Thời cổ xưa, con người nhận thấy các động vật khác đều có bầy đàn, chỉ có mình là cô độc, bèn hỏi Đấng Tạo Hóa rằng: "Tại sao chỉ có tôi là cô đơn chứ?"
Đấng Tạo Hóa trả lời: "Vì ta chỉ trao cho các ngươi trí tuệ, các ngươi là động vật ưu tú nhất mà ta sáng tạo ra".
Con người cảm thấy nghi ngờ, hỏi tiếp: "Chẳng lẽ không có động vật ưu tú nào khác có trí tuệ như con người sao?".
Nghĩ một hồi lâu, Đấng Tạo Hóa mới nói: "Ta nghĩ, loài sói là sinh vật ưu tú duy nhất có thể đồng hành, trò chuyện và nô đùa với các ngươi đó!". Thế là, Đấng Tạo Hóa ban loài sói cho con người, đồng thời nói với chúng: "Các ngươi trở thành anh em của nhau, phải giúp đỡ nhau, cùng đi khắp thế gian".
Do giữa con người và loài sói luôn xảy ra xung đột, hai bên đều không chấp nhận đối phương là bạn của mình, nên cả hai lại đến tìm Đấng Tạo Hóa. Đấng Tạo Hóa không còn cách nào khác, đành tuyên bố: "Kể từ hôm nay, các ngươi ai đi đường nấy, ta sẽ mãi mãi không can thiệp vào chuyện của các người nữa".
Thế là, con người và loài sói ai đi đường nấy.
Đấng Tạo Hóa tuy biết sói là loài động vật rất ưu tú, nhưng ngài cũng không ngờ rằng: việc để loài sói cùng tồn tại với con người là yếu tố thành công và lâu dài nhất.
Loài sói luôn giữ trạng thái cảnh giác cao độ mọi nơi mọi lúc. Chúng luôn chú ý quan sát sự thay đổi của môi trường xung quanh, chú ý tới mọi đối thủ và thợ săn xuất hiện trong tầm mắt, không bỏ qua bất cứ cơ hội tấn công nào. Khứu giác của loài sói rất nhạy, giúp chúng có nhiều cơ hội bắt mồi. Nó không bao giờ ở lại vì môi trường phong phú thức ăn, hay ra đi vì nơi ấy nghèo nàn. Chúng có thể bắt được mồi ở bất cứ hoàn cảnh nào, thể hiện sức sống và khả năng thích ứng mạnh mẽ.
Loài sói dựa vào khứu giác và thị giác, đồng thời đi theo dấu chân để tìm con mồi, sau đó cố gắng tiếp cận con mồi. Nếu thấy vị thế của đối phương có lợi hơn, nó sẽ bỏ ngay con mồi, chuyển sang tìm mục tiêu khác. Khi con mồi bỏ chạy, sói sẽ đuổi theo đến cùng, nhưng không thể nào bắt được ngay lập tức thì nó sẽ từ bỏ ý định đó ngay.
Có thể nói, loài sói biết rõ điều bất biến duy nhất trên thế gian này là "biến". Kẻ khiếp nhược thì sợ điều đó, còn kẻ thiện biến thì vui mừng. Vì trong khoảnh khắc thay đổi này, thế giới đã thuộc về chúng.
Trong xã hội loài người cũng vậy, trong hoạt động kinh doanh, tình thế thường thay đổi rất phức tạp. Muốn ứng biến được một cách tích cực, ngoài việc phải tuân theo trào lưu của thời đại, còn phải ứng biến dựa vào tình hình biến hóa của đối thủ, cũng có nghĩa là "địch biến ta cũng biến".
"Địch biến ta cũng biến" là chiến lược cơ bản giúp con người luôn tự điều chỉnh tư tưởng và hành vi của mình để thích ứng với sự phát triển của tình thế. "Địch" ở đây không hẳn là kẻ địch, mà còn là đối thủ, hoàn cảnh... Ví dụ như môi trường tồn tại đối với một cá nhân, giá cả thị trường đối với người kinh doanh... Bởi vì ai cũng mong được tồn tại và phát triển, ai cũng muốn nghĩ ra cách thức và biện pháp mới. Cho nên, thời thay đổi thì thế cũng thay đổi, thế thay đổi thì tình biến đổi, tình biến đổi thì phép cũng khác.
"Thất cầm thất túng Mạnh Hoạch" (bảy lần bắt bảy lần tha Mạnh Hoạch) của Gia Cát Lượng có thể nói là một ví dụ điển hình nhất về phương pháp quân sư địch biến ta biến, khắc địch chế thắng.
Lần đầu bắt Mạnh Hoạch, Gia Cát Lượng vốn là bậc thầy của việc thừa thắng, nhưng ông lại để Vương Bình đánh tiền trạm, cố ý giả thua, dẫn Mạnh Hoạch vào vòng phục kích, rồi điều đại quân xiết chặt vòng vây. Cuối cùng ra lệnh cho Triệu Vân và Ngụy Diên ở trong khe núi chặn trước chặn sau, khiến Mạnh Hoạch không thể thoát thân, đành khoanh tay chịu trói.
Lần thứ hai bắt Mạnh Hoạch thì áp dụng kế phản gián mượn đao giết người. Mạnh Hoạch bị bắt một lần rồi nên thận trọng hơn. Ông lui về phía nam sông Lô Thủy, lấy Lô Thủy làm bình phong, chuẩn bị cố thủ lâu dài. Gia Cát Lượng phái Mã Đại xuất chiến, khơi gợi lòng biết ơn đối phương về việc tha bổng lần trước, nhằm gây mâu thuẫn trong nội bộ của Mạnh Hoạch. Tướng lĩnh thủ hạ của Mạnh Hoạch không ngần ngại trói Mạnh Hoạch giải đến doanh trại của quân Thục.
Hai lần bị bắt, lại được thả về. Lần này Gia Cát Lượng cố ý cho Mạnh Hoạch thấy được lương thảo và quân tình của quân Thục. Sau khi trở về, Mạnh Hoạch vội tìm cách báo thù, lại tự cho rằng mình đã có kế hoạch đối với quân Thục, bèn lấy danh nghĩa biếu quà tạ ơn để cướp doanh trại. Nhưng Gia Cát Lượng đã biết trước tâm ý của Mạnh Hoạch, Mạnh Hoạch lại một lần nữa tự sa vào lưới - lần thứ 3 bị bắt.
Lần thứ tư là lợi dụng sự hiếu chiến của Mạnh Hoạch để dẫn ông vào bẫy.
Lần thứ năm, Gia Cát Lượng áp dụng kế để bạn đồng minh của Mạnh Hoạch bắt Mạnh Hoạch.
Bảy lần bắt Mạnh Hoạch, mỗi lần một phương pháp và mưu kế khác, đây mới là cảnh giới cao siêu của "địch biến ta biến". Căn cứ vào sự thay đổi tâm lý và chiến thuật của Mạnh Hoạch, Gia Cát Lượng đã bốc thuốc đúng bệnh, khiến Mạnh Hoạch hoàn toàn nằm trong tay ông.
Người biết biến hóa mới có thể sinh tồn, nguyên tắc "kẻ mạnh tồn tại" không chỉ thích hợp với chiến trường, mà còn thích hợp ở thương trường.
Thương trường như chiến trường, sự đào thải vốn rất vô tình. Một người nếu gục ngã nửa chừng, thì có nghĩa là họ không đủ mạnh để tồn tại. Tuy nhiên, trong môi trường làm việc, chúng ta thường gặp những người bảo thủ cố chấp, thiếu mềm dẻo. Trong công việc, trở ngại lớn nhất của họ chính là không thể thích ứng với hoàn cảnh. Xung quanh họ có nhiều cơ hội học hỏi và trau dồi bản thân, nhưng họ không nhận thấy, cơ bản là không có ý thức học hỏi cái mới.
Công việc và đời sống luôn thay đổi không ngừng. Hàng ngày, chúng ta đều đối mặt với những thay đổi, như sản phẩm mới luôn xuất hiện trên thị trường, kỹ thuật mới không ngừng ra đời, nhiệm vụ mới luôn được giao phó... Những sự biến đổi này có thể là rất nhỏ, cũng có thể là rất lớn. Nhưng mỗi lần thay đổi, chúng ta đều phải điều chỉnh lại tâm lý của mình cho thích ứng với hoàn cảnh. Đứng trước sự thay đổi, nếu bạn cố giữ thói quen và cách suy nghĩ cũ, thì những sự vật mới này sẽ uy hiếp đến sự an toàn của bạn. Những người không thích thay đổi, bằng lòng với hiện tại, không có dã tâm, không có tinh thần sáng tạo, không tìm cách cải tiến mình, thì không có khả năng thích ứng như loài sói.
Trở ngại lớn nhất của những người này là không thể bình thường hóa sự thay đổi. Họ không có khả năng thích ứng với sự thay đổi, bao gồm bước tiến, quan niệm, tính mềm dẻo trong công việc và hiệu suất. Họ càng không biết khai thác tiềm năng của mình, khi gặp biến cố chỉ khoanh tay đứng nhìn.
Để những người không biết thích ứng với sự thay đổi trong doanh nghiệp sẽ gây nhiều trở ngại, đường đi cũng ngày càng hẹp, cuối cùng dẫn đến suy thoái năng lực, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
BẠN ĐANG ĐỌC
Phép Tắc Của Loài Sói
AventuraPhép tắc sinh tồn của kẻ mạnh; Dũng cảm, cô độc, đoàn kết, tàn khốc là thế giới của loài sói; Trong thế giới này, không có đúng, không có sai, chỉ có thành công; Không có chính nghĩa, không có tội ác, chỉ có mục đích duy nhất: sinh tồn.