Vùng thảo nguyên của Châu Phi thường xuyên xuất hiện sư tử, hổ và báo. Chúng rất to khỏe, động tác nhanh mạnh, nhu cầu về thức ăn cũng rất lớn. Đối với một số loài động vật ăn thịt có kích thước tương đối nhỏ trên thảo nguyên như loài sói, những con vật to lớn này là đối thủ lớn cạnh tranh thức ăn với chúng. Xét về tầm vóc, tốc độ, sức khỏe và vũ khí chiến đấu (móng vuốt và răng), sói không phải là đối thủ của những động vật thuộc họ Mèo này; nhưng loài sói trên thảo nguyên vẫn không rơi vào tình trạng đói đến mức gầy trơ xương. Chúng thường ăn những thức ăn thừa của những con "mèo lớn" này và đôi lúc, chúng còn dựa vào sự linh hoạt của bản thân để cướp thức ăn từ miệng những con "mèo lớn". Thậm chí nhờ vào sự hợp tác tập thể, thỉnh thoảng, bầy sói còn có thể giết chết báo.
Là một kẻ ăn thịt, trong môi trường sống mạnh được yếu thua, vì sự sống, loài sói không bao giờ từ bỏ mục tiêu của mình, cho dù đến phút cuối cùng của sự sống, chúng cũng không dễ dàng chịu thua. Đây chính là một phép tắc trong sự sinh tồn của loài sói: đứng dậy từ trong đống đổ nát. Về điểm này, người Nhật Bản được xem là một điển hình.
Nhật Bản là một dân tộc sùng bái kẻ mạnh. Từ xưa đến nay đều như thế. Trung Quốc thời Thịnh Đường đã trở thành bậc thầy để người Nhật Bản học tập. Cho đến năm 1853, hạm đội của Mỹ dùng đại pháo phá hủy cửa ngõ của Nhật Bản. Pháo hạm của Mỹ đã làm cho Nhật Bản tỉnh ngộ, nên họ tiến hành Minh Trị Duy Tân và học tập toàn diện ở nước Mỹ. Chưa đầy mười năm, Nhật Bản đã trở thành cường quốc.
Sau khi trở thành cường quốc, Nhật Bản bắt đầu bành trướng quyền lực và khiêu chiến với nước Mỹ đã từng chiến thắng mình năm xưa. Sau thất bại ở Đại Chiến Thế Giới lần hai, nước Nhật lại một lần nữa thể hiện tinh thần quên thù cũ, coi đối thủ là thầy, biến những tiên tiến, văn minh của đối thủ thành cái của mình, nhanh chóng đứng lên từ trong đống đổ nát và cúi đầu gọi MacArthur là "ân sư". Tinh thần quật khởi của Nhật Bản sau Đại Chiến Thế Giới lần hai đã giúp chúng ta hiểu thất bại không phải là một chuyện đáng sợ; mà chuyện đáng sợ nhất là bạn hoàn toàn gục ngã, không bao giờ muốn đứng dậy. Chỉ có càng thất bại càng dũng cảm, thì mới có thể mở ra cục diện mới.
Hạng Vũ tự vẫn bên sông Ô Giang chứ nhất quyết không chịu qua sông là vì xấu hổ với phụ lão Giang Đông. Nhưng Hạng Vũ lại không biết rằng chính vì vậy mà để mất đi cơ hội trở lại. Người đời sau thường xem chuyện này là việc đáng tiếc. Dùng cái chết để kết thúc tất cả như Hạng Vũ thì không thể làm nên nghiệp lớn. Quan trọng là phải rút ra được bài học kinh nghiệm từ trong thất bại và lấy đó làm gương. Đã ở trong rừng thì sợ gì không có củi đốt.
Hàn Tín thời Hán cũng có được chân truyền đó. Một hôm Hàn Tín đang đi trên đường thì có một tên vô lại chặn đường và cố tình sỉ nhục ông: "Hàn Tín, ngươi luôn dắt kiếm ngọc bên lưng, có biết sử dụng không? Thấy ngươi cao to như vậy nhưng kì thực chỉ là một gã hèn nhát ngoài mạnh trong yếu." Mọi người xung quanh đều cười ồ lên, còn Hàn Tín thì vẫn tiếp tục đi như không hề nghe thấy. Tên vô lại đó thấy vậy càng đắc ý, hắn chặn Hàn Tín lại, nói: "Nếu ngươi là một trang nam tử hán, không sợ chết thì hãy cầm gươm đâm vào ta. Nếu ngươi không có được chút dũng khí đó, tham sống sợ chết thì hãy chui qua háng ta". Nói xong, hắn bèn dạng hai chân, ra dáng như cưỡi ngựa, chặn ngay giữa đường. Hàn Tín im lặng nhìn hắn một lát, tuy rất cảm thấy khó chịu nhưng cuối cùng, ông vẫn nén giận phục người xuống, chui qua háng tên vô lại. Mọi người có mặt tại đó đều cười ầm lên. Nhưng Hàn Tín lại làm như không có chuyện gì xảy ra, đứng dậy đi thẳng.
BẠN ĐANG ĐỌC
Phép Tắc Của Loài Sói
Phiêu lưuPhép tắc sinh tồn của kẻ mạnh; Dũng cảm, cô độc, đoàn kết, tàn khốc là thế giới của loài sói; Trong thế giới này, không có đúng, không có sai, chỉ có thành công; Không có chính nghĩa, không có tội ác, chỉ có mục đích duy nhất: sinh tồn.