Ngoài những động vật hoang dã nhỏ bé ra, thức ăn ưa thích nhất của loài sói còn là những gia súc như dê, bò Tây Tạng. Khi bắt những con gia súc này, động tác của loài sói rất nhanh nhẹn. Loài sói thường thừa lúc những con gia súc này không đề phòng để vồ đến, đầu tiên là cắn vào cổ họng và mạch máu ở cổ, sau đó là ra sức hút máu, làm cho con vật mất sức và chết nhanh chóng. Một con sói khi nhảy vào bây dê, một đêm nó có thể cắn chết mười con dê. Có thể thấy, sói gây nguy hại rất lớn cho bầy gia súc. Bình thường, sói chủ yếu bắt dê. Vì dê có hình thể nhỏ, nhát, dễ bắt. Đặc biệt, những con dê con càng là con mồi mà sói dễ bắt nhất. Một mục dân già kể lại một câu chuyện như sau: một hôm, ông đang chăn bầy dê trên núi thì gặp một trận bão tuyết, bầy dê hoảng sợ, chạy tán loạn. Trong lúc ông đang cuống cuồng chặn bầy dê, một con sói xông đến, cắn lấy một con dê con và chạy mất.
Sau khi con sói có được con mồi, nó sẽ nhanh chóng bỏ đi. Đây có thể gọi là rút lui khi đã thành công. Trong chính trị, từ xưa đến nay, phép tắc này được vận dụng rất khéo léo. Tôn Tẫn, nhà quân sự trứ danh thời cổ đại Trung Quốc, có thể nói là đã giã từ sự nghiệp khi đang ở trên đỉnh vinh quang. Trong trận Mã Lăng, vì Tôn Tẫn vận dụng linh hoạt chiến thuật vây Ngụy cứu Triệu, dùng kế giảm số bếp để lừa địch, mai phục địch ở Mã Lăng nên đã tiêu diệt gọn quân Ngụy, giành được thắng lợi. Cũng giống như trận Quế Lăng, trận Mã Lăng là kiệt tác quân sự của Tôn Tẫn, cũng là hai bông hoa lạ trong lịch sử chiến tranh quân sự của Trung Quốc. Hai trận chiến này đã thể hiện đầy đủ mưu lược quân sự hơn người và tài năng chỉ huy kiệt xuất của Tôn Tẫn. Sau trận Mã Lăng, nước Ngụy bị tiêu hao lớn về lực lượng, thực lực quốc gia bị suy yếu và mất đi bá quyền Trung Nguyên. Nước Tề lại có tiếng tăm lừng lẫy, uy phục chư hầu, xưng bá Trung Nguyên. Tôn Tẫn từ đó vang danh thiên hạ, thực hiện được hoài bão của mình.
Khi giữ chức tướng quốc nước Tề cùng với Trâu Kỵ, Tôn Tẫn đã nhiều lần can gián Tề Vương. Trâu Kỵ thân cao tám xích, tướng mạo đường đường, nhưng bụng dạ hẹp hòi, tư lợi. Trước hai trận đại chiến giữa tề và Ngụy, Trâu Kỵ đều kiên quyết phản đối xuất binh. Đến khi Điền Kỵ và Tôn Tẫn chiến trắng trở về, Trâu Kỵ rất ghen tức. Uy danh của Tôn Tẫn, Điền Kỵ càng vang xa, Trâu Kỵ lo lắng cho địa vị của mình. Vì vậy, Trâu Kỵ muốn nhanh chóng trừ khử Điền Kỵ và Tôn Tẫn. Có thể vì Tôn Tẫn là người tàn tật, khả năng tranh giành địa vị không lớn nên Trâu Kỵ nhắm vào Điền Kỵ đầu tiên. Trận Mã Lăng kết thúc không lâu, Trâu Kỵ và thuộc hạ thân tín bàn mưu trừ khử Điền Kỵ. Công Tôn Duyệt đưa ra một chủ ý: "Tướng công sao không cho người đem mười lượng vàng cho thầy bói ở trong thành và bảo: 'Ta là người của Điền Kỵ, ta đánh ba trận thắng cả ba, tiếng tăm lừng lẫy khắp thiên hạ, ta muốn làm đại sự, là lành hay dữ?' Thầy bói vừa xem quẻ xong, hãy cho người bắt lấy thầy bói, đem đến tra khảo trước mặt vua."
Trâu Kỵ nghe xong cả mừng, bèn sai người tìm thầy bói trong thành, phao tin Điền Kỵ sai người đi xem bói, để xem nếu Điền Kỵ mưu phản là lành hay dữ? Trâu Kỵ thì cho người đi theo sau để bắt người này lại và giải đến Tề Vương. Tề Vương tuổi đã cao nên có chút hồ đồ. Ông vốn đã sợ vì Điền Kỵ nắm giữ binh quyền nên vừa nghe Trâu Kỵ nói, ông đã tin Điền Kỵ có âm mưu tạo phản. Lúc đó, Điền Kỵ đang chinh chiến bên ngoài. Tề Uy Vương bèn sai người gọi Điền Kỵ về Lam Tri để tra hỏi chuyện này.
BẠN ĐANG ĐỌC
Phép Tắc Của Loài Sói
AventuraPhép tắc sinh tồn của kẻ mạnh; Dũng cảm, cô độc, đoàn kết, tàn khốc là thế giới của loài sói; Trong thế giới này, không có đúng, không có sai, chỉ có thành công; Không có chính nghĩa, không có tội ác, chỉ có mục đích duy nhất: sinh tồn.