản thân họ cũng không dám chắc chắn. Có lúc, họ hài lòng với địa vị hiện tại, nhưng không bao lâu sau lại sinh ra tâm lý bất mãn.
Tổng giám đốc của một công ty bảo hiểm nổi tiếng thế giới nói: sau mỗi đợt thi cử nghiêm khắc, rất khó chọn được một hai nhân viên mới trong số ứng cử viên. Ông nói, trong những vấn đề mà ông gặp phải trong công việc, không có việc gì khó hơn việc chọn nhân viên làm việc đáng tin cậy. Hóa ra, bài thi của ông rất đặc biệt. Ông cần kiểm tra xem người ứng tuyển có phải là một người xông xáo, kiên trì hay không. Khi ông phỏng vấn, ông thường nói nhiều điều làm nhụt ý chí của ứng viên. Ông nói rằng có nhiều nguy cơ có thể xảy ra trong nghề để thăm dò ứng viên.
Chỉ có một số ít người, sau khi nghe những lời nói "thành thật" của ông tổng giám đốc, vẫn không lay chuyển, vẫn hạ quyết tâm và có cử chỉ ngôn từ thận trọng, tự nhiên. Những người này mới là những người mà công ty cần. Trong khi đó, rất nhiều người vừa nghe ông nói xong đã cảm thấy tiền đồ đen tối và từ bỏ ý định.
Kiên định, vững vàng, bền bỉ là điều kiện cần có của một ứng viên. Nếu mất đi điều kiện này, thì dù bạn có tài giỏi đến đâu, kỹ năng có thành thạo đến đâu, cũng không thể thành công.
Ông Karrer nói rằng: "Nguyên nhân thất bại của rất nhiều người trẻ tuổi, chung quy đều là do họ không có ý chí bền bỉ". Quả thật là như vậy. Rất nhiều người trẻ tuổi tuy có tài năng, có khả năng thành đạt nhưng họ lại thiếu sự bền bỉ, thiếu tính nhẫn nại. Họ chỉ có thể làm những công việc bình lặng và chỉ cần gặp một chút khó khăn, trở ngại là họ lập tức rút lui, không dám xông pha về phía trước. Có thể thấy, ý chí bền bỉ, vững vàng là cơ sở để giành được thắng lợi. Khi những đức tính kiên trì, nhẫn nại, linh hoạt, nhanh nhẹn của bạn được vang xa, thì dù là ở bất cứ nơi đâu, bạn cũng sẽ dễ dàng tìm được một công việc phù hợp với mình. Ngược lại, nếu bạn coi thường bản thân mình, chỉ biết dựa dẫm vào người khác thì sớm muộn gì cũng bị đào thải.
Nếu muốn giành được thành công, thì bạn cần phải tạo tiếng tốt cho mình, để mọi người đều biết: một việc gì khi đã vào tay bạn thì nhất định bạn sẽ hoàn thành nó một cách xuất sắc. Trên đời này, không có một điều gì đáng tự hào bằng lòng kiên trì bền bỉ, chỉ có dựa vào nó mới có thể phát huy hết sức mạnh của bản thân.
Lúc này lúc khác là kẻ thù lớn nhất của sự kiên trì bền bỉ. Napoleon Hill cho rằng lúc này lúc khác là thứ làm lãng phí nhiều thời gian nhất, đây thực ra là biểu hiện của thiếu lòng kiên trì.
Một lần, Napoleon Hill đang làm việc tại văn phòng thì có một khách hàng đến hỏi ông những kiến thức có liên quan đến nghệ thuật bán hàng. Lúc này, Naopleon Hill đang bận túi bụi. Thư ký của ông đã vào báo cáo đến mấy lần và bảo người khách đó đã chờ nhiều giờ rồi. Napoleon Hill buộc phải ngừng công việc của mình. Sau cuộc gặp mặt kéo dài 1 giờ, người khách đó vui vẻ ra về. Nhưng Napoleon Hill không cách nào trở lại làm việc được, tinh thần và sự bền bỉ của ông cũng không thể nào ngăn chặn được cảm giác này. Thế là, Napoleon Hill quyết định thay đổi cách thức làm việc có hiệu quả thấp này, ông lập ra một nơi tiếp khách và cho một người phụ trách công việc này. Như thế, ông sẽ không bị người khác quấy rầy trong lúc mình làm việc, và có thể chuyên tâm làm việc của mình.
Lòng kiên trì không bỏ cuộc chính là những giọt nước làm đá mòn. Giá trị của cuộc sống cũng đang được tích lũy từng giọt một, và thành công thường được thai nghén trong nó. Trong cuộc thi giữa rùa và thỏ, sở dĩ rùa giành được phần thắng là nhờ vào sự kiên trì bền bỉ đến cùng.
BẠN ĐANG ĐỌC
Phép Tắc Của Loài Sói
Phiêu lưuPhép tắc sinh tồn của kẻ mạnh; Dũng cảm, cô độc, đoàn kết, tàn khốc là thế giới của loài sói; Trong thế giới này, không có đúng, không có sai, chỉ có thành công; Không có chính nghĩa, không có tội ác, chỉ có mục đích duy nhất: sinh tồn.